Miền Trung cần tăng tốc phát triển để có quy mô kinh tế lớn hơn
Cập nhật: 25/09/2019
Phụ nữ khởi nghiệp vì sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững (24/11/2024)
Mua sắm mùa Giáng sinh, khách hàng muốn trực tiếp “mắt thấy, tay cầm”
VOV.VN - Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại FLC Quy Nhơn (Bình Định) ngày 20/8.
Sáng 20/8, Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung diễn ra tại FLC Quy Nhơn (Bình Định) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, UBND tỉnh Bình Định tổ chức trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án với tổng số vốn 36.252 tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng miền Trung có 14 tỉnh thành trải dài từ Thanh Hoá xuống Bình Thuận, đang sở hữu những tài nguyên kinh tế biển có thể nói là hàng đầu Việt Nam, nhưng doanh thu từ du lịch chưa đến 20% tổng doanh thu cả nước. Quy mô kinh tế khoảng 1 triệu tỉ đồng, cũng chỉ chiếm gần 20% GDP cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng của hãng hàng không Bamboo Airways tại Hội nghị. (Ảnh: TTXVN) |
Miền Trung cần tăng tốc phát triển cao hơn để có quy mô kinh tế lớn hơn, Thủ tướng yêu cầu và nêu rõ, khu vực quần thể tổ chức Hội nghị trước đây từng là khu vực hoang hoá, cây cối thưa thớt, thì sau 3-4 năm, nơi này thành khu đô thị du lịch, khách sạn hạng sang. “Sự thay đổi này phải chăng là gợi mở cho việc phát huy thế mạnh của chúng ta?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.
Dẫn ví dụ về Bình Định, Thủ tướng cũng cho hay, địa phương này trước đây đã quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội phục vụ phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, trước những lợi thế lớn của kinh tế biển, địa phương đã nhanh chóng thay đổi sang chiến lược phát triển du lịch và có thể nói là vô cùng tiềm năng.
"Một bác sĩ giỏi phải bắt đúng bệnh mới chữa được bệnh, cũng như miền Trung cần phải tìm ra đâu là căn bệnh để có giải pháp tháo gỡ... Tôi mong các đại biểu không nói nhiều về thành tựu mà chúng ta đề xuất cụ thể giải pháp để phát triển miền Trung đúng hướng", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Cần những con sếu đầu đàn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Trịnh Văn Chiến cho rằng, miền Trung trải dài trên đường bờ biển dài gần 2.000 km và quy hoạch phát triển cho cả một vùng như vậy là rất thách thức. Quy hoạch có thể theo cụm tỉnh trước và phải đáp ứng được phát triển các lĩnh vực mũi nhọn tạo sự tăng trưởng đột phá cho vùng, nhất là các lĩnh vực như lọc hóa dầu, phát triển mạnh cơ khí chế tạo và phát triển du lịch.
Theo ông Chiến, cần có thể chế hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, ngoài các nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư chiến lược trong nước là rất quan trọng.
“Hiện nay, các tập đoàn tư nhân như Tập đoàn FLC, Vingroup… đều đã tập trung đầu tư tại Thanh Hoá, giúp Thanh Hoá phát triển toàn diện ở các lĩnh vực, tạo ra một xung lực trong phát triển kinh tế và giúp phát triển bền vững hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng với miền Trung”, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
“Khó phát triển du lịch 5 sao nếu nhân lực chỉ 1,2 sao”
Nguồn nhân lực là một trong các vấn đề được đánh giá là thách thức của miền Trung, đặc biệt trong phát triển kinh tế biển.
“Việc phát triển du lịch cao cấp sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, nếu nguồn nhân lực tại địa phương chỉ đạt mức 1-2 sao”, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận xét.
Hiện miền Trung có 42 trường Đại học, không ít so với tổng số cơ sở Đại học của cả nước nhưng chất lượng đào tạo vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành động lực như du lịch hay khoa học công nghệ.
“Miền Trung chưa xác định rõ về nhu cầu nguồn nhân lực cho các dự án qua các thời kỳ, hay nhu cầu nguồn nhân lực trong dài hạn 5-10 năm. Tôi đề nghị các nhà đầu tư xác định nhu cầu lao động và có định hướng rõ nét để khuyến khích nhu cầu đào tạo đúng hướng”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhận định.
Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, cần đặc biệt khuyến khích các Tập đoàn lớn tham gia đầu tư trong lĩnh vực đào tạo, như Tập đoàn FLC đã thành lập Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways ở Quy Nhơn hay sắp tới là trường Đại học FLC. Những mô hình đào tạo như vậy có sự gắn kết mạnh giữa đào tạo và doanh nghiệp, và đây cũng là cơ chế thí điểm mà Bộ đang áp dụng để gia tăng yếu tố thực tiễn trong đào tạo Đại học và sau Đại học tại miền Trung.
Bình Định trao chứng nhận đầu tư trong khuôn khổ Hội nghị. |
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Bình Đình trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý có Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways do Công ty TNHH Hàng không Tre Việt thuộc Tập đoàn FLC (thành phố Hà Nội) đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm mang tính chiến lược của Bamboo Airways trong giai đoạn đẩy mạnh sự phát triển nguồn nhân lực, vật lực theo hướng bền vững. Dự án đã khởi công cuối tháng 7 vừa qua tại Quy Nhơn.
Tọa lạc tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, Viện đào tạo có quy mô 10 hecta. Giai đoạn 1 dự kiến đưa viện vào hoạt động cuối năm 2019 và toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.
Dự kiến sau khi đi vào vận hành, viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật máy bay, Khai thác Mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản khác. Theo đánh giá của Bộ trưởng Giao thông Vận Tải Nguyễn Văn Thể, dự án được kỳ vọng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về hàng không cho không chỉ Việt Nam mà còn của cả khu vực./.
Thủ tướng: Phát triển nhanh miền Trung, bây giờ hoặc không bao giờ
Từ khóa: kinh tế miền trung, phát triển miền trung, nguồn nhân lực, FLC Quy Nhơn, quy mô kinh tế
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN