Lý do TP.HCM thiếu giáo viên âm nhạc, thể dục, tiếng Anh
Cập nhật: 04/09/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Phát biểu tại họp báo kinh tế-xã hội thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 4/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM rà soát lại, làm sao cho lễ khai giảng gọn gàng và ý nghĩa, gắn với giải quyết một số tồn tại của ngành giáo dục ở mỗi kỳ khai giảng lại được nêu lên, đó là vấn đề thiếu giáo viên.
Trước đó, báo cáo tình hình chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, Thành phố vẫn rất thiếu nguồn tuyển giáo viên âm nhạc và mỹ thuật, vì khi tốt nghiệp, sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM hay Đại học Sài Gòn của hai môn này rất ít chọn đi giảng dạy.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thành phố đã xây dựng kế hoạch từ đầu năm ngoái, như phối hợp với các sở ngành, quận, huyện để có chế độ thu hút giáo viên. Môn tiếng Anh tuy có thiếu nhưng các trường đã cho thỉnh giảng, hợp đồng nên đã sắp xếp được, tuy nhiên về giáo viên mỹ thuật, âm nhạc vẫn không tuyển được dù chỉ tiêu rất nhiều.
“Sở đã làm việc với Đại học Sư phạm, Đại học Sài Gòn để đặt hàng số lượng giáo viên đào tạo nhưng hiện vẫn còn vướng. Bộ giao cho các trường sư phạm ở các lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật, chỉ tiêu rất hạn chế. Hiện nay việc xin chế độ đặc thù vẫn còn vướng một số ý kiến từ các sở, cũng như về chế độ tiền công, tiền lương” – ông Hiếu cho biết.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, để giải quyết căn bệnh "thâm căn cố đế" của ngành giáo dục Thành phố, Sở cần đề xuất chính sách riêng ngay trong năm học này, cụ thể là chính sách đào tạo từ đầu, chính sách thu hút giáo viên giảng dạy, chứ không phải chờ đợi tuyển dụng từ nguồn sinh viên tốt nghiệp.
Về chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học, TP.HCM có thể vận dụng cơ chế mềm, Sở cần nghiên cứu thật kỹ, đề xuất chính sách để giải quyết bài toán thiếu giáo viên giảng dạy cho các môn học này. Trước mắt, có thể phát huy nguồn lực từ lực lượng giáo viên nghỉ hưu còn khỏe, nhân lực chưa là giáo viên, hỗ trợ học sư phạm để dạy mỹ thuật, âm nhạc và các môn ngoại ngữ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Sở giáo dục rà soát lại, cho cơ chế hợp đồng theo giờ, nếu giáo viên chưa có chứng nhận sư phạm thì bàn với Đại học Sư phạm, Đại học Sài Gòn tổ chức dạy trong 6 tháng để cấp chứng nhận.
Bên cạnh đó, phải giải quyết vấn đề thu phí, sử dụng phí ở các trường học. HĐND TP.HCM đã thông qua mức thu, nội dung thu, đề nghị các trường phải làm đúng, minh bạch. Đối với các khoản vận động khác thì phải đáp ứng nhu cầu thiết thực và phải được sự đồng ý của phụ huynh học sinh.
“Chúng ta muốn vận động ngoài cái này nhưng nếu thiết thực và phụ huynh đồng ý thì làm, còn không đồng ý thì không nên làm. Tôi khuyến khích báo chí theo dõi, phản ánh những trường hợp lạm thu, làm không đúng… đưa lên hết để chấn chỉnh và đề nghị Sở phải chỉ đạo sát sao. Đừng để ngành giáo dục bị phản ánh những việc đi ngược lại tôn chỉ, triết lý của chúng ta” – ông Phan Văn Mãi yêu cầu.
Năm học 2024-2025, TP.HCM tăng thêm 24.000 học sinh, đảm bảo 100% học sinh có chỗ học từ trường công lập đến ngoài công lập. Trong công tác xây dựng trường lớp, đến đầu tháng 9 thành phố đưa vào 18 dự án với 776 phòng học mới, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng và cuối năm 2024 dự kiến có thêm 5 dự án nữa với 63 phòng học số vốn đầu tư khoảng 267 tỷ đồng. Năm học mới này, Thành phố đã đầu tư hơn 540 tỷ đồng để nâng cấp nhà vệ sinh, sửa chữa nhỏ và mua sắm thiết bị dạy học.
Từ khóa: thiếu giáo viên, khai giảng,năm học mới,thiếu giáo viên ,TP.HCM,ngành giáo dục,thiếu giáo viên năng khiếu, thiếu giáo viên
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: ngọc xuân/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN