Lùi thời gian trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai
Cập nhật: 25/09/2019
Chính phủ trình lên Quốc hội đề nghị rút Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình năm 2019 và sẽ trình sau năm 2020.
Theo Nghị quyết số 57/2018/QH14, Dự án sửa đổi Luật Đất đai này thuộc Chương trình năm 2019 (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8). Tuy nhiên, trong tờ trình vừa gửi lên Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị rút dự án luật này ra khỏi Chương trình năm 2019.
Chính phủ cho biết, hiện nội dung còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề: đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn…Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi Luật, trình Chính phủ sau năm 2020.
Luật Đất đai năm 2013 dù mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014 nhưng từ cuối năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi. Đây là một trong số những dự án nhận được sự quan tâm của người dân và giới chuyên môn.
Những dãy nhà cấp 4 tạm bợ của người dân trong khu vực dự án "treo" khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội). |
Những bất cập trong các quy định về giải phóng mặt bằng trong Luật Đất đai cũng là nguyên nhân gây ra điểm nóng về khiếu kiện đông người, kéo dài như tại Thủ Thiêm, Ecopark… Hay là “kẽ hở” trong Luật Đất đai để những nhóm lợi ích gây ra hàng loạt sai phạm như trong các vụ án Vũ "nhôm", Út "trọc"…
Theo GS Đặng Hùng Võ, dù mới có hiệu lực thi hành hơn 5 năm nay nhưng Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những khoảng trống pháp lý khá lớn: Cơ chế thực hiện các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) đang chưa chặt chẽ, khoảng cách giữa giá thị trường và khung giá đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước, phân định giữa dự án do Nhà nước thu hồi giải phóng mặt bằng và dự án thoả thuận giải phóng mặt bằng, cơ chế xử lý dự án treo… Các vấn đề này cần được nhìn nhận, xem xét lại một cách thấu đáo.
“Trong Luật Đất đai 2013 không có quy định nào về định giá tài sản, cũng như định giá hạ tầng để đổi đất. Về dự án BT, chỉ quy định thẩm quyền ai là người giao đất cho các dự án BT (đó là UBND cấp tỉnh) nhưng không quy định về định giá. Đây là khoảng trống pháp luật rất lớn của Luật Đất đai 2013 đối với dự án BT” - GS Đặng Hùng Võ nêu ví dụ.
Ngoài ra, nhóm chính sách của Luật Đất đai cần sửa đổi là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là công cụ quan trong để quản lý, khai thác, sử dụng một cách bền vững tài nguyên và tài sản đất đai. Chính sách về người sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giải quyết tranh chấp đất đai... cũng là những nội dung sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận./.
Từ khóa: Luật Đất đai, sửa đổi Luật Đất đai, giải phóng mặt bằng, dự án BT, Đặng Hùng Võ,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN