Mênh mông khoảng trống tư vấn tâm lý học đường

Cập nhật: 08/04/2022

[VOV2] - Hiện tại, hoạt động tư vấn tâm lý hầu hết các trường đều giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Trong khi, việc hỗ trợ tâm lý cho các em là một quá trình, nó không thể diễn ra trong một vài phút hoặc là một, hai buổi, TS. Nguyễn Thị Chính nêu thực tế.

Báo động gia tăng vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em

Theo Unicef, một khảo sát dịch tễ học trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh, thành phố cho thấy mức trung bình của các vấn đề về sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12 % tương đương hơn 3.000.000 trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.

Mặc dù tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần được báo cáo trong các nghiên cứu tài liệu có sẵn là tương đối thấp, quan điểm chung cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội đều đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt trong trẻ em và thanh thiếu niên.  

Chia sẻ trong chương trình 30 phút cùng VOV2 của Đài Tiếng nói Việt Nam, TS tâm lý học Nguyễn Thị Chính cho biết, trên thực tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần có ở mọi độ tuổi dù trẻ em hay người lớn. Với học sinh, trong 3 cấp học là cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thì độ tuổi mà các bố mẹ hay là các thầy cô gặp nhiều khó khăn nhất với các con về mặt tâm lý đó là độ tuổi trung học cơ sở.

Độ tuổi này các con diễn ra một hiện tượng đặc biệt của sự phát triển cơ thể, hiện tượng dậy thì, kéo theo rất nhiều những sự thay đổi về tâm sinh lý, các con có thể có những băn khoăn những mâu thuẫn và nhu cầu cần được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều nhất về tâm lý.

Trầm cảm cũng như là những rối loạn tâm thần ngày nay có xu thế gia tăng có thể lý giải từ rất nhiều góc độ.

Thứ nhất là cái nhịp sống của xã hội hiện đại, sự căng thẳng từ những nhiệm vụ, vai trò của mỗi người trong thời hiện đại nó nhiều hơn. Một ngày phải giải quyết rất nhiều các vấn đề và áp lực đối với bộ não cũng như là bộ máy tâm trí con người, nó vượt quá ngưỡng người ta có thể giải quyết. Cho nên người ta dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Vì quá nhiều việc cho nên thời gian ngủ cũng như thời gian để chăm sóc bản thân cũng bị hạn chế. 

Bên cạnh đó thì sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội làm cho mối quan hệ có tính chất nâng đỡ tinh thần như những người thân trong gia đình hoặc những người thân thiết ít có thời gian dành cho nhau. Kết nối bị phá vỡ.  Nó cũng tạo nên một cái hiện tượng gọi là trầm cảm.

“Trong thời gian vừa rồi, khi làm tư vấn tâm lý tôi thấy rất nhiều bạn sau một thời gian học online ở trong nhà và dẫn đến là làm mất đi hứng thú, mất đi cái nhu cầu giao tiếp người khác và có vấn đề về mặt cảm xúc tâm trạng.

Cái nguy hiểm của đại dịch đó là làm cho con người mất kết nối, những kết nối có chất lượng chứ không phải chỉ là từ nhắn tin hay là lên mạng kết bạn. Giao tiếp trên mạng không thực sự là kết nối có chất lượng. Đặc biệt là với độ tuổi thanh thiếu niên có một nhu cầu kết nối với bạn bè rất lớn, nhu cầu có những hoạt động vui chơi nhưng trong thời gian đại dịch, điều này không được thỏa mãn nên càng làm cho vấn đề về sức khỏe tâm thần trở nên trầm trọng hơn”, TS. Nguyễn Thị Chính phân tích.

Bản thân cha mẹ hay các thầy cô giáo cũng là người chịu rất nhiều áp lực trong đại dịch, áp lực từ công việc, áp lực về tài chính…  Áp lực đấy không được giải tỏa một cách lành mạnh thì lại có thể truyền lại cho các bạn ấy, tạo ra một cái sức ép rất lớn đối với các bạn học sinh ở lứa tuổi này.

Và nếu như cha mẹ mà không thấu hiểu được điều đấy, đặc biệt là độ tuổi dậy thì các con có nhu cầu độc lập, có nhu cầu tự đưa ra quyết định, muốn bố mẹ không can thiệp cuộc sống của mình… Rất nhiều mâu thuẫn có thể nảy sinh từ cái khoảng cách thế hệ, từ quan điểm sống…

Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ

Theo các thống kê, nhóm tuổi có tỷ lệ tự tử cao nhất từ 16 đến 20. Tiếp đến là nhóm 12 đến 15. Tuy nhiên, hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Trường hợp tự tử thành công được thống kê chỉ là con số nhỏ. Trong khi những người nung nấu ý tưởng tự phát nhiều gấp 20 đến 50 lần. 

Theo TS. Nguyễn Thị Chính, không thể xác định được cụ thể một nguyên nhân nào quyết định việc các em tự sát. Nhưng khi một người khi có hành động tự tử tự thì thông điệp chung đó là thể hiện một sự đau khổ tuyệt vọng, sự bất lực không biết giải quyết vấn đề ra sao. Nó thể hiện khó khăn đã tích tụ một quá trình lâu dài và khó khăn. Khó khăn đó liên quan đến chính các vấn đề nội tại của các em ấy cũng như là những cái môi trường xung quanh từ gia đình từ bạn bè, trường lớp. 

Người ta nói là cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Cho nên tất cả những vấn đề xung quanh đều có tác động đến cuộc sống của một đứa trẻ. Trong mỗi vụ việc như vậy thì mình nhận thấy một thông điệp là đứa trẻ đó có khó khăn mà chưa được giúp đỡ hoặc sự giúp đỡ đấy chưa được hiệu quả.

Não bộ của mình, cái tâm trí của mình nó cũng giống như những phần khác của cơ thể. Tại sao mình bị đau tay, đau chân mình đi khám bác sĩ. Còn khi mình đau về mặt tinh thần mình lại không đi khám? Mình phải đối xử bình đẳng giữa tinh thần và thể chất của mình.

Vì vậy cần khuyến cáo chung cho cả cộng đồng cả xã hội cũng như các ban, ngành cần phải thiết lập một hệ thống các cơ sở dịch vụ để chăm sóc quan tâm hơn tới sức khỏe tâm thần.

Mọi người cần nhận thức rằng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là rất quan trọng như là các nhu cầu khác của cuộc sống. 

 

Khoảng trống tư vấn tâm lý học đường

Tâm lý học đường đang còn một khoảng trống mênh mông, đây là một thực trạng mà ngành tâm lý đã báo động từ rất lâu. Có rất nhiều những vấn đề bây giờ chúng ta đang gặp như học sinh tự tử. Nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều vấn đề khác như bạo lực học đường hay những khó khăn tâm lý khác…

“Giới tâm lý học cũng đã khuyến nghị rằng là mỗi một trường học cần phải có một phòng tâm lý chuyên trách. Tức là người làm công việc đó phải là được đào tạo tâm lý học và thậm chí là như chúng tôi thường khuyến nghị là phải có bằng thực hành về mặt tâm lý học”, TS. Nguyễn Thị Chính nêu quan điểm.

Hiện tại, hoạt động tư vấn tâm lý hầu hết các trường đều giao cho giáo viên kiêm nhiệm. Khó khăn rất lớn từ việc giáo viên họ còn có rất nhiều những nhiệm vụ khác, họ không thể tập trung vào nhiệm vụ tư vấn tâm lý. Thứ hai, họ không phải là người chuyên nghiệp và thứ ba là điều kiện về không gian về vật chất nữa.

“Tôi cũng đã từng đến một số phòng tâm lý học đường. Một số trường học phòng tâm lý được lồng ghép vào những hoạt động khác như đoàn đội, chưa tạo ra không gian đủ an toàn và thân thiện đối với học sinh. 

Việc hỗ trợ tâm lý cho các em là một quá trình, nó không thể diễn ra trong một vài phút hoặc là một hai, buổi, thậm chí có những học sinh chúng tôi phải theo vài tháng cho đến cả năm trời, đồng hành  trong quá trình các bạn ấy cải thiện những vấn đề của mình. Chúng tôi không chỉ gặp bạn ấy mà còn phải gặp phụ huynh của bạn ấy nữa rồi thì tác động đến cả giáo viên trực tiếp dạy bạn ấy... Đấy là một quá trình rất lâu dài", TS. Nguyễn Thị Chính chia sẻ.

Vì vậy nếu không được quan tâm đầu tư thích đáng, khoảng trống tâm lý học đường không được lấp đầy, các em sẽ không được hỗ trợ kịp thời khi có những vấn đề về sức khỏe tâm thần, sẽ nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng.

 

Từ khóa: tâm lý học đường, học sinh trầm cảm, học sinh tự tử, VOV2, khoảng trống, hỗ trợ, sức khỏe tâm thần

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập