Mía Gia Lai và thách thức về hiệu quả kinh tế
Cập nhật: 28/05/2020
VOV.VN - Sang tháng 5, Gia Lai kết thúc vụ ép mía 2020 trong nỗi lo lớn, khi sản lượng mía cây chỉ đạt 1 nửa so những năm trước.
Với sản lượng thu hoạch hiện nay, nhiều nông dân trồng mía ở An Khê đang bị thua lỗ. (Ảnh: Báo Gia Lai) |
Bà Huỳnh Thị Oanh, một đầu mối thu mua mía và cung cấp vật tư cho nông dân ở quanh thị xã An Khê cho biết, vụ mùa 2020 này, diện tích mía tiếp tục giảm vì nhiều nông dân thua lỗ, chuyển mía sang trồng cây khác, trong khi rất ít người xuống giống vụ mới.
Theo bà Oanh, năng suất trên 70 tấn đến hơn 100 tấn mía/1ha ở vùng An Khê, đã là chuyện cách đây rất lâu. Mấy vụ gần đây, do nắng hạn, năng suất mía chỉ phổ biến dưới 50 tấn. Mía tơ vụ đầu, nhiều thửa chỉ đạt 20 tấn/1 ha, khiến nông dân thua lỗ nặng.
"Với sản lượng 20 tấn/1ha, trừ công chặt và bốc chỉ còn được 10 triệu đồng. Trong khi đó, đầu tư 1ha, chỉ tiền cày không đã là 7 triệu đồng, tiền giống 10 triệu, tiền phân 9 triệu… Chí phí như vậy là lỗ vì đầu tư hết hai mấy ba chục triệu chưa tính tiền công làm cỏ" - bà Oanh chia sẻ.
Với hơn 3.000ha, lại gần nhà máy chế biến, thị xã An Khê coi mía là cây trồng chủ lực. Cây chủ lực này đang liên tiếp giảm về giá trị kinh tế trong những vụ gần đây.
Theo ông Phan Vĩnh Tấn, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã, vụ mía 2020, với năng suất bình quân 25 - 30 tấn/1ha, giá trị kinh tế của mía đã giảm rất sâu. Trong thời gian tới, địa phương vẫn chưa có giải pháp gì đối với cây trồng này, nhưng định hướng là nông dân sẽ cố gắng chuyển đổi cây trồng, bù đắp thiệt hại bằng nguồn thu từ những cây trồng mới.
Trong khuyến cáo của thị xã An Khê thì trong thời gian tới, những diện tích khó khăn về nước tưới thì vẫn trồng mía. Còn những diện tích nào đảm bảo được nước tưới thì chúng tôi khuyến cáo nông dân chuyển sang những cây trồng mới, như rau, cây ăn trái, cây dược liệu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách phát triển nguyên liệu, nhà máy đường An Khê, cây mía gặp khó liên tiếp trong 3 vụ vừa qua, do tác động kép của hạn hán và thị trường. Đến vụ ép 2020, giá đường phục hồi, giá mía lên tới 850.000 đồng/1 tấn thì vùng nguyên liệu của nhà máy chỉ còn hơn 22.000 ha, 25% trong số đó quá xấu, không cho thu hoạch. Sản lượng mía cây toàn niên vụ giảm tới 1 nửa.
Ông Nguyễn Hoàng Phước cho rằng, để giá trị kinh tế của cây mía được đảm bảo, buộc phải tổ chức lại sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, cơ giới hóa. Tuy nhiên việc này đang gặp vướng mắc không dễ giải quyết.
"Cái khó đầu tiênlà diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và đồi núi, cho nên chưa có sự quyết liệt phối hợp của địa phương với nhà máy; chưa quy hoạch rõ từng vùng, từng xã để xây dựng cánh đồng lớn" - ông Phước nêu ý kiến.
Doanh nghiệp muốn cùng nông dân sản xuất lớn tập trung, nhưng địa phương khuyến cáo chuyển đổi cây trồng, đưa diện tích thuận lợi về nước tưới sang trồng các loại cây khác, khiến vùng mía bị xé vụn. Chờ đợi của doanh nghiệp về một quy hoạch rõ ràng cho cây mía, chưa biết bao giờ nhận được kết quả.
Không thể sản xuất lớn, tập trung, hiện đại, cây mía ở Gia Lai, dù có diện tích lớn nhất Tây Nguyên, nhưng lợi ích có nguy cơ mỗi năm lại nhỏ dần, thúc đẩy làn sóng rời bỏ mía để trồng cây ăn trái và trồng sắn, khiến diện tích các cây trồng này tăng nhanh, tạo nguy cơ khủng hoảng dây chuyền cho nông nghiệp Gia Lai./.
Từ khóa: Mía Gia Lai, mía đường, an khê, giá mía, trồng mía
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN