“Mặt trận trên không” và những kỷ lục chỉ có ở Việt Nam
Cập nhật: 19/04/2020
Ca sĩ Lê Vĩnh Toàn tri ân quê hương Nghệ An qua phim ca nhạc "Miền nhớ"
Hương Ly, Lydie Vũ thăng hạng nhan sắc qua bàn tay "phù thủy trang điểm" Mi Nguyễn
VOV.VN - Tập hồi ức “65 năm Không quân nhân dân Việt Nam” là món quà quý để hiểu thêm về một chặng đường lịch sử vẻ vang của binh chủng Không quân.
Với nhãn quan chiến lược xuất chúng, đầu năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp còn quyết liệt, Bác Hồ đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thành lập đơn vị Không quân đầu tiên, tên gọi: “Ban nghiên cứu không quân” với lực lượng là hai chiếc máy bay cánh quạt hạng nhẹ. Trong ba năm hoạt động, Ban nghiên cứu không quân đã đào tạo được 2 khoá. Trong đó có 68 phi công, 38 nhân viên kỹ thuật. Khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, một số đã được điều về công tác tại các đơn vị Không quân và Hàng không dân dụng Việt Nam.
Tập hồi ức “65 năm Không quân nhân dân Việt Nam” là món quà quý để hiểu thêm về một chặng đường lịch sử vẻ vang của binh chủng Không quân. |
Ngày 22/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Quân chủng Phòng không – Không quân. Người luôn dành cho cán bộ chiến sĩ Không quân sự quan tâm sâu sắc và những chỉ đạo mang tầm chiến lược. Người căn dặn: Không quân Việt Nam phải vận dụng “nghệ thuật đánh giặc độc đáo” của cha ông, đồng thời phải nêu cao ý chí quyết tâm “không ngại không quân địch hiện đại”; phải “nắm thắt lưng địch mà đánh”.
Trong các hồi ức của mình, các phi công thuộc lớp đầu tiên “đánh thắng trận đầu” đã ôn lại những lời dạy của Bác và kể lại rằng: Trước khi không quân ta xuất kích “mở mặt trận trên không”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tận sân bay Đa Phúc giao nhiệm vụ. Bác căn dặn: “Tổ tiên ta ngày xưa đã có những chiến công oanh liệt trên sông, trên biển như Bạch Đằng, Hàm Tử; trên bộ như Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa. Ngày nay chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi”.
Trong hồi ức có nhan đề “Chuyện kể dưới gốc ngọc lan”, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Phạm Ngọc Lan nêu một chi tiết thú vị: Cả bốn phi công đánh trận đầu 3/4/1965 cùng sinh năm Giáp Tuất: Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Văn Phương. Cả 4 đều trung thành, mắt tinh, tai thính. Và điều ông nhớ nhất, sau mấy chục năm, là khi chuẩn bị công kích, nghe giọng của phi công Hồ Văn Quỳ (số 2) ấm áp ở bên: “Tôi đang ở sau anh”. Ngay từ trận đầu, truyền thống “ Trung thành vô hạn, tấn công kiên quyết, đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” đã được thể hiện.
Trận ấy, máy bay Phạm Ngọc Lan bị hết dầu. Không nỡ bỏ máy bay (một tài sản lớn mà Đảng và nhân dân giao cho) để nhảy dù, anh đã hạ cánh máy bay bằng bụng trên một bãi cát ven sông Đuống thuộc xã Phù Đổng (ngoại thành Hà Nội), lập nên một kỷ lục về việc máy bay phản lực hạ cánh ngoài đường băng.
Chủ tịch nước LêĐức Anh thăm trungđoàn máy bay Tiêm kích-bom SU 27đầu tiên của Không quân Việt Nam. Người mặc bộđồ bay là Trungđoàn trưởng Vũ Văn Tuấn (sau là Thượng tướng, Phó Tổng tham muutrưởng QĐND VN). Phi công Vũ Văn Tuấn vừa bay báo cáo Chủ tịch nước trên máy bay SU 27. |
Sau trận đánh của biên đội Phạm Ngọc Lan là trận đánh (ngày 4/4/1965) của biên đội Trần Hanh - Phạm Giấy - Lê Minh Huân - Trần Nguyên Năm do Đại đội trưởng Trần Hanh chỉ huy. Yếu tố bất ngờ không còn nhưng khí thế tiến công dũng mãnh của các anh đã tạo nên “một ngày đen tối nhất của không quân Mỹ”: hai chiếc F105 thuộc loại hiện đại nhất của không quân Mỹ bị bắn rơi.
Phi công Trần Hanh phải hạ cánh bắt buộc trong vùng núi ở bản Ké Tằm (xã Châu Phong huyện Quỳ Châu, phía Tây Nghệ An). Các phi công Giấy-Huân-Năm khi rút về đến vùng trời Bỉm Sơn đã kiên quyết quay lại đánh bọn máy bay Mỹ phản kích. Theo những báo cáo từ hiện trường thì máy bay của Lê Minh Huân khi chiến đấu, hết dầu, hạ cánh bắt buộc ở khu vực gần Sầm Sơn. Anh đã bị máy bay Mỹ ập tới, ném bom, bắn đạn và hy sinh. Máy bay của phi công Trần Nguyên Năm cũng có khả năng bị hết dầu và anh bị thương, nhảy dù ở gần Cầu Cừ (tây Đò Lèn) trên lưng chừng núi và hy sinh. Phi công Phạm Giấy hy sinh trên đồng nước phía Nam Phà Ghép.
Có lẽ đây là lần đầu tiên, sự hy sinh của 3 phi công Mig 17 trong trận đánh ngày 4/4/1965 được kể lại tường tận, tỉ mỉ qua hồi ức của Trung tướng Chu Duy Kính, Chính uỷ đầu tiên của trung đoàn máy bay tiêm kích đầu tiên của quân đội ta,trung đoàn 921 (đoàn Không quân Sao Đỏ).
Máy bay Su 22 (cánh cụp cánh xoè) tại Bảo tàng không quân HN. |
Trong hai đợt chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, lực lượng Không quân Việt Nam đã lập nhiều chiến công oai hùng. Những trận chiến trên không đã được báo chí trong nước và nước ngoài nói đến khá nhiều. Trong tập hồi ức “65 năm Không quân nhân dân Việt Nam” xuất bản lần này, từ hàng trăm tác phẩm hồi ức, Ban biên soạn tập sách đã chọn những trận đánh tiêu biểu của những phi công tiêu biểu, giới thiệu cùng bạn đọc.
Một trong những phần hấp dẫn của hồi ức “65 năm Không quân nhân dân Việt Nam” là những trang viết về lực lượng Không quân Việt Nam sử dụng những máy bay và khí tài quân sự của Mỹ mà ta thu được. Không ai có thể ngờ rằng kỹ sư-thợ máy Việt Nam đã nhanh chóng kiểm tra, sửa chữa những chiếc A37, F5 để phi công Việt Nam sử dụng. Và cũng không mấy ai nghĩ được rằng chỉ sau vài ngày và vài chuyến bay tập, “Phi đội Quyết Thắng” của Không quân Việt Nam đã dùng A37 ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đẩy nhanh quá trình suy sụp của lực lượng địch, cũng như hoạt động “di tản” người Mỹ của Không quân Mỹ.
“Mặt trận trên không” luôn là đề tài hấp dẫn của báo chí truyền thông và văn học nghệ thuật. Tập hồi ức “65 năm Không quân nhân dân Việt Nam” là một tập sách quý. Bạn đọc và những người yêu mến Không quân nhân dân Việt Nam mong muốn các cựu chiến binh lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam tiếp tục kể lại những hồi ức của mình. Để những dòng hồi ức đó trở thành những tư liệu lịch sử vô giá./.
Từ khóa: mặt trận trên không, 65 năm không quân nhân dân việt nam, sách lịch sử, hồi ức, không quân việt nam
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN