Mô hình nào cho chính phủ kiến tạo tại Việt Nam?
Cập nhật: 16/03/2021
Cảnh lạ ở 'thủ phủ' bánh kẹo Hà Nội ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Gửi trao vị hạnh phúc, đón xuân tròn đầy cùng bộ sản phẩm Tết từ TH – lựa chọn gắn kết yêu thương
VOV.VN - Mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” phù hợp với Việt Nam nhưng phải đặc biệt chú ý đến chừng mực can thiệp của nhà nước.
Chiều nay (16/3), tại TPHCM, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam tổ chức toạ đàm “Từ chính phủ kiến tạo đến nhà nước khởi tạo: Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế 4.0”. Dự hội thảo có nhiều diễn giả là nhà nghiên cứu chính sách và các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách công.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng là thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, từ năm 2014 khái niệm “chính phủ kiến tạo” được người đứng đầu chính phủ nêu ra và từng bước thúc đẩy thực hiện cho đến nay rất gần với mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển của Đông Bắc Á”. Theo ông, có nhiều lý do để mô hình nhà nước kiến tạo phát triển Đông Bắc Á phù hợp với Việt Nam.
Theo mô hình này, vai trò điều chỉnh của nhà nước đối với công nghiệp, thị trường nằm ở khoảng giữa, tức là nhà nước chỉ điều chỉnh thị trường ở mức vừa phải, điều chỉnh khi cần. Thực tế, các nước Đông Bắc Á theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đã đề ra đường lối công nghiệp và thúc đẩy phát triển đều “hoá Rồng” như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…Thêm vào đó, Việt Nam vẫn mang nhiều đặc trưng văn hoá Đông Bắc Á dù có đứt gãy, thể hiện ở sự chính danh của nhà nước có được từ kinh tế phát triển và đời sống người dân được nâng lên.
TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam phân tích mô hình chính phủ kiến tạo từ góc độ thực hiện công nghiệp hoá. Từ năm 1990, Việt Nam đã đề ra chủ trương công nghiệp hoá hiện đại hoá và hoàn thành quá trình này vào năm 2020, nhưng quá trình đó diễn ra không mạnh mẽ như nhiều quốc gia khác.
Một trong những hạn chế là do Nhà nước chỉ duy trì sự gần gũi với các tổng công ty của nhà nước, chứ không gần với thị trường và cộng đồng doanh nghiệp; đội ngũ hoạch định chính sách, thực thi chính sách chưa thực sự gắn với thị trường.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, hiện nay, với cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển công nghệ là rất nhanh, đòi hỏi vai trò của nhà nước trong sáng tạo công nghệ và hỗ trợ công nghệ phát triển. Ông cũng đồng ý là mô hình “nhà nước kiến tạo phát triển” phù hợp với Việt Nam nhưng phải đặc biệt chú ý đến chừng mực can thiệp của nhà nước.
“Mô hình nhà nước phát triển có một đặc điểm vô cùng quan trọng, đó là nhà nước gắn vào doanh nghiệp, thị trường để thực sự hiểu doanh nghiệp, thị trường mới có chính sách đúng. Nhà nước bước ra một bước để gần hơn với thị trường, doanh nghiệp nhưng phải giữ bằng được sự độc lập. Nếu không như vậy nhà nước lại trở thành doanh nghiệp và chi phối, thao túng. Đó là ranh giới rất khó khăn khi nhận thức vai trò của nhà nước”, TS. Vũ Thành Tự Anh phân tích./.
Từ khóa: chính phủ kiến tạo, mô hình phát triển, nhà nước gắn với doanh nghiệp, thao túng, chi phối
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN