Máy bay nào sẽ mang siêu bom FAB-3000 của Nga?
Cập nhật: 25/03/2024
VOV.VN - Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt bom FAB-3000 nặng 3 tấn. Với uy lực sát thương khủng khiếp hơn nhiều so với FAB-1500, FAB-3000 có thể là vũ khí “thay đổi cuộc chơi” ở Ukraine. Hiện chưa rõ loại máy bay sẽ mang loại siêu bom này.
Bộ Quốc phòng Nga cho hay, từ tháng 2/2024, tổ hợp công nghiệp quốc phòng nước này đã bắt đầu sản xuất hàng loạt bom FAB-3000 nặng tới 3 tấn. Với uy lực sát thương khủng khiếp hơn nhiều so với FAB-1500, FAB-3000 có thể là vũ khí “thay đổi cuộc chơi” ở Ukraine, bởi không có gì có thể ngăn cản được loại vũ khí này.
FAB-3000 là bom có sức nổ mạnh, được Liên Xô phát triển vào nửa sau thế kỷ 20. Quả bom nặng 3.067 kg chứa 1.400 kg thuốc nổ này là vũ khí đa năng có thể được sử dụng để tấn công các cơ sở công nghiệp kiên cố, công trình ngầm hay các con đập. Được thả từ độ cao lên tới 16km, bom FAB-3000 có thể đạt tốc độ bay lên tới 1.200 km/h và tầm bắn ước tính 60-70km.
Siêu bom FAB-3000 được thiết kế để trang bị cho máy bay ném bom tấn công hàng hải và máy bay ném bom chiến lược siêu thanh Tupolev Tu-22M3.
“Đặc điểm của những quả bom này khá đơn giản và xuất phát từ tên gọi của chúng. Đây là những quả bom có sức nổ mạnh chứa khoảng 1,5 tấn thuốc nổ TNT. Những vũ khí này có sức công phá rất lớn. Chúng có thể tấn công vào các mục tiêu kiên cố, các sở chỉ huy được gia cố bằng bê tông dưới lòng đất. Chúng có thể xuyên thủng mục tiêu, phát nổ và phá hủy mọi thứ…”, sĩ quan quân đội kỳ cựu của Liên Xô và Nga, nhà báo Viktor Litovkin cho hay.
Mức độ tàn phá của FAB-3000 khiến nó ít khi được sử dụng. Liên Xô từng sử dụng loại bom này để chống lại các phiến quân được CIA hậu thuẫn ở Afghanistan những năm 1980.
Theo ông Litovkin, khi được trang bị UMPK, FAB-3000 sẽ trở thành vũ khí “thông minh” chết người với tầm bắn xa. Hệ thống dẫn đường có thể làm tăng độ chính xác, trong khi bộ cánh lướt sẽ giúp bom FAB-3000 bay được quãng đường 60-70 km tới mục tiêu.
“Điều đó có nghĩa là máy bay mang loại bom này có thể ở ngoài phạm vi bao quát của lực lượng phòng không đối phương, thả bom và để nó bay tới mục tiêu, gây sát thương, hoàn thành nhiệm vụ. Sức mạnh và độ chính xác là ưu điểm của nó”, ông Litvokin nói.
Việc sử dụng FAB-3000 ở Ukraine được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 9/2022, mặc dù đây có khả năng là những quả còn sót lại từ kho vũ khí của Liên Xô và không có mô đun dẫn đường và cánh nâng hợp nhất (UMPK), bởi bộ kit này bắt đầu được nói đến vào cuối năm 2023.
Mô-đun UMPK bao gồm một bộ cánh, hệ thống điều khiển và bộ thu GPS. Sự kết hợp này đang cách mạng hóa việc sử dụng bom truyền thống. Một lợi thế đáng kể mà bộ cánh mang lại là khoảng cách lướt được mở rộng, đảm bảo an toàn cho máy bay và phi hành đoàn.
UMPK có hệ thống hướng dẫn được kết nối với bộ thu GPS để đảm bảo độ chính xác trong các cuộc tấn công. Hệ thống quản lý thông tin theo dõi thời gian thực từ GPS để thực hiện bất kỳ thay đổi cần thiết nào đối với đường đi của bom.
Trên chiến trường ngày nay, độ chính xác giữ vai trò tối quan trọng. Việc gắn mô-đun UMPK vào bom thông thường sẽ biến nó thành “bom thông minh”. Với UMPK, quả bom không rơi tự do mà sẽ lướt tới mục tiêu, điều chỉnh theo các yếu tố như gió và mục tiêu đang chuyển động. Điều này có nghĩa là chúng hiệu quả và chính xác hơn, đồng thời chúng cũng làm giảm khả năng vô tình bắn nhầm mục tiêu.
Chuyên gia quân sự, Đại tá hải quân đã nghỉ hưu của Nga Vasily Dandykin cho hay, bom lượn hiện đang được sử dụng rất hiệu quả và giúp hạn chế thiệt hại cho máy bay và phi công. Loại vũ khí này được cho là đã góp phần giúp Nga chặn cuộc phản công của Ukraine hồi mùa hè 2023. Phương Tây cho rằng, Ukraine không được chuẩn bị và không có đủ vũ khí đánh chặn bom lượn của Nga.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Anatoly Matviychuk đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của bom FAB-3000 và tác động của nó khi sử dụng trên chiến trường Ukraine. Theo ông, FAB-3000 có thể là “dấu chấm hết” cho bộ binh của Ukraine.
Người phát ngôn quân đội miền Đông Ukraine, Dmytro Likhovy, thừa nhận: “Sự tàn phá do những quả bom này gây ra là rất đáng lo ngại”.
Ông Likhovy nói thêm rằng, tác động của chúng trong việc phá hủy các công trình kiên cố khiến chúng phù hợp để công phá các công sự và phòng tuyến của Ukraine. Lực lượng Ukraine cũng có bom dẫn đường riêng, bao gồm cả JDAM do Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, mặc dù có độ chính xác vượt trội nhưng việc sử dụng chúng vẫn bị hạn chế vì số lượng ít.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, phương mang bom FAB-3000 là máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.
Theo ông Litovkin, ngoài Tu-22M3, bom FAB-3000 có thể được trang bị cho tiêm kích-ném bom Su-34, có thể cả cường kích Su-25 và máy bay ném bom chiến thuật Su-24.
Trong khi đó, trang Defense Express cho rằng, Nga sẽ gặp thách thức nhất định trong việc lựa chọn phương tiện mang siêu bom 3 tấn này.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 vẫn là máy bay tiêu chuẩn duy nhất có thể triển khai loại vũ khí có trọng lượng lớn như vậy. Trước đây, Nga sử dụng bom FAB-3000 trong chiến dịch ở Mariupol, nhưng khi đó máy bay mang chúng ít có nguy cơ bị tên lửa phòng không bắn trúng.
Tuy nhiên, Moscow có thể sẽ không mạo hiểm đưa những chiếc máy bay có giá trị như vậy vào vùng nguy hiểm, nhất là khi hiện nay Ukraine đã triển khai các hệ thống phòng không Patriot do phương Tây cung cấp. Hệ thống này được cho là chịu trách nhiệm bắn hạ máy bay Nga tìm cách phóng bom lượn gắn UMPK.
Nga có thể sử dụng máy bay tiêm kích ném bom Su-34 để mang FAB-3000, tương tự cách cách Moscow đã làm với bom FAB-1500 gắn UMPK.
Một số nguồn tin Nga cho rằng, giống như Su-34 có thể nâng PTB-3000 (một thùng chứa nhiên liệu bổ sung), nó cũng có thể mang được bom FAB-3000.
Dù vậy, PTB-3000 nặng chưa đến 3 tấn trong khi bản thân FAB-3000 đã nặng 3 tấn, chưa kể bộ kít UMPK. Hiện chưa có dữ liệu chính xác về trọng lượng của bộ kít này, nhưng nó được cho là không hề nhẹ.
Ngoài trọng lượng, điều không kém phần quan trọng là kích thước của bom FAB-3000 gắn UMPK. Bản thân quả bom có bộ ổn định có đường kính 1.002 mm nhưng kích thước sẽ tăng lên khi lắp UMPK. Đáng chú ý, bộ kit này cũng có bộ ổn định riêng.
FAB- 3000 có thể lắp vừa trên Su-34 hay không phụ thuộc vào khoảng sáng gầm máy bay (khoảng cách từ mặt đất đến thân máy bay). Một vấn đề khác cần được giải quyết là giá đỡ bom, tức là hệ thống treo, phải có khả năng chịu được tải trọng lớn như vậy.
Từ khóa: bom FAB-3000, máy bay mang bom FAB-3000, UMPK, bom lượn, bom thông minh, vũ khí Nga, Su-34, Tu-22M3
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN