Mở bến xe sau 0 giờ ở Hà Nội: Xe chạy ngày-đêm không được trái tuyến
Cập nhật: 21/04/2020
Sau 5 năm, tiếng chuông lại vang lên ở Nhà thờ Đức bà Paris, Pháp (10/11/2024)
Thời tiết ngày 11/11: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nắng nóng, sáng sớm trời rét
VOV.VN -Việc cho xe khách liên tỉnh vào các bến của Hà Nội dù ngày hay đêm đều phải quy định về luồng tuyến, đảm bảo trật tự vận tải và giảm ùn tắc giao thông.
Đây là nội dung Vụ Vận tải- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trả lời văn bản của Sở GTVT Hà Nội đề xuất các bến xe hoạt động sau 0h (0-5h) và cho xe hoạt động xuyên qua các tuyến phố nội đô (xe xuyên tâm).
Việc cho xe khách liên tỉnh vào các bến của Hà Nội dù ngày hay đêm đều phải quy định về luồng tuyến, đảm bảo trật tự vận tải và giảm ùn tắc giao thông. |
Như VOV.VN đã thông tin, những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Sở GTVT Hà Nội đang dự thảo cho phép các bến xe khách hoạt động thêm vào ban đêm, xe khách tuyến cố định chạy đêm được đi vào tuyến đường ngắn nhất (có thể chạy xuyên tâm), thay vì áp dụng quy hoạch luồng tuyến phân theo khu vực.
Các doanh nghiệp vận tải cho rằng, đề xuất cho xe khách chạy “xuyên tâm” vào ban đêm của Sở GTVT Hà Nội có thể dẫn tới tình cảnh “vỡ trận” như bến xe Mỹ Đình gần 10 năm trước.
Liên quan đến vấn đề trên, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này đã nhận được kiến nghị và có văn bản trả lời Hiệp Hội vận tải Hà Nội liên quan tới đề xuất của Sở GTVT Hà Nội. Vụ này mới đây đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội.
Đại diện Vụ Vận tải giải thích, trên cơ sở quy định tại thông tư 60, quyết định 2288/2015 của Bộ GTVT, việc quyết định giờ xe xuất bến của từng chuyến xe đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh do Sở GTVT hai đầu tuyến thống nhất và công bố công khai trên trang thông tin điện tử. Theo đó, việc mở bến sau 24h do Sở GTVT các địa phương quyết định, trên cơ sở thống nhất với địa phương ở đầu tuyến còn lại.
Nhiều tuyến xe đêm hiện nay vắng khách. |
“Căn cứ quy hoạch chi tiết tuyến vận tải khách cố định được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở GTVT địa phương (đối với tuyến nội tỉnh) và Sở GTVT hai đầu tuyến (đối với tuyến liên tỉnh) thống nhất và công bố công khai biểu đồ chạy xe của từng tuyến do Sở GTVT quản lý theo mẫu quy định”, ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Vụ Vận tải khẳng định: “Việc bố trí luồng tuyến xe khách liên tỉnh vào các bến xe của Hà Nội dù ban ngày hay ban đêm đều phải theo quy định trên, nhằm đảm bảo trật tự vận tải và giảm ùn tắc giao thông. Cần đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị vận tải thì tất cả các chuyến xe chạy ban ngày hay ban đêm đều thực hiện nghiêm theo quy định về hướng tuyến đã có sự thống nhất của UBND TP với Bộ GTVT theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội...".
Về quy hoạch luồng tuyến, Vụ Vận tải cho hay, quy hoạch luồng tuyến vận tải xe khách liên tỉnh hiện nay áp dụng cho Hà Nội được ban hành trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT vào năm 2015. Dựa trên đề xuất đó và thống nhất của UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 2288 phê duyệt Quy hoạch chi tiết các tuyến xe khách cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, các tuyến xe khách liên tỉnh đi/đến Hà Nội được quy định rõ: Các tuyến xe phía Nam vào Hà Nội đi theo Quốc lộ 1, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm; các tuyến đi theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6 vào bến xe Yên Nghĩa; các tuyến đi theo Quốc lộ 32, Cầu Thăng Long vào bến xe Mỹ Đình.
Trước đó, trả lời kiến nghị của Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, cơ quan này đề xuất điều chỉnh hoạt động vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu người dân; phù hợp với tổ chức và hạ tầng giao thông, mục tiêu giảm ùn tắc giao thông.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, các doanh nghiệp khai thác khung giờ buổi tối không được đổi sang các khung giờ khác và không làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp đang khai thác.
Không làm tăng thêm áp lực giao thông trên địa bàn thành phố trong khung giờ có áp lực giao thông cao (từ 06h đến 19h); doanh nghiệp, đơn vị vận tải phải cam kết duy trì hoạt động tại khung giờ đã đăng ký, không đổi “nốt” giờ xuất bến từ khung giờ “thấp điểm” sang khung giờ “cao điểm”;
Các bến xe hai đầu tuyến phải có phương án hoạt động khi kéo dài thời gian phục vụ của bến đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo đúng quy định; Phương án phải nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, có sự thống nhất của liên ngành Công an - GTVT, và được sự chấp thuận của UBND Thành phố, Bộ GTVT…
Hiện Sở GTVT Hà Nội đang hoàn thiện dự thảo và sẽ xin ý kiến các doanh nghiệp vận tải và cơ quan liên quan trước khi báo cáo UBND Hà Nội và Bộ GTVT./.
5 vấn đề bất cập mở bến xe sau 0 giờ và chạy xuyên tâm
Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đã có văn bản gửi Sở GTVT Hà Nội nêu 5 vấn đề bất cập.
Thứ nhất, tại các bến xe của Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường lập trung vào các đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng” nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách đã giảm hẳn. Có bến xe khách công suất chỉ đạt 60% so với kế hoạch.
Thứ hai, quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải tại Quyết định 2288 đã ấn định tần suất của 2 đầu bến. Việc kéo dài “đóng bến” sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất TTATGT.
Thứ ba, tăng thêm giờ hoạt động trong khi lượng khách giảm, chi phí hành chính của bến xe tăng lên và các lực lượng quản lý xe khách như TTGT, Công an phải tăng theo, chi phi xã hội tăng bất hợp lý.
Thứ tư, tăng thêm giờ hoạt động nhưng phải đảm bảo đầu xe không tăng theo quy hoạch, đồng thời phải tuân thủ quy hoạch, với Hà Nội phải thực hiện theo hướng tuyến: Bắc - Bắc, Nam - Nam.
Cuối cùng, theo ông Liên, trường hợp quyết định tăng xe chạy sau 24h đêm, thành phố cần cho xe buýt chạy 24h/ngày để phục vụ nhân dân đi lại.
Từ khóa: xe khách chạy ban đêm, xe dù bến cóc, bến xe Mỹ Đình, bộ giao thông vận tải, bến xe nước ngầm
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN