Manh nha lập thêm hạm đội: Mỹ không rời đi mà đến gần Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hơn
Cập nhật: 22/11/2020
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
Nga và Ukraine vật lộn đối phó UAV cáp quang không thể bị gây nhiễu
VOV.VN - Trong bối cảnh sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ đang đặt ra câu hỏi về vai trò của Washington tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, kế hoạch thành lập hạm đội mới là thông điệp gửi đến Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ không rời đi, mà còn đến gần hơn với khu vực.
Các hạm đội của Hải quân Mỹ
Trong quân sự, hạm đội là một tổ chức gồm nhiều tàu chiến và là cấp đơn vị lớn nhất của Hải quân, tương đương với quân đoàn của Lục quân. Các hạm đội thường trực thường được giao phó đặc trách một vùng biển hoặc đại dương cụ thể và được mang tên đại dương đó hay biển đó, nhưng Hải quân Mỹ sử dụng các con số. Số lượng hạm đội Hải quân Mỹ đã giảm đáng kể qua thời gian và đối mặt với nhiều thách thức trong việc đáp ứng các nhiệm vụ hiện nay.
Hiện Hải quân Mỹ có 7 hạm đội chiến đấu thường trực, gồm Hạm đội 2, có Sở chỉ huy đóng tại Norfolk (Virginia, Mỹ) đặc trách Đại Tây Dương; Hạm đội 3 có Sở chỉ huy đóng tại Pearl Harbor (Hawaii, Mỹ) - Đông và Trung tâm Thái Bình Dương; Hạm đội 4 có Sở chỉ huy đóng tại Mayport (Florida, Mỹ) - Caribbe, Trung và Nam Mỹ; Hạm đội 5 có Sở chỉ huy đóng tại Manama (Bahrain) - Trung Đông (Biển Đỏ, Biển Arab, Vịnh Persic); Hạm đội 6 có Sở chỉ huy đóng tại Naples (Italy) - Địa Trung Hải; Hạm đội 7 có Sở chỉ huy đóng tại Yokosuka (Nhật Bản) đặc trách Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; Hạm đội 10 có Sở chỉ huy đóng tại Fort Meade (Maryland, Mỹ) - không gian mạng.
Mỹ manh nha thành lập Hạm đội 1…
Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ phụ trách khu vực trải dài từ ngoài khơi quần đảo Kuril của Nga ở phía bắc đến Nam Cực, từ Hawaii đến biên giới Ấn Độ-Pakistan tại Ấn Độ Dương với khoảng 321 triệu km2, bao trùm lãnh thổ biển của 36 quốc gia và 50% dân số thế giới. Tàu chỉ huy là Kỳ hạm Blue Ridge, khi tàu này phải sửa chữa lớn thì tàu Koronod sẽ thay thế. Đây là hạm đội lớn nhất trong số các hạm đội được triển khai của Hải quân Mỹ và được cho là đang bị quá tải. Vào bất kỳ thời điểm nào, hạm đội đều quản lý từ 50 đến 70 tàu (kể cả tàu ngầm), 150 máy bay và khoảng 20.000 thủy thủ.
Hôm 17/11, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite tiết lộ đang xem xét thiết lập một hạm đội mới với đại bản doanh nằm gần Ấn Độ Dương hơn, có thể ở Singapore, gọi là Hạm đội 1, trấn giữ giao lộ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - điểm bận rộn nhất của Ấn Độ Dương, một mắt xích quan trọng trong các tuyến vận tải thương mại toàn cầu, với 80% thương mại trên biển đi qua khu vực này, trong đó, 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua Eo biển Malacca.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh là một chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhằm kết nối nhanh Trung Quốc với châu Á, châu Phi, châu Âu và xa hơn nữa, phục vụ tham vọng toàn cầu của Trung Quốc. Braithwaite - người trở thành Bộ trưởng Hải quân vào tháng 5 sau nhiệm kỳ làm Đại sứ tại Na Uy - cho biết, ông đã chứng kiến sự gây hấn của Trung Quốc trên toàn cầu và nói đây là lý do cần có hạm đội mới. Có thể đặt căn cứ tại Singapore hạm đội sẽ di chuyển khắp Thái Bình Dương, giúp các đồng minh và đối tác...
Trong lịch sử, Hạm đội 1 là đơn vị của Hải quân Mỹ được thành lập ngày 1/1/1947, phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương như một phần của Hạm đội Thái Bình Dương và bị giải thể ngày 1/2/1973; cơ sở tại San Diego, California, và nhiệm vụ của nó đã được tiếp quản bởi Hạm đội 3. Mặc dù hạm đội mới theo đề xuất của Bộ trưởng Braithwaite sẽ có các mục tiêu khác với Hạm đội 1 ban đầu, ông thấy việc khôi phục tên cũ là phù hợp. Bộ trưởng Hải quân Mỹ Braithwaite chưa tiết lộ thông tin cụ thể nào về biên chế và sức mạnh của Hạm đội 1 trong kế hoạch, cũng như cách thức hoạt động của hạm đội này có khác biệt hay sẽ phối hợp với Hạm đội 7.
… và dư luận…
Đề xuất trên diễn ra ngay trước khi Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản tiến hành giai đoạn hai của cuộc tập trận hải quân trong khuôn khổ một sáng kiến khu vực nhằm đối phó với gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đề xuất mới của Mỹ được cho là có thể được các đồng minh như Australia quan tâm và nước này có thể sẵn sàng đón một căn cứ hải quân bổ sung của Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng, bổ sung thêm Hạm đội 1 sẽ giúp giảm bớt công việc của Hạm đội 7, đồng thời giúp Tư lệnh của hai hạm đội chú ý nhiều hơn đến các nhóm đồng minh và đối tác cũng như không gian địa lý nhỏ hơn.
Mỹ đã tăng cường sự hiện ở Ấn Độ Dương kể từ khi chính quyền Trump đưa ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương vào năm 2017, hồi sinh “Bộ tứ kim cương” (Quad), thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với các thành viên như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản thông qua các hoạt động diễn tập quân sự nhằm đảm bảo rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do với thương mại quốc tế, tìm cách ngăn chặn xảy ra một cuộc xung đột ngay từ đầu.
Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Braithwaite đã đề xuất ý tưởng về Hạm đội 1 từ vài tháng trước và được Mark Esper, người mới bị cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gần đây, ủng hộ. Bộ trưởng hải quân Mỹ chưa trình bày kế hoạch này với quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller, nhưng khẳng định "mọi yếu tố đã sẵn sàng". Michele Flournoy - cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách trong chính quyền Obama và nhiều khả năng trở thành bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền Biden, nói quân đội Mỹ cần sử dụng các năng lực hiện có theo "những cách mới" để răn đe một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Cũng có những lo ngại rằng việc thiết lập Hạm đội 1 đặt tại Ấn Độ Dương có thể gây xáo trộn và đề xuất được đưa ra mà chưa tham vấn kỹ càng với các đồng minh. Ngoài ra, sẽ tốt hơn nếu Hải quân Mỹ mua thêm tàu và gia tăng trọng tải trước khi thiết lập một hạm đội mới ở Ấn Độ Dương, vì Hạm đội 7 hiện đã phải chịu trách nhiệm một khu vực rộng lớn và giới chỉ huy hạm đội này có thể không ủng hộ việc nhường nhiều nguồn lực của mình tại Thái Bình Dương.
Một nhà phân tích nghiên cứu quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu Rand của Mỹ cho rằng Mỹ có thể dễ dàng thiết lập một hạm đội mới, nhưng việc xây dựng nó có thể là một thách thức. Nếu được thành lập, nhiều khả năng, hạm đội mới chỉ có thể hoạt động với một số lượng nhỏ tàu, ít nhất là ban đầu. Một số nhà phân tích khác cho rằng khả năng Mỹ thành lập một hạm đội mới là rất thấp, vì nó có thể tạo ra tình huống nhạy cảm trong khu vực. Olli Pekka Suorsa - nhà nghiên cứu tại RSIS - cho rằng, đề xuất thành lập hạm đội mới “chỉ đơn thuần là một phép thử, nhằm phát đi tín hiệu đến Trung Quốc về ý định lâu dài và quyết tâm cạnh tranh với Bắc Kinh”.
Các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh sự chuyển giao quyền lực ở Mỹ đang đặt ra câu hỏi về vai trò của Washington ở khu vực, kế hoạch thành lập hạm đội mới là tín hiệu gửi đến Trung Quốc rằng, Mỹ sẽ không rời đi, mà còn đến gần hơn với khu vực. Nếu Hải quân Mỹ xúc tiến việc thành lập Hạm đội 1 ở Ấn Độ Dương, điều đó sẽ tái khẳng định rằng Washington tiếp tục nhìn chiến lược châu Á qua lăng kính Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chứ không chỉ tập trung vào Tây Thái Bình Dương./.
Từ khóa: Mỹ, hải quân Mỹ, Ấn Độ Thái Bình Dương, Trung Quốc
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN