Máy bay bị rơi 2 bánh trước khi hạ cánh, chuyên gia nói gì?
Cập nhật: 25/09/2019
Phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng ở Đắk Lắk (25/11/2024)
Luật Nhà giáo khắc phục các bất cập trong ngành giáo dục hiện nay (22/11/2024)
VOV.VN -Các chuyên gia hàng không nhận định, việc rơi 2 bánh trước trong quá trình hạ cánh máy bay xảy ra tại hãng hàng không Vietjet là rất hy hữu.
Liên quan đến vụ máy bay Vietjet gặp sự cố khi tiếp đất, hàng trăm hành khách bỏ hành lý, nhảy cửa thoát hiểm tại sân bay Buôn Mê Thuột, trả lời PV VTC News, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên cơ trưởng Boeing 777, nguyên phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, việc rớt hai bánh trước của tàu bay phải có cái gì đó tác động, chứ không thể tự nhiên 2 bánh lại rơi ra được.
Ông Trung thông tin, trên thế giới cũng đã xảy ra những trường hợp tương tự như vậy và gây nguy hiểm đến tính mạng con người.
Máy bay Vietjet rơi 2 bánh trước. (Ảnh: TTO) |
"Cũng có trường hợp người ta hạ 2 bánh sau, 2 bánh trước không hạ được. Có trường hợp hạ ba bánh. Nhưng rõ ràng bánh trước phải chịu tác động lớn lắm mới bị gãy ra, rơi ra được", ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, trước khi máy bay cất cánh, bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra theo đúng quy trình. Sau khi kỹ thuật ký vào hồ sơ công nhận máy bay đủ tiêu chuẩn thì mới được cất cánh và đi làm nhiệm vụ.
Khi phi công tiếp nhận máy bay cũng phải có chữ ký của kỹ sư, kỹ thuật thì mới được bay.
Một chuyên gia hàng không khác chia sẻ, việc rơi hai bánh trước của máy bay là quá hy hữu, khó xảy ra được.
"Bất cứ bộ phận nào của tàu bay gặp sự cố đều không an toàn cho chuyến bay. Rất may sự cố rơi 2 lốp trước của máy bay Vietjet Air tối 29/11 chưa xảy ra thiệt hại về người. Nhưng đây là sự cố rất nghiêm trọng", vị chuyên gia này nói.
Lý giải việc rơi 2 bánh trước khi hạ cánh, vị chuyên gia này cho rằng, khi hạ cánh, thông thường phải hạ 2 bánh sau trước vì tải trọng dồn ở 2 bánh chính phía sau.
“Cũng có trường hợp người ta hạ 2 bánh sau, 2 bánh trước không hạ được. Có trường hợp hạ ba bánh. Nhưng rõ ràng bánh trước phải chịu tác động lớn lắm mới bị gãy ra, rơi ra được”
Phi công kỳ cựu Nguyễn Thành Trung
Vị chuyên gia hàng không phân tích thêm, có thể do phi công khi tiếp đất hạ 2 bánh trước trước, dẫn đến tải trọng lớn quá, trong khi hai bánh trước tàu bay có chức năng lái hướng khi tàu bay di chuyển trên mặt đất. Hai lốp tàu bay này có khối lượng nhỏ, chỉ khoảng 15 kg/chiếc so với tổng trọng lượng của tàu bay lên tới 21 tấn. Do chịu tải trọng quá lớn nên hai lốp này đã rơi ra.
"Hiện Cục hàng không đang điều tra nguyên nhân. Tôi cho rằng, khi nào có nguyên nhân chính thức, chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác nhất. Còn việc vì sao rơi 2 bánh trước này, hiện vẫn chỉ là phỏng đoán", vị chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, nguyên nhân của sự cố nghiêm trọng này có thể do lỗi kỹ thuật nhiều hơn là do phi công.
Theo ông Tống, thông thường khi hạ cánh, máy bay sẽ có tư thế tương tự như lúc cất cánh là ngóc đầu lên và đáp 2 càng sau xuống trước.
"Sau khi đáp xuống bằng càng sau, máy bay mới từ từ hạ càng trước xuống dưới đường băng. Cho nên tác động của càng trước xuống đường băng tương đối nhẹ, nó khác với tác động của toàn bộ máy bay khi hạ xuống đường băng.
Chỉ có phi công tệ lắm mới đáp càng trước xuống rồi mới đến càng sau, hoặc hạ cùng lúc 3 càng 1 lượt, mà không thể đáp kiểu đó được.
Vì lực mạnh quá sẽ làm sụp cái đầu máy bay xuống, lúc này đầu máy bay đụng đường băng mà trượt tới. Còn đây thì không, rõ ràng nhìn máy bay đáp xuống lực không nhiều lắm khi càng đáp vẫn ổn định và có 1 đoạn trượt trên đường băng. Bản thân tôi cho rằng phi công quá giỏi khi giữ được càng đáp ổn định như thế", ông Tống nhận định.
Bộ phận bánh trước của tàu bay gặp sự cố khi hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột. |
Ngoài ra, về việc một số hành khách bị thương, ông Tống cho rằng do tâm lý của hành khách. Khi xảy ra sự cố, vì quá sợ hãi, họ chạy nhanh để thoát ra ngoài dẫn đến việc có thể va chạm vào ghế hoặc cửa máy bay chứ không phải do sự cố của máy bay khi hạ cánh.
Theo ông Tống, trục trặc kỹ thuật khiến sự cố diễn ra nhiều khả năng do trong quá trình lắp ráp bánh máy bay đã xảy ra lỗi. Cụ thể, trong quá trình đáp xuống, độ rung lắc mạnh khiến ốc vặn ở bánh máy bay bị sút ra, không giữ được bánh ở trong càng.
"Câu hỏi tại sao bánh máy bay lại nằm cách xa đường băng, vì khi đáp xuống bánh nó lăn và sút ra khỏi máy bay, ra khỏi càng đáp. Nó lăn nghiêng trên đường băng và với tốc độ lăn thì sẽ lăn ra ngoài cách xa máy bay như vậy.
Việc bánh máy bay sút ra tôi nghi ngờ nhất là do ốc để giữ bánh trong càng đáp nó bị sút ra. Khi người ta lắp bánh vào càng thường sẽ có 1 cái chốt để khóa ốc lại, không cho sút ra.
Việc bánh bị rơi ra như vậy là do ốc nó bị sút ra, còn việc ốc rơi ra là do chốt của nó không có. Tôi nghi vấn do lúc ráp bánh vào, người ta quên ráp thêm chốt để khóa con ốc đó lại. Vì vậy nó xảy ra tình trạng 2 bánh ra ngoài", ông Tống chia sẻ.
Nhìn nhận về trách nhiệm của sự cố, ông Tống cho rằng máy bay còn rất mới (mới đưa vào sử dụng thương mại được 2 tuần - PV) nên không có lý do gì để hãng Vietjet phải bảo trì, bảo dưỡng liên quan đến bánh.
"Chỉ có máy bay cũ thì bên bảo trì mới cần tháo bánh ra mà bảo trì càng đáp, thay bánh nếu bị mòn, còn máy mới thì không có lý do gì để làm chuyện đó. Tôi nghĩ Vietjet họ chưa đụng vào máy bay này đâu, khả năng cao là lỗi lắp ráp ở bên cung cấp máy bay. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn cứ để cơ quan chức năng điều tra làm rõ", ông Tống cho biết.
Trước đó, trả lời phóng viên, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân sự cố máy bay Vietjet Air do đang trong quá trình điều tra song nhận định ban đầu đây là sự cố nghiêm trọng, hy hữu.
“Để tránh sự cố tương tự có nhiều biện pháp, trong đó bắt buộc phải đảm bảo kỹ thuật trước khi vận hành. Ngoài ra, để biết chính xác thì phải tìm ra nguyên nhân xảy ra sự cố. Nguyên nhân thì có nhiều, có thể do thiết kế, do chế tạo, do khai thác, vận hành…”, Cục trưởng Hàng không thông tin.
Cùng ngày, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã thành lập tổ điều tra để thực hiện công tác điều tra an toàn đối với sự cố khi tiếp đất của máy bay hãng Vietjet./.
Theo Cục Hàng không, lúc 23h03 đêm 29/11, chuyến bay VJ356 của Hãng hàng không Vietjet bay từ TP.HCM đi Buôn Ma Thuột gặp sự cố nghiêm trọng trong quá trình hạ cánh.
Cụ thể, 2 bánh trước của máy bay đã bị mất trong quá trình hạ cánh, máy bay đã dừng lại an toàn tại sân bay Buôn Ma Thuột.
Tổ bay đã triển khai quy trình khẩn nguy và thoát hiểm hành khách theo quy trình khai thác, toàn bộ 207 hành khách đã thoát hiểm an toàn.
Trong số nay, 6 hành khách bị chấn thương đã được kịp thời đưa vào Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh để kiểm tra sức khỏe, bốn người xuất viện sáng sớm nay với tình trạng sức khỏe bình thường.
Được biết, chuyến bay được khai thác bằng tàu bay VN-A653 của hãng Airbus mới tiếp nhận 2 tuần trước.
Từ khóa: máy bay Vietjet gặp sự cố, Vietjet, máy bay Vietjet, máy bay kẹt bánh, tiếp đất bằng cánh,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVGTHN