Mâu thuẫn gia đình đừng lấy con cái ra “để trả thù”

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Theo PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, nhiều cặp vợ chồng trẻ khi xảy ra xung đột thường lấy chính con cái ra để “giải tỏa”, để “trả thù”, đe dọa vợ hoặc chồng.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án mà nạn nhân là trẻ em, nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Trong đó, nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận xã hội khi hành vi phạm tội rất dã man, manh động, tàn nhẫn và những đứa trẻ bị sát hại khi còn rất nhỏ. Điển hình như vụ sát hại con ruột mới 7 ngày tuổi ở Nghệ An.

mau thuan gia dinh dung lay con cai ra "de tra thu" hinh 1
Căn nhà của vợ chồng Đạt. (Ảnh: Zing.vn)

Liên quan vụ này, cơ quan công an tỉnh Nghệ An vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Trương Văn Đạt (SN 1997), trú xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp về tội Giết người. Trước đó, ngày 22/3, trong bữa cơm, hai vợ chồng Đạt xảy ra mâu thuẫn, cãi vã về tiền bạc. Nguyên nhân do Đạt bị mất 500.000 đồng lúc đang ở bệnh viện, Đạt nghi vợ lấy mà không nói. Quá tức giận, Đạt vào buồng bế con trai 1 tuần tuổi đi vòng ra sau nhà, ném xuống giếng. Sự việc xảy ra quá nhanh, mọi người không thể cứu được cháu bé.

Ngày 1/2 nghi án cha ruột giết và phi tang xác con gái xuống sông Hàn gây rúng động dư luận thành phố Đà Nẵng nhiều ngày. Nguyên nhân ban đầu được xác định do Bùi Văn Hời (1985, trú H. Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) bực tức vì chuyện con khóc quấy, uống sữa vung vãi trên giường ngủ nên bóp cổ con gái ruột 8 tuổi đến chết rồi mang xác cháu ra sông Hàn phi tang. Trước đó, trong thời gian xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Hời nảy sinh tình cảm với một cô gái người bản xứ. Sau khi về nước, vợ chồng Hời ly hôn (tháng 3/2018) và Hời đưa cháu Nhi vào Đà Nẵng sinh sống cùng người yêu là L.C.W (1979) từ Hàn Quốc qua. Do vợ cũ thường xuyên điện thoại ghen tuông và mâu thuẫn sinh hoạt thường ngày giữa Hời và con gái khiến L.C.W bỏ về Hàn Quốc.

Phân tích nguyên nhân để xảy ra những vụ án thương tâm trên, theo PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn, chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an, do phần lớn những người cha, người mẹ này được sinh ra, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình thường xuyên có bạo lực, xung đột nên đã dần hình thành trong họ một tính cách, thói quên hành xử, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng, theo PGS-TS Đỗ Cảnh Thìn là nền tảng tri thức, nhận thức xã hội và pháp luật của họ rất hạn chế, trong đó, nhiều người không được học hành tử tế hoặc ở những vùng điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, tồn tại những lối sống và những hủ tục lạc hậu. Điều này cũng chi phối không nhỏ đến việc hành xử của họ.

“Một số người có hoàn cảnh sống không thuận lợi, khó khăn như không có việc làm, việc làm không ổn định, thu nhập thấp, bệnh tật, thậm chí có người sa vào tệ nạn như nghiện rượu, ham cờ bạc, hay nghiện ma túy… luôn có những bức xúc, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, trong những hoàn cảnh bất lợi họ đã để cho những cảm xúc, những hành động bản năng lấn át lý trí dẫn đến những hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”- PGS, TS Đỗ Cảnh Thìn nói.

mau thuan gia dinh dung lay con cai ra "de tra thu" hinh 2
PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn.

Cùng với đó, nhiều cặp vợ chồng chưa có trải nghiệm trong cuộc sống gia đình, nhất là những cặp vợ chống kết hôn sớm. Tính ích kỷ, “cái tôi” nhiều khi làm cho họ thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng hành xử đúng mực. Vì vậy, khi những mâu thuẫn nhỏ không được hóa giải mà tích tụ, dồn nén và tăng thêm mâu thuẫn như sự thách thức, nghi kị, thù oán và luôn nghĩ tiêu cực về nhau.

PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn lo lắng, một trong những đặc điểm tâm lý của nhiều cặp vợ chồng trẻ khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn thường lấy chính con cái của mình ra như là một cách để “giải tỏa”, để “trả thù”, đe dọa vợ hoặc chồng nên họ dễ ra tay sát hại, hành hạ, chửi mắng, thậm chí bắt cóc.

“Không ít trường hợp cha mẹ có suy nghĩ, hành động tiêu cực đã sát hại chính những đưa con của mình với những suy nghĩ rất thiển cận và sai trái là “để cho chồng/vợ ân hận suốt đời” hoặc “để những đứa con đỡ khổ vì không ai chăm sóc”…. Đó là những suy nghĩ, hành vi sai trái, tiêu cực, vô cùng nguy hiểm cần phải ngăn chặn”- PGS- TS Đỗ Cảnh Thìn chia sẻ thêm.

Từ vụ việc người cha ném con 7 ngày tuổi xuống giếng, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, người đàn ông này sẽ bị xử lý về tội Giết người với mức án thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất có thể là hình phạt tử hình, theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Theo luật sư Cường, có thể những người đàn ông này có cơ hội trở về, còn cơ hội làm lại cuộc đời nhưng mức hình phạt mà người này phải gánh chịu không hề nhẹ. Ngoài hình phạt tù, họ còn phải chịu một bản án lương tâm, sự rằn mặt đeo đẳng đến hết cuộc đời.

mau thuan gia dinh dung lay con cai ra "de tra thu" hinh 3
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp

Trước những khó khăn, bế tắc trong cuộc sống, luật sư Cường nhận định người đàn ông phải là trụ cột gia đình, phải bình tĩnh để tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, một số người lại tìm đến cái chết hoặc sát hại người khác, thậm chí là chính những đứa con của mình để giải tỏa cơn bực bội. Có thể đó là sự phát triển nhân cách khiếm khuyết, một quá trình giáo dục không đầy đủ, thiếu hiểu biết và nhận thức đầy đủ về pháp luật, xã hội, cộng sự tác động của ngoại cảnh khiến bản thân họ có những hành động dại dột, gây hại cho người khác và gây hoang mang cho xã hội.

Để giảm thiểu những vụ án thương tâm trên, luật sư Cường cho rằng, người thân, bạn bè, tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật cần quan tâm đến những người có biểu hiện bệnh lý về tâm thần, tính cách nóng nảy. Cùng đó, thường xuyên tuyên truyền kiến thức pháp luật hôn nhân, gia đình./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN

Từ khóa: mâu thuẫn gia đình, sát hại con gái, cha sát hại con,

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập