Lý giải lộn xộn phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt
Cập nhật: 28/11/2021
Công an thành phố Thủ Đức khởi tố nhiều đối tượng gây rối trật tự công cộng
Nghệ An: Phá đường dây vận chuyển ma túy qua đường hàng không
[VOV2] - Việc phiên âm các tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt luôn là chuyện không hề đơn giản do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chính vì vậy, nó dẫn đến thiếu thống nhất, thậm chí là lộn xộn trong phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt.
Cùng tên các nhà bác học nổi tiếng nhưng mỗi nơi viết mỗi khác, sách giáo khoa thì viết "Anbe Anhxtanh", "Tô-mát Ê-đi-xơn", báo chí thì chỗ phiên âm, chỗ để nguyên dạng "Albert Einstein" và "Thomas Edison". Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về sự thiếu thống nhất trong cách phiên âm tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Theo các chuyên gia, việc phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hiện là vấn đề rất phức tạp, gây bàn cãi lâu nay. PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông cho rằng, mấu chốt vấn đề ở đây là do các ngôn ngữ nước ngoài khi phiên âm sang tiếng Việt không đồng dạng về văn tự. Tiếng Việt sử dụng văn tự La - tinh, có những điểm giống các ngôn ngữ thuộc hệ chữ La-tinh như tiếng Pháp tiếng Anh... Tuy nhiên cũng không phải là giống hoàn toàn. Tiếng Việt còn khác biệt với ngôn ngữ hệ Xla-vơ như là tiếng Nga..., và khác với một số ngôn ngữ khác như Ả Rập, ngôn ngữ văn tự khối chữ vuông như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc ..v..v... Điều này đã khiến cho việc phiên âm sang tiếng Việt trở nên khó khăn hơn. Mỗi người phiên âm theo cách riêng của mình tạo ra một cái bối cảnh rất là phức tạp và người ta cảm thấy rất là khó khi tiếp cận các ngôn ngữ gốc.
Cũng về tính đa dạng, không thống nhất trong việc phiên âm các từ tên riêng tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, Phiên dịch tiếng Anh Tạ Quang Đông, cho rằng thực ra ở đây là do tiếng Việt của chúng ta khác với các ngôn ngữ nước ngoài. Nhiều tên riêng tiếng nước ngoài có những âm không thể hiện được bằng tiếng Việt, hoặc là các ngôn ngữ đó có đặc thù khác với tiếng Việt. Chẳng hạn như là tiếng Việt không có âm L ở cuối âm tiết, khi phiên sang tiếng Việt, L sẽ biến thành n, ví dụ như từ “Anpha” chứ không phải là alpha như nguyên ngữ.
Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, tiếng Việt cũng như bất kỳ ngôn ngữ nào khác đều có một số lượng từ ngữ ngoại lai và tiếng nước ngoài. Hiện nay tên riêng địa danh, tên người tiếng nước ngoài xuất hiện trong tiếng Việt được xử lý bằng bốn phương án khác nhau : Thứ nhất là dịch nghĩa, như từ “Quảng trường đỏ”, (được dịch từ tiếng Nga). Thứ hai là phiên âm, tức là chuyển cách đọc của tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để cho người Việt đọc dễ dàng. Thứ ba là chuyển tự, tức là chuyển hệ thống văn tự của ngôn ngữ này sang hệ thống ngôn ngữ khác. Một số văn tự của ngôn ngữ không sử dụng mẫu hệ la tinh như tiếng Nga, Nhật, Hàn, Ả Rập... thì các tên tiếng nước ngoài được chuyển sang chữ La- tinh để người Việt có thể căn cứ đọc. Và cách thứ tư là để nguyên gốc tiếng nước ngoài. PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng mỗi phương án, đều có tính tích cực và những hạn chế riêng của nó. Nếu dịch nghĩa thì ta không thể truy được cái ngôn ngữ gốc viết thế nào? Phiên âm thì cũng rất khó truy, vì có rất nhiều từ giữa cách viết và cách đọc đã khác nhau rồi, Chẳng hạn Vích- To- Huy gô, người pháp sẽ đọc là là Vích- To- Uy Gô. Và do vậy việc phiên âm có thể sẽ trở nên không chuẩn xác.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt thì hiện nay trên các báo chí cũng như các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là trong các nhà trường phổ thông thì việc phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt chưa có sự thống nhất bài bản nên gây rất nhiều khó khăn cho cả người tiếp nhận văn bản, thậm chí cả cho người đọc. Chẳng hạn như tên của rất nhiều nhà văn, nhà thơ lớn người nước ngoài cũng có tình trạng nhiều tác giả phiên âm mỗi người một cách, và sản phẩm đưa ra cũng khác nhau và khác so với ngôn ngữ gốc! Hay như tiếng Nga, phần lớn các chữ cái là giống tiếng Việt, nhưng cũng có những chữ không giống như âm “V” ở cuối, mà trong tiếng Việt thì không có.
Việc phiên âm các tên riêng tiếng nước ngoài theo cách đọc sang tiếng Việt như trong sách giáo khoa ở các nhà trường phổ thông gần đây cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt thì việc phiên âm theo cách đọc có thuận lợi rất lớn vì rất dễ đọc và dễ nghe vì tiếng Việt có tính âm tiết rất rõ ràng nên mỗi một từ có thể Phiên âm thành một âm tiết hoặc 2 âm tiết, đọc lên làm người nghe dễ tiếp nhận. Nhưng cái hạn chế của việc phiên âm theo cách đọc là do có thể nó khác rất xa so với bản gốc. Nhiều tác giả phiên âm theo các kiểu khác nhau, và khác nguyên gốc, do đó người nghe có khi là không thể hình dung ra được.
Theo ông Tạ Quang Đông, việc phiên âm tên tiếng nước ngoài sang tiếng Việt theo cách đọc như trong SGK, ở các nhà trường phổ thông là việc rất cần thiết bởi vì nếu không phiên âm, học sinh sinh viên chắc chắn sẽ phát âm sai.
Với việc đa dạng trong các cách phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt như hiện nay quả là đã gây khó cho mọi người trong việc nghe, đọc, viết... Vậy việc ra một bộ chuẩn phiên âm thống nhất quốc gia tên tiếng nước ngoài sang tiếng Việt có phải là thực sự cần thiết? Và điều này liệu có khả thi hay không? Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích nội dung này trong bài viết tiếp theo,/.
Từ khóa: PGS.TS Phạm Văn Tình, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Tạ Quang Đông, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2