Mất mạng vì làm đẹp, liệu có đáng?

Cập nhật: 23/10/2019

VOV.VN -Người dân nên đến những cơ sở uy tín, có bác sĩ chuyên khoa để thực hiện làm đẹp, tránh xảy ra những tai biến, sự cố đáng tiếc.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai biến sau khi làm đẹp (như hút mỡ, căng da mặt, nâng ngực, nâng mũi) tại các cơ sở thẩm mỹ ở Hà Nội và TP HCM, thậm chí đã có nạn nhân thiệt mạng hoặc “tiền mất tật mang”.

Ước tính, hiện cả nước có đến hàng chục nghìn spa và hàng nghìn thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, ở những cơ sở làm đẹp đơn thuần không đảm bảo đủ các tiêu chuẩn: trình độ chuyên môn, diện tích, ánh sáng, điều kiện vô khuẩn … nên dễ gây biến chứng.

mat mang vi lam dep, lieu co dang? hinh 1
Bé gái (13 tuổi, ở Yên Bái) bị mù mắt phải vì tiêm filler nâng mũi.

TS.BS Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, bất cứ kỹ thuật làm đẹp nào cũng có những rủi ro nhất định, nhất là với những người có tiền sử dị ứng, các bệnh mạn tính. Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đó là sốc phản vệ, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo TS.BS Vũ Thái Hà, cần phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng, tuy nhiên cũng chỉ có thể biết được cá nhân người đó dị ứng với những thành phần đã từng đưa vào cơ thể còn những chất mới, chất lạ thì vẫn có nguy cơ dị ứng. Kể cả khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên rồi vẫn có nguy cơ bị dị ứng với chính kháng nguyên đó nếu tăng liều lượng. Vì vậy, có thể bác sĩ, nhân viên y tế, kỹ thuật viên làm đúng quy trình nhưng vẫn có tai biến vì phản ứng cơ thể con người không thể nào biết hết được.

“Một yếu tố quan trọng nữa là do người thực hiện các kỹ thuật làm đẹp không được đào tạo từ ngành y và chuyên ngành thẩm mỹ, thực hiện không đúng kỹ thuật và không biết "sợ" những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải. Trong khi những bác sĩ được đào tạo bài bản, họ lường trước các nguy cơ và tư vấn kỹ cho khách hàng khi muốn làm đẹp”- BS Vũ Thái Hà cho biết.

BS Vũ Thái Hà cũng cho rằng, hiện nay, vì lợi nhuận, tại một số cơ sở thẩm mỹ, người bệnh thường được sử dụng các sản phẩm không được đảm bảo để làm đẹp. "Khi người thực hiện không có kỹ thuật lại sử dụng sản phẩm giá rẻ để thu lợi nhuận cao, nguy cơ mà khách hàng gặp phải là tắc mạch, tiêm quá liều, tiêm sai lớp, sai vị trí gây biến dạng khuôn mặt, quy trình không đảm bảo gây nhiễm trùng, chỉ đi không đúng đường sẽ gây hiện tượng phản ứng ở mô trong cơ thể."- TS. Hà cho biết.

Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo người dân nên đến những cơ sở uy tín để thực hiện làm đẹp, cân nhắc chỉ đồng ý sử dụng những dịch vụ làm đẹp này khi có các bác sĩ chuyên khoa được đào tạo và được cấp phép thực hiện để hạn chế những tai biến có thể xảy ra.

Phát triển ồ ạt nhưng quản lý lỏng lẻo

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, chính sự phát triển ồ ạt của các cơ sở làm đẹp dẫn đến việc quản lý không theo kịp, thậm chí là lỏng lẻo. Vì vậy, những vi phạm trong hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ xảy ra rất nhiều trong thời gian qua. Theo Luật sư Cường, một số dịch vụ thẩm mỹ mà có kỹ thuật can thiệp, xâm lấn, có sử dụng những thuốc thì bắt buộc các cơ sở làm đẹp phải đăng ký và phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện.

mat mang vi lam dep, lieu co dang? hinh 2
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

“Hiện nay, nhiều đơn vị, cơ sở thường không có giấy phép, không có chuyên môn dẫn đến để xảy ra những biến chứng, sự cố đáng tiếc. Điều này một phần xuất phát từ nhu cầu của người dân, trong khi đó, ngành nghề này vẫn còn mới, các quy định pháp luật chưa đầy đủ, hoàn thiện. Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, chưa có sự đồng bộ, phối hợp với các cơ quan ban ngành, dẫn đến câu chuyện rất nhiều đơn vị, cơ sở hoạt động chui, hoạt động không có giấy phép”- Luật sư Cường cho biết.

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần có sự rà soát tất cả các đơn vị, cơ sở liên quan đến hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Những đơn vị nào không có giấy phép phải kiên quyết đóng cửa, đơn vị nào thực hiện hoạt động dịch vụ mà không có bác sĩ chuyên môn, chỉ ghi danh hình thức cũng sẽ phải xử lý.

Theo Luật sư Cường, việc sử dụng các thủ thuật như gây mê, gây tê, không chỉ các cơ sở nhỏ mà thậm chí ngay cả các bệnh viện lớn cũng có thể xảy ra các sự cố như biến chứng, sốc phản vệ. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan thanh tra về ngành y tế phải có sự phối hợp, giám sát chặt chẽ trên địa bàn quản lý trong việc thực hiện các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ.

Khi tham gia hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, người đứng đầu tổ chức, cơ sở đó phải tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến việc đăng ký kinh doanh cũng như điều kiện kinh doanh. Đối với những dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ mà có yếu tố, kỹ thuật xâm lấn cơ thể bắt buộc phải có giấy phép của sở y tế, có sự quản lý của ngành y tế và chỉ hoạt động khi có đủ điều kiện, đó là hoạt động khám chữa bệnh, kỹ thuật viên phải là bác sĩ, phải có chuyên môn phù hợp.

Luật sư Cường cũng nêu rõ, những sự cố khi phẫu thuật thẩm mỹ sẽ xét ở 2 khía cạnh là trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự.

Về trách nhiệm hình sự, phía cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm về công tác khám chữa bệnh thì có thể xử lý về mặt hình sự tuỳ mức độ của sự việc.

Về trách nhiệm dân sự, khi xảy ra những sự cố, phía gia đình bị hại có thể yêu cầu bồi thường về chi phí thuốc men, điều trị, hoặc là chi phí mai táng nếu xảy ra trường hợp tử vong sau phẫu thuật./.

Từ khóa: phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm filler, mất mạng vì làm đẹp, bệnh viện thẩm mỹ kangnam

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập