Lý do Ukraine kín tiếng về vai trò của pháo tự hành M-109 do Mỹ cung cấp
Cập nhật: 05/01/2023
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Dù bị lu mờ bởi các loại pháo tự hành hiện đại hơn nhưng M-109 vẫn bền bỉ hoạt động trên chiến trường Ukraine.
Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, lựu pháo tự hành M-109 do Mỹ sản xuất dường như không nhận được nhiều sự chú ý. Mặc dù không có con số chính xác song các nhà phân tích ước tính phương Tây có thể đã chuyển giao cho Ukraine khoảng 50 khẩu pháo M-109, nhiều hơn so với bất cứ hệ thống pháo tự hành 155mm tiên tiến, tiêu chuẩn NATO mà Kiev đã tiếp nhận cho đến thời điểm hiện tại. M-109 được cho là hiện diện trên chiến trường với số lượng lớn nhưng lại có rất ít thông tin về cách thức hoạt động của nó.
Ukraine thường kín tiếng về hoạt động của binh sỹ cũng như khí tài quân sự trên chiến trường, song việc thiếu thông tin cơ bản về lựu pháo M-109 vẫn khiến nhiều chuyên gia bất ngờ. Một số người lưu ý, điều này có thể xuất phát từ nhận thức cho rằng, M-109 là hệ thống pháo nhàm chán, cũ kỹ và không quan trọng bằng các loại pháo hiện đại khác của phương Tây
M109 là pháo tự hành do BAE Systems Platforms & Services, một công ty con của Tập đoàn BAE Systems, thiết kế và đưa vào biên chế trong quân đội Mỹ từ năm 1963, nhưng hiện vẫn đang được sản xuất. Tính tới năm 2013, loại pháo này đã có tới 13 phiên bản nâng cấp khác nhau.
M109 có chiều dài 9,12m tính cả nòng; rộng 3,15m; cao 3,28m. Khả năng nâng góc nòng của pháo M109 nằm trong khoảng 3 đến 75 độ, và kíp vận hành sẽ cần tới 6 binh sĩ. Khi không có hệ thống nạp đạn tự động, M-109 hay cả M-109A6 (biến thể mới nhất) cũng chỉ có tốc độ bắn khoảng 4 phát/phút, đây được xem là tốc độ bắn trung bình thấp cho một mẫu pháo tự hành hiện đại.
Sau khi được triển khai trong nhiều cuộc xung đột trên khắp thế giới và kho dự trữ của Mỹ còn hàng trăm hệ thống dư thừa, M-109 được coi là ứng cử viên sáng giá để hỗ trợ các cuộc tấn công của Ukraine. Nhưng điều khó hiểu là tin tức về hệ thống pháo này gần như không có.
Các chuyên gia cho rằng, M-109 là hệ thống pháo có trọng lượng trung bình, được Mỹ cung cấp nhằm lấp đầy kho dự trữ pháo binh có từ thời Liên Xô của Ukraine. Khi thực hiện nhiệm vụ, M-109 được nhận xét là vũ khí không quá nổi bật. Với trọng lượng 35 tấn, M-109 không phải là loại pháo hạng nặng tầm xa như pháo PzH (Panzerhaubitze) 2000 cỡ nòng 155mm, nặng 55 tấn của Đức, cũng không giống như pháo tự hành CAESAR 155mm nặng 18 tấn do Pháp chế tạo. M-109 dường như là sự pha trộn của học thuyết pháo binh thời Thế chiến 2.
Lựu pháo M-109 là trụ cột của một số chiến lược được thử nghiệm theo thời gian. Khác với PzH 2000, M-109 không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công tầm xa hoặc bắn hạ mục tiêu cách xa 67km. Do có trọng lượng tương đối lớn, nên lựu pháo này chỉ có tốc độ tối đa 56km/giờ, bằng một nửa tốc độ của pháo CAESAR. Tuy vậy, trong trường hợp các lực lượng Ukraine gặp khó khăn với việc vận hành PzH 2000 trên chiến trường, hoặc sử dụng hết pháo CAESAR sẵn có, M-109 sẽ “lấp đầy khoảng trống”.
Lợi thế của hệ thống pháo M-109 nằm ở việc nó có nguồn cung cấp nòng pháo và phụ tùng thay thế dồi dào. Nó đóng vai trò như một sự đánh đổi. Mặc dù cả pháo PzH 2000 và CEASAR đều được Ukraine sử dụng rộng rãi trên chiến trường, nhưng nhờ tốc độ nhanh và khả năng tấn công tầm xa, chúng chịu rất ít tổn thất. Trái lại, tổn thất đối với M-109 lớn hơn nhiều. Người Nga dường như hiểu cách thức Ukraine sử dụng M-109 rõ hơn các loại pháo tiên tiến khác của phương Tây và đã vận dụng sự hiểu biết này để phá hủy khẩu pháo. Theo trang oryxpioenkop.com chuyên theo dõi tổn thất trên chiến trường Ukraine, Nga đã bắn trúng 5 hệ thống M-109 và phá hủy ít nhất 2 hệ thống.
Ngoài M-109, pháo tự hành AHS Krab 155mm do Ba Lan cung cấp cho Ukraine, vốn đảm nhận vai trò tương tự cũng phải hứng chịu tổn thất đáng kể. Ước tính, trong số 18 khẩu mà Kiev sở hữu, có 6 khẩu bị phá hủy.
Mặc dù dàn pháo tự hành hạng trung của Ukraine phải đối mặt với tổn thất nặng nề, nhưng chúng không gây chú ý vì tình trạng hỏng hóc. Trái lại các cỗ pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 của Đức hay Caesar của Pháp không thể chịu được sự khắc nghiệt của cuộc chiến ở Ukraine và đã gặp trục trặc sau quá trình sử dụng liên tục. Hơn nữa, chúng cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu phụ tùng hoặc quy trình bảo trì, bảo dưỡng phức tạp. M-109 là hệ thống pháo cũ, có tuổi đời cao song không gặp phải những vấn đề trên dù tần suất sử dụng của chúng tương đương với những lựu pháo hiện đại.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, những vấn đề nói trên sẽ biến mất khi Ukraine tìm cách vận hành hiệu quả các hệ thống pháo hiện đại của phương Tây. Sự thay đổi này cần thời gian nhưng cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nỗ lực cung cấp phụ tùng thay thế của phương Tây.
Trong tương lai, Kiev có thể sẽ phải suy nghĩ về cách thức kết hợp giữa những hệ thống pháo hiện đại Pzh 2000 với những khẩu pháo già cỗi, nặng nề, đôi khi thiếu chính xác nhưng hoạt động bền bỉ để giành được lợi thế trên chiến trường./.
Từ khóa: xung đột nga ukraine, pháo tự hành M-109, chiến trường ukraine, mỹ cung cấp cho ukraine pháo tự hành M-109, vai trò của pháo tự hành M-109, chiến tranh nga ukraine, thông tin về pháo tự hành M-109, pháo CAESAR, pháo PzH 2000, kho dự trữ pháo của ukraine, sức mạnh của pháo M-109, pháo PzH 2000 gặp trục trặc, lựu pháo phương Tây
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN