Mất bao lâu để tìm ra vaccine hiệu quả nhất chống Covid-19?
Cập nhật: 02/04/2020
Mỹ Linh nhào lộn, Minh Tuyết gây bất ngờ vì hát bolero khi đu thang dây
Người đẹp Bến Tre đăng quang Hoa hậu Đồng bằng sông Cửu Long 2024
VOV.VN - Nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải mất lâu hơn 18 tháng mới có thể tìm được vaccine chống Covid-19 hiệu quả.
18 tháng thoạt nghe có vẻ là quãng thời gian dài, nhưng đối với việc điều chế vaccine đó là 1 cái “chớp mắt”, bởi trên thực tế phải mất nhiều năm ròng mới tìm ra loại vaccine hiệu quả nhất. Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cảnh báo, nếu quãng thời gian này quá ngắn thì có thể phải trả giá bằng sự an toàn.
Ảnh minh họa: The Hill. |
Phát biểu trong một cuộc họp Nội các trực tuyến vào tháng 3, Tổng thống Trump nói rằng, vaccine có thể sẵn có từ “3 đến 4 tháng tới”. Ngay sau đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID) đã bác bỏ đánh giá của ông Trump, nói rằng quá trình này phải mất 1 năm đến 1 năm rưỡi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế và các nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất vaccine lại cho rằng phải mất thời gian lâu hơn.
Tiến sỹ Paul Offit, người đồng phát minh vaccine phòng chống rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấp cho biết: “Khi ông Fauci nói từ 12 đến 18 tháng, tôi nghĩ ông ấy đang lạc quan một cách thái quá”.
Tính bằng năm, không phải bằng tháng
Khi số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu lên đến hơn 42.000 ca, áp lực đối với giới khoa học trong việc tìm kiếm một vaccine phòng ngừa là vô cùng lớn.
Tiến sĩ Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế tại Đại học Johns Hopkins cho biết: “Tôi không nghĩ việc sản xuất vaccine ở quy mô công nghiệp sẽ được thực hiện trong 18 tháng. Việc phát triển vaccine thường được tính bằng năm chứ không phải bằng tháng”.
Vaccine mới thường được bắt đầu thử nghiệm trên động vật trước khi thực hiện tiến trình 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên bao gồm tiêm vaccine vào một nhóm nhỏ tình nguyện viên để đánh giá sự an toàn và theo dõi phản ứng miễn dịch của họ. Giai đoạn 2 là tăng số người được tiêm, lên tới hàng trăm người, trong đó có nhiều thành viên thuộc các nhóm có nguy cơ cao. Nếu kết quả có triển vọng, việc thử nghiệm sẽ được chuyển sang giai đoạn 3, để xem xét hiệu quả an toàn với hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn người, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tiến sĩ Emily Erbelding, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại NIAID, một nhánh của Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết, loại vaccine điển hình chống virus SARS-CoV-2 phải mất từ 8 đến 10 năm để phát triển. Tuy nhiên bà cũng lưu ý: “Bởi vì chúng ta đang trong cuộc đua đánh bại dịch bệnh và vaccine đóng vai trò rất quan trọng. Mọi người có thể sẵn sàng nắm bắt cơ hội và chuyển nhanh sang giai đoạn 2. Vì thế liệu có phát triển được vaccine được trong 18 tháng hay không sẽ phụ thuộc vào việc chúng ta tăng tốc mọi thứ”.
Tình nguyện viên trong từng giai đoạn cần được theo dõi để đảm bảo an toàn, bà Erbelding cho biết thêm. "Thông thường, phải theo dõi phản ứng miễn dịch của họ trong ít nhất một năm”.
Nhưng đó không phải là điều sẽ xảy ra trong nghiên cứu ở Seattle và Atlanta, nơi các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm song song vaccine trên cả động vật lẫn con người, trái với tuần tự, Stat – một trang tin về sức khỏe của Boston Globe Media cho biết.
Walt Orenstein, giáo sư y khoa tại Emory và là cựu giám đốc Chương trình Tiêm chủng Quốc gia Mỹ cho biết, sự đánh đổi là điều vô cùng khó khăn. “Không phải là một quyết định dễ dàng để thực hiện mọi thứ với tốc độ nhanh đến chóng mặt”. Giáo sư Orenstein nhấn mạnh, rất nhiều bài học từ những nỗ lực phát triển vaccine trong quá khứ chống lại dịch SARS và MERS cho thấy sẽ vô cùng khó khăn để hoàn thành tiến trình phát triển vaccine trong 18 tháng, mặc dù điều này vẫn có thể xảy ra. Trong một số trường hợp hiếm hoi, việc thử nghiệm vaccine thất bại có thể gây hại hoặc gây tử vong cho con người.
Tuy nhiên, Mark Feinberg, TổngGiám Đốc củaTổ chức “Sáng kiến quốc tế vaccinecho bệnhAIDS” lại cho rằng, với tình trạng khẩn cấp y tế hiện nay thì việc phát triển sớm vaccine phòng chống Covid-19 là điều rất quan trọng. Nhưng ông vẫn lưu ý: “Sẽ không có cách nào để phát triển vaccine theo mốc thời gian 1 năm hay 1 năm rưỡi nếu chúng ta không thực hiện các phương pháp mới”.
Nga sẽ có vaccine chống Covid-19 sớm nhất sau 11 tháng nữa
Những thất bại đau lòng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính vaccine có thể cứu được 2 đến 3 triệu người mỗi năm. Nhưng lịch sử phát triển vaccine cũng cho thấy những thất bại “tàn khốc” mà trong đó, những người thử nghiệm vaccine xuất hiện các triệu chứng tồi tệ hơn ban đầu.
Vào những năm 1960, việc thử nghiệm vaccine RSV (vaccine chống virus hợp bàohô hấpRSV ở người) đã thất bại khi không bảo vệ được trẻ sơ sinh tránh khỏi căn bệnh này mà còn gây ra những triệu chứng tồi tệ hơn bình thường. Nó cũng liên quan đến cái chết của 2 trẻ em.
Vào năm 1976, chính quyền Tổng thống Mỹ Gerald Ford đã đưa ra phản ứng nhanh với sự bùng phát dịch cúm lợn, phớt lờ cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cam kết sẽ tiêm phòng cho “mọi nam giới, phụ nữ và trẻ em tại Mỹ”.
Sau khi 45 triệu người được tiêm phòng, dịch bệnh trở nên ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khoảng 450 người, đã phát triển hội chứng Guillain-Barré - một rối loạn hiếm gặp trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các dây thần kinh, dẫn đến tê liệt. Ít nhất 30 người đã tử vong. Chương trình tiêm chủng này bị chấm dứt vào cuối năm 1976, kèm theo đó là một loạt vụ kiện chính phủ liên bang.
Năm 2017, chiến dịch tiêm vaccine phòng chống sốt xuất huyết cho gần 1 triệu trẻ em ở Philippines, được sự chấp thuận của WHO, đã bị dừng lại vì các lý do an toàn. Chính phủ Philippines đã truy tố 14 quan chức nhà nước liên quan đến cái chết của 10 trẻ em được tiêm chủng, cho rằng chương trình này đã được thực hiện “quá vội vã”.
Keymanthri Moodley, chuyên gia đạo đức sinh học tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi cho biết, các thử nghiệm chóng vánh thường làm tăng nguy cơ thất bại, có thể gây ra những hậu quả không lường trước.
“Nguy cơ do việc tiêm vaccine chưa được hoàn thiện gây ra đối với các chương trình tiêm chủng là rất cao. Nó sẽ thúc đẩy phong trào chống tiêm vaccine và ngăn cản cha mẹ tiêm chủng cho con cái những loại vaccine an toàn khác”, ông Moodley cho biết trong một email gửi tới CNN.
Bài học từ lịch sử
Trong lịch sử, mốc thời gian phát triển vaccine để chống lại các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy cấp, Ebola, sởi và SARS thường kéo dài hơn 18 tháng.
Năm 2006, vaccine phòng chống rotavirus do chuyên gia Offit hợp tác phát triển đã làm giảm đáng kể căn bệnh tiêu chảy do virus rota gây ra ở trẻ sơ sinh. Toàn bộ nỗ lực này kéo dài 26 năm, thời gian thử nghiệm mất 16 năm, CNN cho biết.
Vào tháng 11/2019, WHO đã lựa chọn một loại vaccine phòng chống Ebola – đồng nghĩa với việc giới chức y tế có thể bắt đầu sử dụng vaccine này ở những quốc gia có nguy cơ cao như Cộng hòa Dân chủ Congo. WHO cho biết, đây là quá trình tuyển chọn nhanh nhất mà tổ chức này tiến hành. Quá trình phát triển vaccine phòng chống Ebola rất phức tạp, nhưng tất cả đều nói rằng phải mất 5 năm mới cho ra đời được 1 sản phẩm được cấp phép, Seth Berkley, Giám đốc điều hành Gavi - Liên minh Vaccine nói.
Ngay cả vào những năm 1960, khi các quy định y tế không nghiêm ngặt như hiện nay, các nhà khoa học phải mất 4 năm để vaccine phòng chống sởi và quai bị được phê chuẩn, chuyên gia Offit nói.
Đôi khi việc sản xuất một loại vaccine đầy hứa hẹn có thể bị chậm lại do sự thờ ơ của công chúng.
Dịch SARS bùng phát vào năm 2003, nhưng mãi đến năm 2016, một loại vaccine do đội ngũ của ông Hotez, trưởng khoa Y học Nhiệt đới thuộc Đại học Y Baylor ở Houston phát triển – mới sẵn sàng cho việc thử nghiệm.
"Vaccine này có vẻ thực sự tốt, rất an toàn và có thể bảo vệ con người trước dịch SARS. Nhưng vấn đề là chúng tôi không thể quyên góp bất cứ khoản tiền nào”, ông Hotez nói với CNN. Hiện, đội ngũ của Hotez đang tìm kiếm nguồn tài trợ để khởi động việc điều chế vaccine này với hy vọng có thể chống lại dịch bệnh Covid-19 – căn bệnh do virus corona chủng mới gây ra, cùng họ với virus gây bệnh SARS.
Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cho biết việc thử nghiệm vaccine mới cần có thời gian.
"Nhiều người đang hỏi tại sao chúng ta phải thử nghiệm vaccine? Tại sao chúng ta không điều chế vaccine và phân phát cho mọi người? Vâng, thế giới đã học được nhiều bài học về việc sử dụng vaccine hàng loạt đó là một loại vaccine tồi còn nguy hiểm hơn cả virus gây bệnh. Chúng tôi phải rất cẩn trọng trong việc phát triển bất kỳ sản phẩm nào mà chúng tôi sẽ tiêm phòng cho phần lớn dân số thế giới”./.
Từ khóa: vaccine phòng chống Covid-19, chuyên gia y tế, điều chế vắc xin, khi nào có vắc xin ngừa Covid-19, vaccine chống virus SARS-CoV-2
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN