Malaysia muốn tăng sức mạnh hải quân, sẵn sàng cho kịch bản xấu ở Biển Đông
Cập nhật: 22/10/2019
VOV.VN - Ngoại trưởng Malaysia thừa nhận, việc hạn chế trong trang bị cho hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển khiến nước này gặp bất lợi ở Biển Đông.
Hãng thông tấn Anadolu đưa tin, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah hôm 20/10 cho biết, Malaysia phải tăng cường năng lực hải quân để đối phó với kịch bản tồi tệ nhất của cuộc xung đột có thể xảy ra ở Biển Đông.
Một chiếc tàu của Malaysia. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Malaysia. |
Theo ông Saifuddin, Malaysia có thể lên tiếng phản đối nếu như Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của mình nhưng việc hạn chế trong trang bị cho hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển khiến nước này gặp bất lợi.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong những tuần gần đây, đặc biệt sau khi tàu khu trục hải quân Mỹ áp sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Trong khi Trung Quốc mô tả hành động của Mỹ là “thách thức” thì Washington khẳng định họ vẫn sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Đề cập đến vụ tàu hải cảnh của Trung Quốc tiến hành tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò hồi tháng 5/2019, ông Saifuddin nói trước Quốc hội: "Các tàu hải quân của chúng ta nhỏ hơn các tàu hải cảnh của Trung Quốc".
Nói như vậy nhưng theo ông Saifuddin, Malaysia sẽ tiếp tục theo đuổi quan điểm phi quân sự hóa Biển Đông và kêu gọi một cách tiếp cận mới với ASEAN.
"Biển Đông không nên trở thành điểm xung đột giữa các quốc gia. Chúng tôi nhất quán về vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế như ASEAN - nơi chúng tôi nêu lên khái niệm tự kiềm chế và phi quân sự hóa ở Biển Đông", Ngoại trưởng Saifuddin nói.
Nâng cao nhận thức về an ninh chính trị
Nhà phân tích quốc phòng và quân sự Connie Rahakundini Bakrie đánh giá, những ý kiến của ông Saifuddin cho thấy nhận thức ngày càng tăng của ASEAN về an ninh chính trị.
“Những tuyên bố đó được một Ngoại trưởng chứ không phải một Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra. Điều đó có ý nghĩa là một sự hiểu biết về vấn đề an ninh của ASEAN phải được đưa ra”, bà Connie nói. Trung Quốc không thể "nuốt trọn" Biển Đông
Theo bà Connie, mặc dù ASEAN không có hiệp ước quốc phòng nhưng hợp tác an ninh phải được thực hiện trong vùng biển ở khu vực.
“Malaysia đã thừa nhận năng lực hải quân của họ không ngang tầm với Trung Quốc”, Connie nói thêm rằng nếu một cuộc đụng độ nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc thì mong muốn của các nước ASEAN để giải phóng Biển Đông khỏi sự hiện diện quân sự sẽ là rất khó khăn.
Theo bà Connie, sẽ là điều kỳ lạ nếu các nước ASEAN không có sự hiện diện quân sự ở vùng biển tranh chấp trong khi các nước như Trung Quốc và Mỹ đã làm như vậy.
Nhìn sang Indonesia, trong lễ nhậm chức năm 2014, Tổng thống Joko Widodo đã công bố một học thuyết trục hàng hải được chờ đợi từ lâu - một học thuyết chiến lược ưu tiên các yếu tố hàng hải trong chính sách quân sự, kinh tế và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, cả Bộ ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng Indonesia đều không thể biến tầm nhìn này thành các chính sách thực tế.
Chuyên gia Connie cho rằng, nếu được triển khai trên thực tế, tầm nhìn về trục hàng hải là động lực để Indonesia tăng cường khả năng phòng thủ, đặc biệt là liên quan đến tranh chấp Biển Đông.
"Đất nước chúng tôi không thể cứ im lặng", Connie nói và nhấn mạnh rằng Indonesia nên quan tâm hơn đến an ninh chính trị.
Theo đánh giá của bà Connie, học thuyết trục hàng hải thực sự nhằm tăng cường sức mạnh cho cả lực lượng hải quân và không quân bởi vì “không thể có lực lượng hải quân mạnh mẽ nào mà không có sự liên quan đến không quân”. Bà Connie cũng kêu gọi Chính phủ nên tăng cường năng lực quốc phòng, cơ sở hạ tầng quân đội, hiện đại hóa khí tài để hỗ trợ an ninh chính trị.
Tôn trọng các quy tắc của ASEAN
“Các nước ASEAN cần phải đảm bảo rằng họ sẽ không bị các nước các coi là kẻ yếu thế. Không có gì đảm bảo cho sự tồn tại của một quốc gia ngoại trừ sức mạnh của chính họ”, ông Shofwan Al Banna, một chuyên gia quan hệ quốc tế nói với Anadolu.
Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ - một cường quốc có thể làm đối trọng với Trung Quốc ở Biển Đông hiện vẫn đang bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột triền miên ở Trung Đông.
“Qua trường hợp người Kurd ở Syria có thể cho thấy Mỹ không phải lúc nào cũng đáng tin cậy trong việc bảo vệ các đồng minh của mình”, ông Shofwan nói và nhận định, nếu để Trung Quốc trở thành một lực lượng không thể ngăn cản trong khu vực, Malaysia chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
“Ngay cả khi tàu Trung quốc tiến đến gần vùng biển của Malaysia thì Malaysia cũng không thể làm được gì nhiều”, ông Shofwan giải thích.
Theo ông Shofwan, không nên loại bỏ hoàn toàn khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể bị vướng vào một cuộc chiến tranh mở ở Biển Đông nếu liên lạc giữa hai nước để giải quyết vấn đề này đổ vỡ.
Shofwan cho rằng, mặc dù Indonesia không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Jakarta vẫn cần phải quyết đoán hơn và chủ động hơn để đảm bảo ASEAN vẫn có liên quan trong mối quan hệ quốc tế để cả Trung Quốc và Mỹ phải tuân thủ các quy tắc của Hiệp hội.
“Mặc dù ASEAN đã không đi đến một quyết định chính thức nào về Biển Đông, nhưng ít nhất là tất cả các quốc gia thành viên vẫn theo đuổi cam kết tránh sử dụng bạo lực trong việc xác định yêu sách của mình”, Shofwan nói thêm./. Trung Quốc cố tình làm sai để theo đuổi yêu sách phi lý ở Biển Đông
Từ khóa: Biển Đông, Trung Quốc, kịch bản xấu ở Biển Đông, xung đột ở Biển Đông, ASEAN với Biển Đông
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN