Miền Trung thiếu nước khi mùa khô hạn mới chỉ bắt đầu
Cập nhật: 10/06/2020
Gần 100 gian hàng giảm giá tại “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”
23 tác phẩm xuất sắc đoạt giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Sơn La
VOV.VN - Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ở miền Trung. Trong người dân Bình Định thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, tại Quảng Ngãi cây trồng thiếu nước tưới.
Tình trạng hạn gay gắt khiến hơn 6.000 hộ dân tại Bình Định sẽ thiếu nước sinh hoạt khi mùa khô hạn mới chỉ bắt đầu. Tại các xã khu đông huyện Phù Cát, Phù Mỹ, 1 tháng nay, người dân phải đi mua nước về sinh hoạt, còn nước uống phải mua từng bình. Cứ bước vào mùa nắng nóng, bà con nơi đây lại tay can, tay chậu đi mua nước, cuộc sống đảo lộn.
Vợ chồng ông Nguyễn Phúc Quang, thôn An Xuyên 1, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng ngày nào ông bà cũng phải 3 lần đạp xe đạp cả chục cây số để mua nước về dùng. Con cái lớn, đi làm ăn xa nên việc nặng nhọc này ông bà phải tự làm. Ông Nguyễn Phúc Quang cho biết: “Ở An Xuyên 1, nước sinh hoạt rất khó khăn, đi chở ở xa về, rất xa, còn ở nơi này nước nhiễm phèn ghê lắm mà nhiễm mặn. Mỗi ngày phải có một người bỏ nguyên cả ngày đi chở nước sinh hoạt, còn nước bình để uống phải mua”.
Bà Đỗ Thị Mận (58 tuổi) ngày 3 lần dùng xe đạp đi chở nước. |
Xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ những ngày này ở đâu cũng thấy cảnh các gia đình chằng can nước 2 bên xe máy hoặc xe đạp đi lấy nước sinh hoạt. Nhà nào đông người thì mua hẳn bình chứa nước 100 lít, buộc lên xe bò kéo chở đi lấy nước. Đã 2 năm nay, cứ đến mùa nắng nóng là không có nước dùng. Chi phí mua nước tháng nào cũng tăng thêm gần 200.000 đồng với gia đình 4 người.
Ông Phan Minh Tài, Giám đốc Nhà máy nước sạch Phù Mỹ cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận hệ thống nước này từ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Định. Thế nhưng qua kiểm tra, toàn bộ đường ống cấp nước hỏng hoàn toàn. 5 nguồn cấp nước thô cho nhà máy cũng can kiệt. Vì vậy, hơn 2.600 hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, huyện Phù Mỹ không có nước sinh hoạt.
“Hiện nay, tỉnh đã cho chủ trương đồng thời hỗ trợ kinh phí nhà máy đang tiến hành nâng cấp, mở rộng ra. Phấn đấu mùa khô sang năm khả năng có nước cấp cho dân. Hiện nay nhà máy đã có kế hoạch sẽ vận chuyển nước sạch xuống để cấp cho dân. Dự kiến cứ mỗi xe khoảng 4 khối, 1 ngày vận chuyển khoảng 6 chuyến. Cấp nước ngày 3 buổi sáng, trưa và chiều ngày tại trụ sở thôn”- ông Phan Minh Tài nói.
Mới đây, được UBND tỉnh Bình Định cấp bổ sung kinh phí 25 tỷ đồng cùng với ngân sách địa phương 14 tỷ đồng huyện Phù Mỹ đầu tư xây dựng, nâng cấp nhà máy cấp nước sạch, thay thế đường ống dẫn nước về phục vụ bà con.
Dự báo, mùa khô năm nay, hơn 6.000 hộ dân ở tỉnh Bình Định thiếu nước sinh hoạt, trầm trọng nhất là huyện Phù Mỹ với hơn 2.600 hộ dân, tiếp đến là các huyện Vân Canh, Tây Sơn và Hoài Ân. Mùa khô hạn năm ngoái, tỉnh Bình Định phải huy động hàng trăm lượt xe ô tô của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy chở nước sạch về cung cấp cho người dân.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, năm nay sẽ không để tình trạng này tái diễn: “Đối với những vùng nào nước sinh hoạt cho người dân qua các năm còn thiếu thì cho phép UBND các huyện mở rộng mạng lưới cấp nước cho người dân. Tỉnh cũng cho phép khoan thêm giếng. Tuy nhiên, đến thời điểm này UBND các huyện triển khai còn chậm. Qua đi kiểm tra, UBND huyện cũng hứa trong 2 tháng nữa sẽ đấu thầu các dự án và tổ chức hoạt động các dự án cấp nước đảm bảo nước trong mùa nắng này”.
Người dân dùng xe kéo chở thùng nước lớn. |
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đang diễn ra tại nhiều địa phương ở miền Trung. Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp, mô hình tiết kiệm nước, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Những ngày này, trong khi nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn khốc liệt, thì vườn cây ăn quả của gia đình ông Phạm Khắc Luận ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành vẫn xanh tốt. Trước đây, vào mùa khô hạn, gia đình ông Luận rất vất vả khi phải mất vài ngày bơm nước tưới vườn cây cả ngàn mét vuông, nay thì chỉ cần vài tiếng đồng hồ. Với hệ thống tưới tiết kiệm dùng pét phun, nhỏ giọt, toàn bộ cây trồng trong vườn gia đình ông Luận được tưới mát thường xuyên. Ông Phạm Khắc Luận cho biết, chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống này khoảng hai chục triệu đồng nhưng điều quan trọng hơn là tiết kiệm được một nửa lượng nước tưới và giảm đáng kể công tưới so với phương pháp bơm tưới trực tiếp như trước đây.
“Khi làm vườn cây ăn quả thì nên đầu tư hệ thống tưới nước. Đầu tư tốn kém ban đầu khá nhiều nhưng lại giải quyết được công lao động trực tiếp”, ông Luận chia sẻ.
Nông dân Quảng Ngãi áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm cho cây trồng. |
Hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm tại xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành được nhiều hộ nông dân trong tỉnh học tập, nhân rộng. Đây là mô hình thí điểm do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi triển khai với mục tiêu giúp nông dân vùng thiếu nước chủ động đối phó với hạn hán. Không chỉ tiết kiệm nguồn nước và công lao động, mô hình tưới tiết kiệm còn giảm đáng kể lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí, nâng cao năng suất cây trồng.
Ông Võ Đoàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi cho hay, mô hình tưới tiết kiệm cho cây trồng được nông dân tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn nhằm đối phó với tình hình khô hạn và thiếu nước tưới hiện nay: “Chúng tôi khuyến cáo địa phương triển khai nhiều phương pháp tưới tiết kiệm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã ban hành sỏ tay hướng dẫn cụ thể. Tưới cho từng loại cây, chúng ta dùng biện pháp nào là phù hợp. Tưới cho cây trồng cạn thì dùng phương pháp tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt. Tưới cho cây lúa thì tưới theo phương pháp nông lộ phơi, điều tiết luân phiên”.
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 755 công trình thủy lợi, gần 4.300km kênh các loại, tưới hơn 90.400 ha đất canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng đã lâu, xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo nguồn nước nên năng lực tưới thực tế chỉ đạt 66% so với thiết kế. Do nắng hạn, hiện nay, lượng nước còn lại trung bình trong các hồ chứa ở tỉnh Quảng Ngãi chỉ từ 20 đến 60%. Với tình hình nắng nóng kéo dài và không mưa như hiện nay, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước là rất cao.
Hệ thống tưới tiết kiệm giảm thời gian,chi phí, nhân công nâng cao năng suất cây trồng. |
Theo dự báo, tại tỉnh Quảng Ngãi sẽ có hơn 12.700 ha cây trồng bị thiếu nước tưới và khoảng 12.000 người thiếu nước sinh hoạt. Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện tại, các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn theo các phương án được UBND tỉnh phê duyệt.
“Các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh. Giải pháp đầu tiên là phải tiết kiệm nước. Bà con nông dân, các chủ hồ đập phải có ý thức cao trong việc tiết kiệm nước. Không dùng thì phải đóng kín các cửa cống. Khi đã sử dụng nước cũng cần tránh rò rỉ, thất thoát, giảm thiểu càng nhiều càng tốt”, ông Văn cho biết./.
Từ khóa: hạn hán xâm nhập mặn, miền Trung thiếu nước, người dân miền Trung khát nước, thiếu nước sạch ở miền Trung
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN