Mali trong vòng xoáy khủng hoảng sau vụ đảo chính bắt giam Tổng thống
Cập nhật: 21/08/2020
Phản ứng của các bên khi lệnh ngừng bắn Gaza được thực thi
Australia: Hàng nghìn người xuống đường tuần hành ủng hộ Palestine (19/1/2025)
VOV.VN - Tình hình Mali đang gây xáo trộn lớn cho khu vực châu Phi. ECOWAS và Pháp đã lên tiếng về vấn đề này.
Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) hôm 20/8 quyết định đóng cửa tất cả biên giới trên bộ và trên không của các nước thành viên với Mali, cũng như dừng tất cả các giao dịch thương mại và tài chính với Mali cho đến khi trật tự hiến pháp được khôi phục tại nước này. Đây là phản ứng mới nhất của quốc tế sau vụ binh biến tại Mali khiến đất nước này rơi vào vòng xoáy hỗn loạn.
Binh sĩ Mali làm đảo chính. Ảnh: BBC. |
Phát biểu sau cuộc họp của nhóm Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari cho rằng, việc đóng cửa biên giới là hành động đầu tiên của khối. Tiếp theo các nước cần thực hiện những cơ chế trừng phạt nhằm gia tăng sức ép với lực lượng tiến hành đảo chính, để nhóm này khôi phục lại đầy đủ trật tự Hiến pháp, đồng thời thả ngay lập tức Tổng thống Mali.
“Hành động của quân đội Mali rất đáng tiếc, buộc chúng ta cần phải quyết định những lựa chọn phù hợp với các quy định của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi, Liên minh châu Phi hay Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cho rằng cần phải thả Tổng thống Mali Keita và tất cả những người bị giam giữ khác ngay lập tức và không kèm điều kiện”.
Về phần cộng đồng quốc tế, sau khi các tổ chức như Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng nhiều nước như Mỹ, Canada, hôm qua Pháp cũng lên án cuộc binh biến tại Mali và yêu cầu trả tự do cho những lãnh đạo bị bắt giữ.
Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: "Chúng tôi lên án cuộc đảo chính quân sự chống lại một nhà lãnh đạo được bầu chọn một cách dân chủ. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Tổng thống Mali phải được thả càng nhanh càng tốt và không được thực hiện bạo lực"
Sau sức ép của cộng đồng quốc tế, nhóm tự xưng Ủy ban Quốc gia bảo vệ người dân (CNSP) do lực lượng binh sĩ làm binh biến ở Mali thành lập để nắm quyền lãnh đạo sau khi đảo chính thông báo, một "tổng thống chuyển tiếp" sẽ được lựa chọn từ hàng ngũ quân đội hoặc dân sự.Nhóm này cũng thông báo sẽ mở lại biên giới trên không và trên bộ của nước này từ ngày 21/8.Trước đó, chỉ vài giờ sau khi tiến hành vụ binh biến ngày 18/8 buộc Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita từ chức, nhóm binh sỹ thông báo áp đặt một loạt biện pháp, trong đó có đóng cửa ngay lập tức biên giới trên bộ và trên không của Mali.
Như vậy, những diễn biến tại Mali đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và sự ổn định của châu Phi, trong bối cảnh cả châu lục đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có khủng bố, tình trạng nghèo đói và dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, chỉ có thúc đẩy đối thoại và thương lượng giữa các bên để tìm kiếm các giải pháp chính trị hòa bình, phù hợp với Hiến pháp và luật pháp Mali là con đường phù hợp nhất để thiết lập lại ổn định và trật tự xã hội ở Mali. Chỉ khi đó, Mali mới có đủ khả năng đối phó với tình trạng bất ổn an ninh, suy thoái kinh tế và thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng trầm trọng hiện nay./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN