Mất mạng vì “văn hóa nhanh chân” khi băng qua đường sắt
Cập nhật: 25/09/2019
Sớm có quy định cụ thể chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông
Các lỗi về đi bộ lâu nay nhiều người không chú ý sẽ bị phạt tiền từ 1/1/2025
VOV.VN - Hàng nghìn lối đi tự mở qua đường sắt trở thành lối đi “tử thần” với bất cứ ai nếu không có ý thức bảo vệ mạng sống của mình khi băng qua đường ngang.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, TNGT sáu tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15/12/2018 đến 14/6/2019), đường sắt xảy ra 75 vụ, làm chết 53 người, bị thương 30 người. Tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2018.
Công an huyện Tuyên Hóa đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ TNGT nghiêm trọng xảy khi 1 người phụ nữ đi xe máy cố tình băng qua đường sắt, bị tàu hỏa tông tử vong tại chỗ. |
Đặc biệt, trong tháng 7/2019, tình hình TNGT đường sắt diễn biến phức tạp, tăng về số vụ, tăng cao về số người chết so với tháng 7/2018 và tháng 6/2019. Trong tháng 7, TNGT đường sắt làm 20 người chết, so với tháng 7/2018 tăng 9 người, so với tháng 6/2019 tăng 11 người chết.
Đáng chú ý, ngày 31/7, đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng giữa tàu SE27 và ôtô khách tại đường ngang biển báo Km1465+810, khu gian Sông Lòng Sông-Sông Mao, thuộc địa phận xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, làm 3 người chết và 1 người bị thương.
Trước đó, vào lúc 11h38 ngày 30/7, tàu hàng 2710 đến km 117+600, khu gian Vũ Ẻn - Chí Chủ, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai (thuộc xã Vũ Yển, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) xảy ra vụ tai nạn lao động, làm 1 lái tàu bị chết do bị rơi khỏi đầu máy.
Hiện trường vụ xe ô tô chở khách băng qua đường sắt vừa lúc tàu lửa SE27 chạy tới tông thẳng vào làm 3 người chết tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ngày 31/7 |
Mới nhất, khoảng 11 giờ 30 trưa 31/7, một người phụ nữ chạy xe máy cố băng qua đường sắt, mặc dù đã có gác chắn ở Km 437 + 760, đoạn qua Tiểu khu Tân Lập, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) khi tàu đang lao tới khiến người này bị tàu đâm tử vong tại chỗ.
Đây chỉ là 3 trong số nhiều vụ TNGT liên quan đến tuyến đường sắt Bắc - Nam mỗi ngày. Nguyên nhân của các vụ sự cố, tai nạn nói trên đang được các cơ quan chức năng điều tra để làm rõ.
Điều đáng nói, TNGT đường sắt tiếp tục là vấn đề nan giải trong thời gian dài vừa qua khi còn tồn tại hàng nghìn lối đi tự mở, địa phương chưa vào cuộc quyết liệt và việc giảm tai nạn vẫn phụ thuộc nhiều vào ý thức chấp hành Luật của người dân cũng như hệ thống tín hiệu hay chiếc hàng rào thủ công của ngành đường sắt.
Hơn 4.000 lối mở “thần chết”...rình rập
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó có 1.519 đường ngang hợp pháp, còn lại là 4.058 lối đi tự mở, trái phép. Số này chiếm hơn 70% tổng số điểm giao cắt đồng mức đường bộ, đường sắt. Ngoài ra, còn có khoảng 14.000 vị trí vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Hiện trường vụ tàu lửa SE27 chạy tuyến Đà Nẵng – Sài Gòn vừa ra khỏi ga Sông Lòng Sông đâm vào xe 16 chỗ tại Bình Thuận khiến 3 người chết. |
“70% số vụ tai nạn giao thông là lối đi tự mở và đường ngang dân sinh. Đây là vấn đề cốt lõi và cực kỳ nan giải trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt”, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên ĐSVN khẳng định.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN thừa nhận, vì thiếu nguồn kinh phí nên cũng rất khó khăn trong công tác lập lại trật tự an toàn giao thông đường sắt.
“Sau nhiều TNGT liên quan đến đường ngang dân sinh, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cam kết bố trí 26.358 tỷ đồng để cải tạo đường sắt và đóng các đường ngang dân sinh nhưng sau 5 năm, “vốn rót” mới đạt khoảng 200 tỷ đồng. Do đó, ngành đường sắt chủ động xác định tâm thế chỉ xin những hạng mục cần thiết với số vốn ngân sách có thể đáp ứng nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu”, ông Minh cho hay.
Theo ông Minh, giai đoạn 2017-2020, ngành đường sắt cần đến 1.700 tỷ đồng để có thể thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các đường ngang; xây dựng hàng rào cách ly, đường gom để đóng 2.000 lối đi dân sinh và nâng cấp cải tạo 452 đường ngang biển báo thành đường ngang lắp cần chắn tự động.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, công tác triển khai xóa bỏ các đường gom, đường ngang dân sinh trái phép, bảo đảm hành lang an toàn giao thông gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Hùng, hiện chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đường ngang dân sinh qua đường sắt, thiếu cương quyết trong xử lý những hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Theo Tổng công ty ĐSVN, hiện trên mạng lưới đường sắt Việt Nam có 5.719 giao cắt đồng mức, trong đó có 1.519 đường ngang hợp pháp, còn lại là 4.058 lối đi tự mở, trái phép. |
“Nếu không làm xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì sẽ vẫn còn tai nạn. Ủy ban ATGT Quốc gia chưa nhận thấy xử lý đối với hộ dân, cá nhân tổ chức, Chủ tịch UBND cấp xã, huyện theo quy định pháp luật về vi phạm hành lang an toàn với đường sắt. Để xảy ra thì chỉ mới phê bình mà chưa có hình thức nào xử lý nặng hơn”, ông Hùng cho biết.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cần phải quy định rõ tránh nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng để người dân tự ý mở đường ngang trái phép tại địa phương.
“Chỉ khi ta gắn trách nhiệm cụ thể của ai vào việc gì, khi có tai nạn xảy ra cần truy rõ và xử lý trách nhiện cụ thể. Khi đó may ra TNGT đường sắt mới “hy vọng” giảm”, ông Hùng nói.
Đừng bao giờ thử “văn hóa nhanh” khi băng qua đường sắt
Hầu hết, các tai nạn xảy ra đều do khách quan với ngành đường sắt như người dân băng qua lối đi tự mở nhưng chủ quan là của xã hội bởi các địa phương không kiểm soát tốt để mở quá nhiều lối đi tự mở, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Đừng bao giờ có khái niệm và thử “văn hóa nhanh” khi băng qua đường sắt. |
Còn nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn được Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đưa ra là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông, thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt.
“Bên cạnh đó, những vụ tai nạn nêu trên cũng có nguyên nhân từ việc người dân đã vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận.
Nhấn mạnh giải pháp đầu tiên quan trọng nhất vẫn là ý thức người dân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN khuyến cáo, mỗi người chỉ cần 30 giây nhìn khi băng ngang qua đường giao cắt với đường sắt thì sẽ không bao giờ xảy ra tai nạn.
“Chỉ 30 giây nhưng đổi cả cuộc đời, liệu có xứng đáng không? Có nhiều gác chắn nhân viên đường sắt đã kéo rồi nhưng ô tô vẫn cố vượt qua. Cần chắn tự động không phải bức tường nên nhiều chủ xe thản nhiên nâng lên phi qua. Thậm chí, có Đại biểu Quốc hội đã nói “vẫn còn một bộ phận người dân khi băng qua đường sắt còn tồn tại…văn hóa nhanh chân’,” ông Minh chia sẻ./.
Từ khóa: tai nạn giao thông đường sắt ở Bình Thuận, đường ngang dân sinh, lối đi tự mở, tai nạn giao thông, Đường Sắt,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN