Mất nguồn tài trợ lớn, WHO bắt đầu “thắt lưng, buộc bụng”
Cập nhật: 1 ngày trước
Năm Tỵ kể chuyện rắn ở Nhật Bản
Tổng thống Ukraine nêu điều kiện chấm dứt xung đột dưới thời ông Trump
VOV.VN - Mỹ sẽ chính thức rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ ngày 22/1/2026. Thế giới đang kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình, do những vai trò đóng góp lớn của cường quốc số 1 thế giới.
“Chúng ta đã trả 500 triệu USD cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tôi đã chấm dứt nó. Chúng ta có hơn 300 triệu người, Trung Quốc có 1,4 tỷ người nhưng họ chỉ trả 39 triệu USD. Còn chúng ta là 500 triệu USD. Đối với tôi, điều đó có vẻ hơi bất công.”
Đó là một phần lý do Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới trong ngày nhậm chức, cùng những cáo buộc WHO đã xử lý không tốt các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và đại dịch Covid-19, cũng như bị tác động bởi sức ảnh hưởng chính trị “không thích đáng” từ các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội Mỹ có từ năm 1948, Mỹ cần 1 năm nữa mới chính thức rút khỏi tổ chức này, sau khi WHO nhận được thông báo ngày 22/1 vừa qua.
Mất quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất, chiếm 18% tổng ngân sách, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua thừa nhận, tình hình tài chính của cơ quan này sẽ là một vấn đề nghiệm trọng. Theo đó, WHO phải ngay lập tức có các bước đi ứng phó, tái cấu trúc đáng kể các hoạt động.
Trước tiên, người phát ngôn WHO Tarik Jasarevic kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định và tham gia vào một quá trình đối thoại: “Tổ chức Y tế Thế giới lấy làm tiếc về thông báo rằng Mỹ có ý định rút khỏi tổ chức này. WHO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân thế giới, bao gồm cả người Mỹ. Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ xem xét lại và mong muốn tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng để duy trì quan hệ đối tác giữa Mỹ và WHO, vì lợi ích sức khỏe và phúc lợi của hàng tỷ người trên thế giới".
Ngoài ra, theo một biên bản ghi nhớ ngày 23/1, WHO có kế hoạch ngay lập tức cắt giảm đáng kể các chi phí đi lại của nhân viên, chuyển các cuộc họp sang hình thức trực tuyến; ngừng cải tạo văn phòng hoặc cắt giảm các chi phí cải tạo đã được phê duyệt. WHO cũng sẽ phải hạn chế việc thay thế thiết bị công nghệ thông tin, đàm phán lại hợp đồng lớn và ngừng tuyển dụng nhân viên, ngoại trừ các khu vực quan trọng, như một phần của các biện pháp tiết kiệm.
WHO cũng kêu gọi các nước thành viên khác lấp đầy khoảng trống tài chính do Mỹ để lại.
Đáp lại, giới chức y tế Canada kêu gọi chính phủ nước này tăng các khoản đóng góp cho WHO trong thời gian tới, để dẫn dắt vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ nên được tăng cường chứ không thể giảm đi; khẳng định sẽ hỗ trợ WHO hoàn thành sứ mệnh của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Gia Khôn cho biết: “Là một tổ chức quốc tế có thẩm quyền và chuyên nghiệp trong lĩnh vực y tế công cộng toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới đóng vai trò trung tâm và điều phối trong quản trị y tế toàn cầu. Vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới chỉ nên được tăng cường chứ không phải làm suy yếu. Trung Quốc sẽ, như thường lệ, hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, làm sâu sắc thêm hợp tác y tế quốc tế, tăng cường quản trị y tế toàn cầu và thúc đẩy xây dựng cộng đồng sức khỏe con người".
Từ khóa: WHO, tài trợ, trump, USD
Thể loại: Thế giới
Tác giả: đình nam/vov1 (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN