Miền Trung tìm giải pháp kích cầu du lịch
Cập nhật: 19/02/2020
VOV.VN - Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa kiến nghị chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn do dịch Covid-19
Qua khảo sát, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á giảm từ 20 đến 30%. Tại tỉnh Quảng Nam, lượng khách sụt giảm, hủy phòng, hủy tour, hủy dịch vụ cũng khá nhiều.
Phố cổ Hội An ngày mưa. |
Báo cáo của Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, các khách sạn hiện đã giảm công suất khai thác từ 30 đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số khách sạn, công suất sử dụng buồng phòng chỉ còn từ 10 đến 20%. Các điểm đến du lịch lượng khách cũng giảm từ 30 đến 40%.
Ông Phạm Bá Hòa, quản lý 1 khách sạn trên đường Võ Văn Kiệt, thành phố Đà Nẵng cho biết, khách sạn của ông chủ yếu đón khách đi lẻ nên vẫn duy trì được ở mức trên 30% công suất sử dụng. Thời điểm này, doanh thu vừa đủ trang trải, nếu lượng khách tiếp tục sụt giảm thì khách sạn tính đến phương án “dồn” khách vào 1 tầng để giảm chi phí.
"Hiện tại ở Đà Nẵng, quanh khu vực biển thì những khách sạn tầm trên 100 phòng, trên 200 phòng công suất tầm 20% đến 30%. Một số khách sạn nhỏ thì người ta đã đóng cửa", ông Hòa nói.
Khách Tây đến Hội An không sụt giảm. |
Trước khó khăn này, Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng kiến nghị chính quyền thành phố giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong 2 năm 2020 và 2021, cho phép chậm nộp thuế VAT quý 4 năm ngoái và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019; Đề xuất thành phố miễn giảm chi phí vé tham quan ở các điểm di tích do thành phố quản lý để kích cầu điểm đến.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội Du lịch cũng đề nghị thành phố có ý kiến với các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành trong việc được hoàn hoặc dời phí đặt cọc vé máy bay đến các thị trường có ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo ông Cao Trí Dũng, Hiệp hội cũng kiến nghị với các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ…đối với các khoản vay của các doanh nghiệp du lịch:"Các doanh nghiệp hiện nay đang đứng trước những khó khăn và đang phải xử lý cùng lúc rất nhiều việc; Vừa đàm phán với khách để tiếp tục sử dụng dịch vụ, vừa đàm phán với đối tác để làm sao hoặc là có thể hủy dịch vụ mà không bị mất tiền, hoặc lùi dịch vụ vào thời điểm khác, vừa phải làm việc với hệ thống cung ứng dịch vụ trực tiếp là hàng không, khách sạn, nhà hàng để tránh được thiệt hại. Cho nên mặc dù lượng khách giảm nhanh chóng nhưng khối lượng công việc của các doanh nghiệp vẫn đang rất lớn".
Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa ra những dự báo hết sức khó khăn trong thời gian tới. Bên cạnh sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách, các doanh nghiệp du lịch cũng chung nỗi lo về bất ổn nhân sự, đối mặt với khó khăn về lãi suất vốn vay, nợ ngân hàng, nợ thuế cũng như nguy cơ giảm giá dịch vụ, cạnh tranh không lành mạnh, thị trường khách biến động sau dịch…
Ông Trần Thái Do, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Á Đông Villas, chủ đầu tư khách sạn Silk Sense Hội An cho rằng, để kích cầu du lịch trong và sau thời điểm xảy ra dịch COVID- 19 cần có chính sách kích cầu đồng bộ, tạo sự khác biệt để khách quan tâm.
"Về kinh doanh chắc chắn sẽ sụt giảm, từng nhân viên phải hiểu và chia sẻ. Từng bộ phận phải xây dựng kế hoạch để tăng doanh thu. 3 việc mà các khách sạn cần làm đó là: tăng doanh thu, giảm chi phí và củng cố chất lượng. Đó là 3 điều cần làm trong lúc này", ông Do nói.
Du khách đeo khẩu trang tham quan Hội An sau Tết. |
Khách Tây thích thú tận hưởng vẻ đẹp thanh bình của Mai Châu
Từ khóa: dịch covid-19, ncov, du lịch đà nẵng, du lịch quảng nam, kích cầu du lịch
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN