Mô hình lúa – tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao
Cập nhật: 28/01/2020
Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU
Kim Long Motor Huế hợp tác với tập đoàn ô tô Trung Quốc sản xuất xe du lịch
VOV.VN - Mô hình lúa – tôm đang giúp người dân Cà Mau có thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 30% so với trước đây.
Gia đình ông Huỳnh Văn Dũng (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) có thâm niên làm mô hình lúa - tôm tại địa phương hơn 10 năm. Trước đây, trên diện tích canh tác 1,5 ha, gia đình ông có nguồn thu hàng năm khoảng 50 - 60 triệu đồng. Tuy nhiên, vào đợt hạn mặn gay gắt năm 2015 - 2016, gia đình ông thất thu mùa lúa.
Bước vào vụ nuôi tôm cũng gặp nhiều khó khăn, do độ mặn quá cao tôm nuôi không thể phát triển. Vào đầu năm 2016, ông Dũng cùng 2 hộ dân được ngành chức năng địa phương chọn thực hiện Đề án “Nâng cao tính bền vững của hệ thống canh tác tôm – lúa”.
Mô hình lúa-tôm ở Cà Mau cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Dũng cho biết, trước đây người dân làm theo kiểu truyền thống, cứ thả đại giống xuống, được con nào bắt con đó, đầu tư nhiều mà không hiệu quả. Khi tham gia đề án, được tập huấn kỹ thuật, ông làm bài bản hơn.
Thông thường, rơm của vụ lúa bà con tuốt xong bỏ không thì nay được hướng dẫn cột thành từng bó, đưa xuống ruộng để tạo tảo, làm thức ăn cho tôm. Đồng thời, được hướng dẫn bài bản để đầu tư hiệu quả việc cải tạo ao đầm như: phơi mặt trảng; đánh vôi; gây màu nước bằng phân DAP... Từ khi áp dụng kỹ thuật mới, tình hình nuôi tôm của gia đình ông và người dân địa phương ngày càng khả quan.
“Làm tôm mặn thì tốt nhưng lúa thì không tốt. Làm tôm mà không có lúa thì qua năm sau không phát triển. Nhà nào cũng phải có dụng cụ để quản lý độ mặn để biết đường rửa mặn cho phù hợp với cây lúa. Bà con cùng bơm ra, cùng cải tạo, khi xuống giống phải xuống đồng loạt để canh tác hiệu quả hơn, năng suất lúa cao hơn. Đất gia đình tôi ngày càng tăng năng suất”, ông Huỳnh Văn Dũng chia sẻ.
Hai năm qua, trên diện tích 1,5 ha đất của gia đình, ông Dũng đều có nguồn thu không dưới 100 triệu đồng. Hiện nay, mô hình này đã được nhiều hộ dân học hỏi để có thể thích ứng với việc độ mặn xâm nhập ngày càng cao.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Thính (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) có diện tích đất canh tác lúa - tôm gần 7 ha. Trong mùa hạn mặn, năm 2015 - 2016, gia đình ông mất trắng vụ lúa do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Theo lời ông Thính, việc trồng thành công vụ lúa không chỉ đảm bảo tăng thu nhập mà còn giúp cải tạo môi trường, nuôi tôm thuận lợi. Chính vì tầm quan trọng của vụ lúa mà người dân nơi đây đã ý thức hơn trong việc chủ động cải tạo đất sớm, đối phó với xâm nhập mặn.
Vào khoảng tháng 6 - 7 âm lịch hàng năm là thời điểm mưa lớn trong năm. Nếu như trước đây, đến cuối tháng 7 bà con mới tiến hành công tác rửa mặn để trồng lúa thì nay ngay khi có lượng mưa nhiều họ đã tiến hành rửa mặn. Quy trình rửa mặn được bà con thực hiện rất bài bản. Sau khi tát cạn nước mặn trong vuông, người dân còn tiến hành sẻ rãnh, chia nhỏ mặt trảng để việc thoát mặn thuận lợi. Nếu lượng mưa đảm bảo nhiều, người dân còn tiến hành xới mặt đất để mặn thoát nhanh hơn.
Bên cạnh đó, bà con cũng thay đổi tập quán dùng giống lúa xác nhận chất lượng cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt, từ đó, không những đảm bảo vụ mùa thành công mà năng suất lúa ngày càng cao. Kết hợp thêm những kỹ thuật tiến bộ mới như: Sử dụng chế phẩm sinh học; vèo tôm giống trước khi thả vào vuông nuôi hay xen thêm vụ tôm càng xanh trong vụ lúa mà hiệu quả mô hình ngày càng tăng. Hiện nay, tính bình quân, gia đình ông Thính có thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Hoàng Thính cho biết thêm: “Do biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn thấy rõ rồi. Từ đó, khi cải tạo để làm vụ lúa thì phải tát nước vuông, cải tạo sớm hơn mọi năm. Tát nước trong vuông cạn hơn để có thể rửa mặn hiệu quả hơn. Khi chuẩn bị thu hoạch lúa thì phải xem dự báo thời tiết, chủ động trữ đưa nước ngọt vào ruộng để chống mặn, đảm bảo thu hoạch được vụ lúa”.
Ông Lê Hoàng Phương, Chủ tịch UBND xã Tân Bằng cho biết, toàn xã có hơn 3.400 ha đất làm mô hình lúa - tôm. Trước tác động của biến đổi khí hậu, mặn xâm nhập nên thời gian gần đây canh tác vụ lúa tại địa phương có phần khó khăn.
Mùa hạn mặn 2015 - 2016, thể hiện rõ tác động xấu của biến đổi khí hậu đến sản xuất, tại địa phương có hơn 90% diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại. Từ đó, để có hướng đi bền vững cho mô hình tôm - lúa, xã đã kết hợp các ngành chức năng, áp dụng những tiến bộ vào mô hình này. Việc sử dụng chế phẩm sinh học; sản xuất đồng bộ; sử dụng giống lúa chịu mặn đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đặc biệt, bà con cũng đã ý thức hơn trong việc chủ động những giải pháp trong canh tác, tránh tác động của mặn xâm nhập. Hiện bình quân mô hình lúa – tôm đang giúp người dân địa phương có thu nhập trung bình khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha/năm, cao hơn khoảng 30% so với trước đây.
Ông Lê Hoàng Phương chia sẻ: “Để hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra. Địa phương cũng đã có những giải pháp phối hợp với các đơn vị chức năng, tìm ra hướng đi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại địa phương, đã có những giống lúa chịu được độ mặn khoảng 4 phần ngàn”.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có khoảng 40.000 ha đất lúa- tôm. Tập trung nhiều tại huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước... Trước tác động của biển đổi khí hậu, diện tích canh tác theo loại hình này đã gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trước sự chủ động của ngành chức năng địa phương, mô hình lúa – tôm, vẫn đang được đánh giá là mô hình bền vững, giúp người dân có thu nhập ổn định./.
Mô hình lúa - tôm đang phải đối diện với nhiều thách thức
Từ khóa: mô hình lúa tôm, nuôi tôm ở cà mau, hiệu quả trồng lúa, nuôi tôm, kỹ thuật nuôi tôm
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN