Miền Tây “khốn đốn” chống chọi hạn mặn

Cập nhật: 02/04/2024

VOV.VN - Chỉ trong một thập kỷ qua, khu vực ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng là các năm 2025-2016, 2019-2020 và 2023-2024. Mùa khô năm nay, hạn, mặn được đánh giá là khốc liệt gần tương đương với mùa khô năm 2016.

 

Từ nửa cuối tháng 12/2023 cho tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp. Tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm từ 62-94%. Cùng với đó, mặn xâm nhập năm 2024 diễn ra sớm, giữa tháng 11 đã xuất hiện, đi sâu vào nội đồng ở các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu; thậm chí một số vùng còn sạt lở, sụt lún nghiêm trọng như Cà Mau.

Theo nhận định của các chuyên gia, khu vực này có thể phải đối mặt với những bất lợi của biến đổi khí hậu; nhiều mùa hạn mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai. Trong bài 1 của loạt bài “ĐBSCL oằn mình trong hạn mặn bủa vây”, nhóm PV CQTT ĐBSCL ghi nhận những khó khăn, khốn khó trong sinh hoạt và sản xuất của cư dân trong vùng.

Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, hiện nhiều diện tích lúa đông xuân muộn đang có khả năng bị thiệt hại cao do thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Nhiều đồng lúa chờ đợi con nước ngọt để bơm vào cánh đồng. Trạm Quản lý thủy nông huyện Long Phú nhiều thời điểm đã ghi nhận độ mặn cao nhất đo được lên tới 12 gam/lít (12‰).

Ông Lâm Đông có 4 công lúa ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú cho biết, nhiều năm trước, được sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp, ông không sản xuất lúa Đông xuân muộn mà chỉ trồng 2 vụ chính. Năm nay, do thấy giá lúa ở mức cao, vụ vừa rồi lại trúng mùa, trúng giá nên ông quyết định làm liều trồng thêm lúa vụ thứ 3. Tuy nhiên, liên tục trong hơn tháng qua, nhiều thời điểm nước mặn xâm nhập mạnh, nên khả năng diện tích lúa thiếu nước ngọt tưới tiêu, thiệt hại là điều khó tránh khỏi.

"Mấy năm rồi nước không mặn, nước ngọt nhiều, năm nay sở nước ngọt nữa, bây giờ thì nước mặn vô là thất bại rồi. Tôi thì làm ít, mất cũng ít. Nếu mà nước mặn thì mình không bơm nước, bỏ" - ông Đông chia sẻ.

Ở tỉnh Sóc Trăng, 2 địa phương là Trần Đề và Long Phú có khả năng cao nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập. Ở các vùng còn lại có đê bao và cống ngăn mặn, trữ nước ngọt, nhưng nguy cơ hàng chục nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng nếu nắng hạn kéo dài và mặn xâm nhập diễn ra gay gắt.

Trên tổng thể, ĐBSCL được hình thành từ phù sa bồi lắng và trầm tích qua hàng triệu năm của sông Mê Kông, thích hợp với nhiều loại hình canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, khu vực này, đặc biệt là 8 tỉnh ven biển thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập và hạn. Trong đó, mùa khô 2015 - 2016 và 2019-2020 là hai năm mặn xâm nhập rất nghiêm trọng của vùng. Năm 2016, mặn xâm nhập tiến sâu vào đất liền tới 90-100km, với 10/13 tỉnh ĐBSCL công bố thiệt hại, tổng diện tích lúa thiệt hại khoảng 180.000ha. Năm 2019-2020, nhờ chủ động ứng phó, diện tích lúa thiệt hại khoảng 14%, 24% người dân ven biển bị ảnh hưởng.

Thời điểm hiện nay, cả vùng còn khoảng gần 30 ngàn ha lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập. Theo Cục Thủy lợi, đây là diện tích vụ Đông xuân muộn ở các địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau  sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15/1/2024.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngoài đợt hạn mặn gần nhất diễn ra từ ngày 7-13/3, 24-28/3, đến hết mùa hạn mặn năm nay khả năng ĐBSCL còn chịu ảnh hưởng của các đợt mặn xâm nhập từ 8-14/4, 23-28/4 và 6-12/5.

Trước những diễn biến bất lợi của của hạn, mặn gay gắt trong mùa khô năm nay, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp - Bộ môn Tài nguyên đất đai, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Điệp: "Với những điều kiện canh tác của vùng ĐBSCL về sản xuất nông nghiệp rất lớn như vậy, tuy nhiên, vùng gặp nhiều khó khăn do mặn xâm nhập và hạn hán; ảnh hưởng rất nhiều đến hiện trạng canh tác và người dân sống ven biển. Giải pháp thích ứng cũng như sống chung thời điểm này là hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Bên cạnh đó, chuyển giao tiến bộ KHKT để người dân có thể thích nghi, thích ứng từng vùng sinh thái để trồng trọt và canh tác ở các thời điểm bị ảnh hưởng".

Tại Bến Tre, ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, địa phương là tỉnh cuối nguồn của dòng Cửu Long, trong đó có 4 nhánh sông và 3 tuyến cù lao. Mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh mặn xâm nhập sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm, ở mức xấp xỉ mùa khô năm 2015-2016. Theo dự báo năm nay, địa phương nhận thấy rằng số liệu thực tế với số liệu quan trắc của các Đài khí tượng thủy văn khá chính xác.

Theo ông Thắm, Bến Tre có địa lý ba vùng sinh thái rõ, đó là mặn – ngọt – lợ. Đối với hệ thống thủy lợi, tỉnh còn một số hệ thống cống lớn chưa được đầu tư nên bị ảnh hưởng của hạn mặn. Nếu không được đầu tư sớm, hằng năm Bến Tre vẫn phải chịu hạn mặn như các năm vừa qua. Về giải pháp chủ động, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đề ra 2 giải pháp, trước tiên là bảo vệ nguồn nước cấp cho nước sinh hoạt của nhà máy nước thành phố Bến Tre và các khu công nghiệp. Song song đó, phải bảo vệ vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, nhất là vùng Chợ Lách.

Ông Bùi Văn Thắm cho biết, tỉnh cơ bản đảm bảo được các phương án dự phòng đưa ra, nhưng nếu thời gian mưa trễ, nắng hạn kéo dài thì sức chịu đựng của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân gặp khó khăn.

"Căn cứ vào dự báo thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ có các giải pháp công trình và phi công trình ứng phó từng vùng sản xuất. Bến Tre được Bộ quy hoạch hệ thống thủy lợi Nam – Bắc khép kín. Phần Bắc Bến Tre cơ bản được đầu tư hoàn thiện, còn phần Nam Bến Tre nếu được đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản đảm bảo nguồn nước khi đó công tác phòng chống hạn mặn sẽ đỡ vất vã hơn" - ông Thắm cho biết.

Hạn hán, mặn xâm nhập là vấn đề nóng và cấp thiết tại khu vực ĐBSCL hiện nay. Thực tế đang diễn ra tại khu vực này cho thấy, mặc dù đã có một số giải pháp được áp dụng để kiểm soát mặn xâm nhập ở các địa phương như: Hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp; hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre; cống đập Ba Lai, hệ thống đê biển cho toàn bộ hệ thống ven biển ĐBSCL... Tuy nhiên, tình hình mặn xâm nhập, hạn hán vẫn đang diễn ra với cường độ và tính phức tạp ngày càng tăng cao và khó lường.

Hiện độ mặn lấn sâu trên các sông miền Tây, cống đóng để ngăn mặn từ biển vào nội đồng; nước trong kênh rạch nội đồng mất nguồn cung, chịu nắng nóng kéo dài cũng cạn khô. Nước máy một số khu vực ở vùng ĐBSCL cũng bị nhiễm mặn khiến tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt của người dân trở nên gay gắt và cấp thiết. Nội dung này sẽ được nhóm PV VOV ĐBSCL phản ánh trong bài viết tiếp theo. Mời quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.

Loạt bài "ĐBSCL oằn mình trong hạn mặn bủa vây":

Bài 1: Miền Tây “khốn đốn” chống chọi hạn mặn
Bài 2: Vùng sông nước bao quanh, người dân chật vật tìm nước ngọt
Bài 3: Kiểm soát và thích ứng hạn mặn – Nhiệm vụ phải làm cho vựa lúa quốc gia

Từ khóa: hạn mặn, hạn mặn, hạn mặn miền tây, đbscl, hạn mặn bđscl

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thanh tùng-thạch hồng/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập