Mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề hơn

Cập nhật: 14/03/2022

Các chuyên gia đều có chung nhận định ransomware, mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền không có dấu hiệu chững lại mà tiếp tục gây thêm nhiều thiệt hại nặng nề hơn cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng trong thời gian tới.

Hãng bảo mật toàn cầu Fortinet vừa công bố báo cáo bối cảnh mối đe dọa mạng toàn cầu mới nhất. Báo cáo được đội nghiên cứu FortiGuard Labs thực hiện trên cơ sở dữ liệu từ số lượng lớn cảm biến của Fortinet thu thập hàng tỷ sự kiện về mối đe dọa mạng quan sát được trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2021.

Nghiên cứu mới của Fortinet cho thấy xu hướng gia tăng khả năng tự động hóa và tốc độ của các cuộc tấn công thể hiện chiến lược tội phạm mạng trường kỳ tiên tiến, gây thiệt hại nặng nề và khó lường hơn. Ngoài ra, bề mặt tấn công ngày càng mở rộng do đội ngũ CNTT và nhân viên làm việc theo mô hình kết hợp đã trở thành mục tiêu để những kẻ tấn công trên không gian mạng nỗ lực khai thác.

Cũng theo nhận định của các chuyên gia Fortinet, hoạt động của ransomware (mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền – PV) vẫn ở mức cao và tiếp tục gây thiệt hại nặng nề hơn.

Dữ liệu của FortiGuard Labs cho thấy mã độc tống tiền ransomware đã ở mức rất cao trong năm qua và vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Thay vào đó, mức độ tinh vi, hung hãn và tác động của ransomware đang ngày càng gia tăng. Các tác nhân đe dọa tiếp tục tấn công các tổ chức với nhiều thể loại ransomware mới và cũ, thường để lại hậu quả lớn.

Trong đó, các ransomware cũ đang được cập nhật và cải tiến một cách tích cực, đồng thời các ransomware khác đang phát triển để áp dụng các mô hình kinh doanh dịch vụ cung cấp mã độc tống tiền “Ransomware as a service” (RaaS). RaaS cho phép nhiều tác nhân nguy hại hơn tận dụng và phân phối mã độc mà không cần phải tự mình tạo ra ransomware.

FortiGuard Labs đã quan sát thấy một mức độ nhất quán về hoạt động độc hại liên quan đến nhiều loại ransomware, bao gồm các phiên bản mới của Phobos, Yanluowang và BlackMatter. Những kẻ điều khiển BlackMatter đã tuyên bố chúng sẽ không tấn công các tổ chức mục tiêu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu khác nhưng cuối cùng chúng vẫn làm như vậy.

“Các cuộc tấn công ransomware vẫn là một thực trạng và nguy cơ đối với tất cả các tổ chức bất kể ngành nghề hay quy mô. Các tổ chức cần chủ động xây dựng khả năng hiển thị, phân tích, bảo vệ và khắc phục trong thời gian thực cùng với các giải pháp truy cập zero trust, phân đoạn mạng và sao lưu dữ liệu thường xuyên”, các chuyên gia Fortinet khuyến nghị.

Trước đó, trong dự báo về tấn công mạng năm 2022, hãng bảo mật Kaspersky cũng đã nhận định tấn công có chủ đích bằng ransomware dù có thể giảm nhưng vẫn là 1 trong 4 xu hướng nổi bật tại khu vực Đông Nam Á.

Theo chuyên gia Kaspersky, khoảng thời gian đại dịch đã chứng kiến sự gia tăng tấn công có chủ đích bằng ransomware trên toàn thế giới nhắm đến những mục tiêu giá trị cũng như những doanh nghiệp đang bên bờ vực thẳm. Một số công ty trong khu vực Đông Nam Á là nạn nhân của ransomware. Trong năm 2022, các dịch vụ lưu trữ sẵn có được cung cấp rộng rãi tại các quốc gia như Singapore và Malaysia, các dịch vụ trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng có thể bị ransomware tấn công.

Báo cáo tổng kết an ninh mạng năm 2021 và dự báo năm 2022 được Bkav công bố hồi trung tuần tháng 1 cho hay, năm 2021 là một năm đầy biến động của các loại tiền số (coin) và các loại hình kinh doanh liên quan đến tiền số, vốn hóa của các đồng tiền số đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Điều này kéo theo số lượng tấn công mã hóa dữ liệu đòi trả tiền chuộc bằng coin tăng mạnh. Các chuyên gia cũng dự báo, cùng với các xu hướng tấn công vào thiết bị IoT và chuỗi cung ứng, các cuộc tấn công bằng mã độc, trong đó có ransomware vẫn sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bkav, số lượt máy tính bị virus mã hoá dữ liệu tấn công trong năm ngoái đã lên tới hơn 2,5 triệu lượt, cao gấp 4,5 lần so với năm 2020. Đa số người sử dụng Việt Nam vẫn còn lúng túng, chưa biết cách ứng phó khi máy tính bị mã hoá dữ liệu.

Hơn 99% người tham gia chương trình đánh giá an ninh mạng 2021 của Bkav chọn làm theo hướng dẫn trả tiền với hy vọng lấy lại được dữ liệu của mình từ hacker. Cách làm này không những bạn có thể không lấy lại được dữ liệu mà còn mất tiền oan. “Cần phòng vệ một cách chủ động, thiết lập các biện pháp bảo vệ an toàn cho dữ liệu, đặc biệt cần có cơ chế sao lưu dữ liệu định kỳ”, các chuyên gia Bkav khuyến cáo./.

Từ khóa: ransomware, mã độc tống tiền, an ninh mạng, mã hóa dữ liệu

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập