Masan kỳ vọng trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Masan Resources ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck, chiến lược để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.
Ngày 17/9, Công ty TNHH Vonfram Masan, công ty con do Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) sở hữu 100% vốn, đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HCS) (gọi tắt là “Giao Dịch”).
H.C. Starck là nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram công nghệ cao “midstream” (giai đoạn giữa của chuỗi giá trị) như bột kim loại vonfram (tungsten metal powders) và vonfram các-bua (tungsten carbides). HCS phục vụ các khách hàng trên toàn thế giới với các tổ hợp sản xuất tại CHLB Đức, Canada và Trung Quốc. HCS có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên sâu và chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng, cũng như vận hành các nhà máy hiện đại, tự động hóa cao để đảm bảo cung cấp cho khách hàng các sản phẩm có chất lượng vượt trội và ổn định.
Cổ phần Tài nguyên Masan đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH. |
HCS có 105 bằng sáng chế (đã được cấp và đang đăng ký) và sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm vonfram hàng đầu như hợp chất vonfram có cấu trúc siêu mịn (ultrafine). Không những vậy, HCS là một trong số ít các công ty trên thế giới có khả năng thu hồi vonfram chất lượng cao qua quá trình tái chế phức tạp đồng thời thân thiện với môi trường, trên cơ sở các bí quyết công nghệ do HCS sở hữu.
Giao Dịch này là bước đi chiến lược trong tầm nhìn của MSR: trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng chuỗi giá trị tích hợp xuyên suốt hàng đầu thế giới. Nguồn cung APT sơ cấp ổn định với giá thành thấp từ MSR, kết hợp với năng lực tái chế của HCS, sẽ tạo cho MSR năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Công ty TNHH Vonfram Masan hướng tới chiến lược để trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp. |
Điều này giúp MSR tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3.5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD, và đưa MSR trở thành nhà chế tạo hàng đầu các sản phẩm vonfram “midstream” cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo và công cụ, khai khoáng, ô tô, năng lượng, hàng không và công nghiệp hóa chất. Việc trở thành nhà chế tạo các sản phẩm vonfram “midstream” sẽ làm gia tăng đáng kể giá trị công ty, do các sản phẩm vonfram công nghệ cao có giá bán cao hơn 30-50% so với các sản phẩm APT hiện tại.
Với Giao Dịch này, MSR sẽ trở thành công ty vật liệu công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam với quy mô toàn cầu hàng đầu. Quan trọng hơn nữa, vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường vonfram toàn cầu sẽ có được nền tảng nghiên cứu phát triển và sản xuất hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội để đào tạo và phát triển các chuyên gia kỹ thuật trong ngành vật liệu công nghệ cao của Việt Nam, như một phần trong quá trình toàn cầu hóa nền tảng kinh doanh của MSR.
Giao Dịch này phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan quản lý (bao gồm phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam). Cả hai bên đồng ý không tiết lộ các điều khoản tài chính của Giao Dịch trong giai đoạn này./.
Masan tham gia xây dựng Tiêu chuẩn nước mắm Việt Nam
Masan đạt lợi nhuận sau thuế năm 2018 hơn 5.600 tỷ đồng
Từ khóa: Masan, Masan Resources, nền tảng kinh doanh vonfram, vật liệu cộng nghiệp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN