Mạnh dạn nghỉ hưu trước tuổi, sự "hy sinh" cần thiết cho tinh gọn bộ máy
Cập nhật: 4 giờ trước
Miễn nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa
Thủ tướng đề nghị Hàng không quốc gia Ba Lan mở lại đường bay tới Việt Nam
VOV.VN - Việc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý tình nguyện thôi công tác khi vẫn còn tuổi làm việc không chỉ là sự hy sinh, mà còn là sự nêu gương để thúc đẩy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được thuận lợi.
“Hy sinh” chức vụ vì sự phát triển của đất nước
Với tinh thần “thần tốc, chỉ bàn làm, không bàn lùi”, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành tích cực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Để việc sắp xếp diễn ra thuận lợi, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít người là cán bộ chủ chốt ở địa phương đã tình nguyện xin thôi công tác khi vẫn còn tuổi. Họ chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tinh gọn, hiệu quả hơn.
Đơn cử như ở Thanh Hóa, bà Bùi Thị Mười, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là cán bộ đầu tiên của tỉnh này tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi, dù bà còn gần 2 năm công tác mới đến tuổi nghỉ hưu.
Ở Thái Nguyên, theo kế hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào Sở Nội vụ. Để quá trình sắp xếp diễn ra thuận lợi, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tự nguyện xin nghỉ chế độ trước tuổi hơn 3 năm.
Còn ở Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Vinh, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh - người đầu tiên tình nguyện viết đơn nghỉ hưu trước tuổi để địa phương thuận lợi trong việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, dù còn 3 năm công tác. Ở Đồng Tháp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng tiên phong xin nghỉ hưu trước tuổi để sắp xếp bộ máy.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi có sự hy sinh. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đã có hàng triệu liệt sĩ, thương binh, hàng triệu người bị nhiễm chất độc da cam – họ đã hy sinh để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do như ngày nay. Còn trong cuộc cách mạng lần này, chúng ta phải sắp xếp để bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hơn, tự tin bước vào công việc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó sẽ có một bộ phận người phải hy sinh về quyền lợi.
Ông Nguyễn Viết Thông cho rằng, trong đợt tinh gọn này, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức sẽ bị mất việc làm, thậm chí có những người chức vụ không còn giữ như cũ. Ví dụ, nhập 2 bộ thành 1 bộ thì chỉ còn một bộ trưởng; nhập 2 ban thì chỉ còn 1 trưởng ban; nhập 2 - 3 vụ thành 1 vụ, chỉ còn một vụ trưởng, những người còn lại phải “hy sinh”.
Điều đó nói rằng, trong cuộc cách mạng này đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, trước hết là các Ủy viên Trung ương là những người được bổ nhiệm, phân công làm tư lệnh ngành, đơn vị, lần này nhập vào thì cũng phải hy sinh quyền lợi của mình.
“Đó là một sự hy sinh. Mà sự hy sinh này vì ai? Hy sinh vì sự phát triển của đất nước, cả xã hội sẽ được nhờ vì một Việt Nam cất cánh”, ông Nguyễn Viết Thông đồng thời cho rằng, sự hy sinh này cần được ghi nhận như một sự khẳng định công lao đóng góp của những cán bộ, đảng viên sẵn sàng nhường vị trí để tạo điều kiện thuận lợi cho sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cán bộ nêu gương để thúc đẩy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Tiến sĩ Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho biết, việc sắp xếp đụng chạm đến các vị trí lãnh đạo thì trước hết các vị lãnh đạo, người đứng đầu, đặc biệt là các Ủy viên Trung ương phải nêu gương. Nêu gương ở đây được thể hiện là nếu đụng chạm đến mình là mình phải sẵn sàng chấp nhận sự sắp xếp ấy, chấp nhận sự hy sinh. Hy sinh ở đây được hiểu là là hy sinh quyền lợi, lợi ích mà thông qua sắp xếp mình bị ảnh hưởng.
“Vai trò nêu gương là hết sức quan trọng và cán bộ có nêu gương như vậy thì cấp dưới, xã hội người ta mới nhìn vào, tạo thành sự thúc đẩy cuộc cách mạng này”, ông Đinh Duy Hòa cho biết.
Ông Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
“Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước. Cũng giống như trong một đội ngũ, mỗi thành viên cần phải hy sinh một chút vì sự tiến bộ và thành công chung của tập thể. Trong trường hợp này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn”, ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc cán bộ, công chức, viên chức hy sinh quyền lợi cá nhân thì cũng phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Bởi họ không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
“Trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”, đại biểu Bùi Hoài Sơn cho biết.
Nghị định 178/2024 về chính sách, chế độ đối với những người thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có nhiều ưu đãi với người nghỉ hưu trước tuổi.
Theo đó, trường hợp có tuổi đời đủ 10 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường và đủ 5 năm trở xuống so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn và đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để nghỉ hưu thì được hưởng 3 chế độ sau:
Một là, được hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm: - Trường hợp nghỉ trong thời hạn 12 tháng: Nếu có tuổi đời còn từ đủ 05 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm; nếu có tuổi đời còn từ đủ 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với 60 tháng.
- Trường hợp nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp của trường hợp nghỉ trong 12 tháng nêu trên.
Hai là, được hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, gồm:
- Được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu.
- Được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi, gồm: Đối với người còn từ đủ 2 năm đến dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; Đối với người còn từ đủ 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu thì được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm.
- Được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo diểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để được hưởng lương hưu, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi thuộc đối tượng khen thưởng quá trình cống hiến mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm tương ứng với thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời gian bổ nhiệm của chức vụ hiện đảm nhiệm để xét khen thưởng quá trình cống hiến. Đối với cán bộ, công chức, viên chức không thuộc đối tượng xét khen thưởng quá trình cống hiến thì được cấp có thẩm quyền xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.
Từ khóa: tinh gọn bộ máy, tinh gọn bộ máy, nghỉ hưu trước tuổi, sắp xếp bộ máy
Thể loại: Nội chính
Tác giả: lê hoàng-kim anh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN