Lý do tiêm kích Su-57 của Nga hoạt động hạn chế ở Ukraine
Cập nhật: 21/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nga cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng trước những đồn đoán liên quan đến việc sử dụng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Phát biểu với báo chí ngày 18/10, Tư lệnh "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine, Tướng Sergei Surovikin cho biết: “Để gia tăng hiệu quả chiến đấu, tôi đặc biệt muốn chọn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57 của Nga. Do mang được nhiều loại vũ khí, chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công các mục tiêu trên không và trên mặt đất trong mỗi lần xuất kích”.
Theo Eurasian Times, Su-57 đang được sử dụng trong cả hai hai trò tấn công không đối không và không đối đất trên chiến trường và đã đạt được hiệu quả nhất định.
Trước đó vào tháng 6/2022, tờ Izvestia đưa tin, Nga đã triển khai 4 chiếc Su-57 cho chiến dịch quân sự đặc biệt và những máy bay này đang được sử dụng để thiết lập mạng lưới thông tin chiến thuật.
Nga đã sử dụng tiêm kích Su-57 trên chiến trường Syria vào năm 2018. Ở thời điểm đó, Hội đồng chuyên gia phụ trách ngành công nghiệp hàng không của Duma Quốc gia Nga cho biết: “Hoạt động triển khai 4 máy bay chiến đấu tại Syria đã cho phép chúng tôi có thêm thông tin về khả năng của Su-57 trong việc phát hiện các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ trong cùng một khu vực hoạt động”.
Vũ khí không đối không
Nhiều nhà quan sát phương Tây cho rằng Su-57 có thể dễ bị radar phát hiện hơn so với các máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ như F-22 Raptor & F-35 Lightning. Nhưng Eurasia Times dẫn nhận định của một số chuyên gia quân sự cho biết, mặt trước của chiến đấu cơ này có khả năng tàng hình rất tốt, dù tính năng này ở mặt bên và phía sau của Su-57 có chút hạn chế.
Điều đó có nghĩa là nếu Su-57 bay cùng độ cao với máy bay cảnh báo sớm E-3 hoặc E-8 AWACS của Mỹ và di chuyển thẳng về phía trước các máy bay này, chúng sẽ rất khó theo dõi Su-57. Các radar trên mặt đất và máy bay cảnh báo sớm AWACS sẽ không dễ dàng phát hiện Su-57 khi nó đang ở chế độ tấn công không đối đất hoặc không đối không. Do đó, Su-57 có thể dễ dàng bay đến phạm vi phù hợp để phóng vũ khí tấn công mục tiêu mà không bị đối phương phát hiện.
Đối với các cuộc không chiến, Su-57 được trang bị tên lửa tầm xa R-37M (RVV-BD), tên lửa tầm trung K-77M cùng hai tên lửa tầm ngắn là R-74M2 và Izdeliye 300M. R-74M2 là phiên bản nâng cấp của R-74 được đặt trong khoang chứa vũ khí bên trong, còn Izdeliye 300M là phiên bản nâng cấp của Izdeliye 300, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và cơ chế chỉnh hướng vector tiên tiến.
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất cứ báo cáo nào về một cuộc cận chiến giữa tiêm kích Su-57 và máy bay chiến đấu của Ukraine, cũng như không có hình ảnh cho thấy Su-57 trong không phận Ukraine. Nếu tiêm kích này tấn công một mục tiêu trên không, nó sẽ phải sử dụng tên lửa K-77M hoặc R-37M.
R-37M nặng 600 kg, dài 4,2m, có thể đạt tốc độ Mach 6 (7.350km/h), có tầm bắn 300 km còn K-77M có tầm bắn 190 km. Cả hai tên lửa đều sử dụng động cơ tên lửa rắn xung kép. Nhờ được tích hợp radar quét mảng điện tử chủ động (AESA), chúng khó bị gây nhiễu và có khả năng khóa mục tiêu tốt hơn, ngay cả với máy bay tàng hình.
Vũ khí không đối đất
Giới quan sát cho rằng, Nga nhiều khả năng chỉ sử dụng những loại tên lửa không đối đất có tầm bắn hạn chế, có thể đặt gọn trong khoang chứa vũ khí bên trong của Su-57 thay vì đặt ở bên ngoài. Bởi việc treo vũ khí ở bên ngoài sẽ khiến Su-57 dễ bị máy bay cảnh báo sớm của đối phương phát hiện.
Trong trường hợp này, các loại vũ khí sử dụng cho Su-57 sẽ bao gồm: tên lửa chống bức xạ Kh-58UshKE, có tầm bắn 245 km và tên lửa hành trình tàng hình Kh-59MK2 (hay còn gọi X-59MKM) có tầm bắn 285 km.
Kh-59MKM hoạt động trên gnuyên tắc “phóng và quên”, được thiết kế để tấn công một loạt các mục tiêu cố định trên mặt đất có tọa độ đã được xác định trước. Nó có thể bay trên bất kỳ địa hình nào, trong bất kỳ mùa nào, chỉ cần dải ánh sáng đạt cường độ đến 105 lux, (để camera nhận biết). Tên lửa bay theo một lộ trình xác định theo điểm tham chiếu, bay bám địa hình. Tốc độ hành trình tối đa là 1050 km/h. Kh-59MKM được cho là có khả năng xuyên thủng lớp bê tông cốt thép dày tới 3 mét.
Tiêm kích Su-57 đã được trang bị công nghệ radar và cảm biến thế hệ mới cho phép chúng thu thập thông tin về mục tiêu và chuyển về cho máy bay chỉ huy trong một mạng lưới hợp nhất. Nhờ được tích hợp hệ thống liên lạc S-111, Su-57 có thể trao đổi dữ liệu với các máy bay khác, các trạm chỉ huy và điều khiển trên mặt đất, trên không hoặc trên biển. Khi hoạt động trên chiến trường, Su-57 có thể phát hiện các radar phòng không của Ukraine và chia sẻ thông tin cho trạm chỉ huy.
Việc Nga triển khai một số vũ khí thế hệ mới như Su-57 ở Ukraine là điều không quá bất ngờ, bởi thử nghiệm thực chiến được coi là một trong những yếu tố giúp xác định điểm mạnh và điểm yếu của vũ khí, từ đó giúp hoàn thiện hơn cả về mặt kỹ thuật lẫn cách thức sử dụng.
Giới phân tích cho rằng, dù từng được triển khai tại Syria, nhưng Nga có lẽ vẫn cần phải thử nghiệm nhiều khả năng của Su-57 trước khi sử dụng tiêm kích này như một trong những vũ khí chính tại Ukraine. Hiện Nga vẫn khá thận trong khi triển khai Su-57 trên chiến trường và hoạt động của tiêm kích này hầu như chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công đơn lẻ hoặc thiết lập mạng lưới thông tin chiến thuật./.
Từ khóa: tiêm kích Su-57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Su-57, nga triển khai Su-57 tại Ukraine, Su-57 hoạt động trên chiến trường Ukraine, chiến dịch quân sự của nga tại ukraine, tính năng của su-57, su-57 tấn công mục tiêu tại ukraine, vũ khí nga, tiêm kích tàng hình thế hệ mới su-57, tên lửa hành trình, tên lửa tầm xa, tên lửa tầm ngắn, nga sử dụng su-57 tại ukraine, mạng lưới thông tin chiến thuật, xung đột nga ukraine, chiến tranh nga ukraine
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN