Lưu ý những lỗi vi phạm giao thông thường gặp và mức phạt

Cập nhật: 01/09/2023

VOV.VN - Những lỗi vi phạm giao thông thường sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Hôm nay, cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9, do đó, lưu lượng người tham gia giao thông tăng cao so với những ngày thông thường. Những cá nhân tham gia giao thông đều đã trang bị những kiến thức cần thiết, đủ để có thể điều khiển phương tiện giao thông.

Tuy nhiên để có thể nắm bắt được các mức phạt, các lỗi đơn giản thì nhiều người chưa nắm rõ. Có thể kể tới một số lỗi phổ biến mà người tham gia giao thông thường hay mắc phải như: lỗi lấn làn xe, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, chất kích thích khi điều khiến các phương tiện tham gia giao thông,…

Luật sư Nguyễn Thị Huế - Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) lưu ý, mỗi người người dân cần chấp hành nghiêm quy định của luật giao thông đường bộ cũng như biết được các mức phạt đối với những lỗi vi phạm có thể mắc phải.

 

Theo Nghị định 100/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì các lỗi mà người tham gia giao thông thường xuyên mắc phải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể như sau:

1. Lỗi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia gia thông

Theo Điều 5-6 của Nghị định 100/2019/ND-CP người tham gia giao thông mà  nồng độ cồn vượt quá 50miligam/100mililít máu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt cụ thể:

- Đối với xe máy: Phạt tiền từ 6 – 8 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.

- Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng. Tước giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.

2. Lỗi không có giấy phép lái xe

Theo Điều 21 của Nghị định số 100/2019/ND-CP người tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe (GPLX) thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức cụ thể:

- Đối với xe ô tô: Không có GPLX hoặc có GPLX nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 tháng trở lên sẽ phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng.

- Đối với xe máy:

+) Đối với xe dưới 175cm3: Không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa sẽ phạt tiền từ 800 – 1.2 triệu đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ.

+) Đối với xe từ 175cm3 trở lên: Không có GPLX, sử dụng GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc tẩy xóa. Sẽ phạt tiền từ 4 – 6 triệu đồng. Đồng thời tịch thu GPLX không hợp lệ.

+) Đối với lỗi không mang GPLX: Phạt từ 100 – 200 nghìn đồng.

+) Đối với lỗi không mang Giấy đăng ký xe: Phạt từ 100 – 200 nghìn đồng.

+) Đối với lỗi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm TNDS của chủ xe: Phạt từ 100 – 200 nghìn đồng.

3. Lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo, hiệu lệnh giao thông

Điều 5 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP người tham gia giao thông mà không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo, hiệu lệnh giao thông thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức cụ thể:

- Đối với xe máy: Khi vượt đèn đỏ hoặc đèn vàng sắp chuyển sang đỏ sẽ bị phạt từ 600 – 1 triệu đồng.

- Đối với ô tô: Khi vượt đèn đỏ hoặc đèn vàng sắp chuyển sang đỏ sẽ bị phạt từ 4 – 6 triệu đồng.

4. Lỗi quá tốc độ

Theo Điều 5, 6 Nghị định 100/2019/ND-CP và Nghị định 123/2021 người tham gia giao thông mà vượt quá tốc độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức cụ thể sau:

- Đối với ô tô:

+) Vượt quá từ 5-10km/h: Xử phạt từ 800 – 1 triệu đồng.

+) Vượt quá từ 10-20km/h: Xử phạt từ 4 – 6 triệu đồng và giữ GPLX 1-3 tháng.

+) Vượt quá từ 20-35km/h: Xử phạt từ 6 – 8 triệu đồng và giữ GPLX 2-4 tháng.

+) Vượt quá 35km/h: Xử phạt từ 10 – 12 triệu đồng và giữ GPLX 2-4 tháng.

- Đối với xe máy:

+) Vượt quá từ 5 đến dưới 10km/h: Xử phạt từ 300 – 400 nghìn đồng.

+) Vượt quá từ 10-20km/h: Xử phạt từ 800 – 1 triệu đồng và giữ GPLX 1-3 tháng.

+) Vượt quá từ 20km/h trở lên: Xử phạt từ 4 – 5 triệu đồng và giữ GPLX 2-4 tháng.

5. Lỗi điều khiển xe khi chưa đủ tuổi:

Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 100/2021/ND-CP người tham gia giao thông mà chưa đủ tuổi điều khiển xe có thể bị xử phạt theo quy định hành chính như sau:

- Điều khiển xe máy khi chưa đủ 16 tuổi: Phạt cảnh cáo.

- Từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô từ 50cm3 trở lên: Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

6. Lỗi không đội mũ bảo hiểm

Theo khoản 3 Điều 6 và khoản 3 Điều 11 Nghị định 123/2021/NĐ-CP người tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm có thể bị xử phạt hành chính theo quy định như sau:

- Lỗi điều khiển xe máy không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy": Phạt tiền từ 200.000 –300.000 đồng.

- Chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mà cài quai không đúng quy cách: Phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng.

7. Lỗi chở quá số người quy định

Theo Điều 6 và Điều 23 Nghị định 123/2021/NĐ-CP người tham gia giao thông mà chở quá số người quy định có thể bị xử phạt hành chính với những mức cụ thể như sau:

- Người điều khiển xe máy chỉ được chở theo 01 người trên xe. Nếu chở theo 02 người trên xe sẽ bị phạt từ 200.000 đồng – 300.000 đồng; nếu chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi hoặc áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật thì không bị xử phạt.

- Chở theo 3 người trở lên trên xe: Phạt từ 400.000 – 600.000 đồng.

Nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 là một trong những kỳ nghỉ dài trong năm, để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, mỗi cá nhân cần phải trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về Luật giao thông đường bộ cũng như cần ý thức được trách nhiệm của bản thân để bảo đảm an toàn cho cả chính mình và những người xung quanh khi tham gia giao thông.

Từ khóa: giao thông, vi phạm giao thông, quốc khánh, tết độc lập, 2/9

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: ctv vững nguyễn/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập