Luật pháp đủ cứng rắn để giải quyết vấn đề lái xe có hơi men?

Cập nhật: 16/07/2023

VOV.VN - Trước những vụ tai nạn nghiêm trọng do lái xe uống rượu bia gây tử vong gần đây, nhiều người dân Singapore đặt câu hỏi liệu luật pháp đã đầy đủ và có sức răn đe để giải quyết tận gốc vấn đề lái xe khi đã uống rượu bia hay chưa.

“Lúc ấy khoảng 5h30 sáng, tôi và con trai đang đi tập thể dục thì thấy chiếc xe màu trắng lao rất nhanh và đâm vào một cửa hàng. Sau đó ngọn lửa bùng lên, tiếng nổ bốp bốp. Có mấy thanh niên trong xe bị ngọn lửa bao trùm toàn thân. Thật sự sợ hãi”, ông Song Seng Wun, nhân chứng trong vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra ở Tanjong Pagar khiến 5 người thiệt mạng nhớ lại. Đáng chú ý, khám nghiệm tử thi cho thấy người lái xe có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định.

Vào tháng trước, một tài xế chiếc xe Mini Cooper say rượu đâm từ phí sau một người giao đồ ăn đang dừng xe đã bị kết án 18 tháng tù giam và cấm lái xe 10 năm.

Số liệu thống kê do cảnh sát giao thông cung cấp mới đây cho thấy số vụ tai nạn do uống rượu lái xe gây tử vong hoặc thương tích tăng lên trong ba năm qua.

Cụ thể, có 146 trường hợp gây thương vong vào năm 2020, 155 vào năm 2021 và 175 vào năm 2022. Số vụ vi phạm tăng từ 1.470 vào năm 2021 lên 1.703 vào năm 2022. Đây là mức cao nhất trong ba năm kể từ năm 2020, khi những vi phạm như vậy là 1.576.

Những con số này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu luật pháp của Singapore đã đầy đủ để giải quyết tình trạng lái xe uống rượu gây tai nạn hay không.

Theo Luật Giao thông đường bộ, uống rượu rồi lái xe có thể bị phạt tù lên tới 12 tháng, phạt tiền từ 2.000 đến 10.000 đô la Singapore (khoảng 35 triệu VNĐ đến 174 triệu VNĐ) hoặc cả hai đối với người vi phạm lần đầu.

Người vi phạm cũng sẽ bị cấm lái xe trong ít nhất hai năm.

Những người tái phạm phải đối mặt với án tù lên đến 2 năm, phạt tiền từ 5.000 đến 20.000 đô la Singapore và cấm lái xe 5 năm.

Luật sư A Meenakshi, thuộc công ty Luật IRB Law, cho biết hình phạt đối với lái xe khi uống rượu bia đã nghiêm khắc hơn trong những năm qua.

Trước ý kiến cho rằng hình phạt dành cho các tài xế uống rượu còn chưa đủ sức răn đe, bà Meenakshi cho biết đó là một "quan niệm sai lầm phổ biến" khi cho rằng các mức phạt quá nhẹ. Bà nói: “Các luật hiện hành quy định đầy đủ các hình phạt tương xứng với mức độ nghiêm trọng của tội phạm liên quan”.

Người lái xe uống rượu gây tử vong sẽ không chỉ phải đối mặt với cáo buộc lái xe khi uống rượu mà còn bị buộc tội lái xe nguy hiểm hoặc lái xe mà không cẩn thận hoặc cân nhắc hợp lý.

Ngoài ra, họ sẽ bị coi là "người vi phạm nghiêm trọng" theo định nghĩa của Đạo luật Giao thông Đường bộ, có nghĩa là họ phải đối mặt với các hình phạt tăng cường.

Bà Meenakshi cho biết hình phạt đối với hành vi lái xe nguy hiểm trong khi say rượu dẫn đến tử vong có thể nặng hơn so với hành vi bất cẩn gây ra cái chết. Thời hạn tù tối đa cho tội gây ra cái chết do hành động bất cẩn là 5 năm, trong khi người lái xe uống rượu gây ra cái chết có thể phải ngồi tù tới 10 năm trong một số trường hợp nhất định.

Bên cạnh đó, theo ông Daniel Goh Choon Wah Giám đốc điều hành của Characterist LLC, công ty luật hiện có khối lượng công việc đáng kể liên quan đến công việc bảo hiểm xe cơ giới, cho biết trong hầu hết các trường hợp, hợp đồng bảo hiểm quy định rằng uống rượu lái xe là cơ sở để từ chối trách nhiệm bảo hiểm.

Điều này có nghĩa là các công ty bảo hiểm có thể từ chối yêu cầu bồi thường.

Bà Meenakshi cho biết thêm trong trường hợp như vậy, bất kỳ yêu cầu bồi thường nào của bên bị hại sẽ thuộc về người lái xe. Sau đó, khi những tài xế say rượu này muốn gia hạn hợp đồng bảo hiểm, họ có thể phải trả phí bảo hiểm cao hơn hoặc trong một số trường hợp, công ty bảo hiểm có thể từ chối cung cấp dịch vụ.

Theo ông Goh, việc vẫn xảy ra những trường hợp say rượu lái xe gây tai nạn cho thấy luật pháp dù nghiêm khắc thì cũng chỉ có thể tác động đến một giới hạn nào đó, không phải yếu tố quyết định cuối cùng. 

Đồng quan điểm, một nhân viên điều tra cho biết: “Những người vi phạm khi được hỏi vì sao vẫn quyết định lái xe sau khi uống rượu thì thường trả lời rằng họ nhận thấy mình đủ tỉnh táo để lái xe. Họ uống vài chai bia và họ vẫn cảm thấy ổn, điểm đến cũng không quá xa.”.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là những người lái xe uống rượu có thể rơi vào tình huống mà họ nghĩ rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lái xe về nhà hoặc để phương tiện của họ mắc kẹt ở nơi mà họ uống rượu.

Đương nhiên, đây không thể là cái cớ hay sự biện minh cho hành vi phạm tội, nhưng có lẽ giải pháp không nằm ở luật hà khắc hơn mà nằm ở việc nhận thức rõ hơn về các lựa chọn thay thế cho việc lái xe sau khi uống rượu.

Còn tại Việt Nam, vào ngày 2/7 vừa qua, khi tuần tra kiểm soát trên tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ - Cao Bồ - Mai Sơn – Quốc lộ 45, lực lượng CSGT đã phát hiện một tài xế điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, 0,999 mg/lít khí thở.

Đáng nói, phân trần với CSGT, lái xe cho biết, trước đó về nhà bố vợ chơi và có ở lại ăn cơm, do bị nhiều người ép, ngại từ chối nên có uống rượu.

Tổ công tác sau đó đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe và niêm phong tạm giữ phương tiện.

Theo quy định xử phạt về vi phạm nồng độ cồn trong máu, nồng độ cồn trong hơi thở được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với mức vi phạm trên, lái xe sẽ bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 22 - 24 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày.

Không những vậy, nếu trường hợp lái xe gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với hình phạt có thể tới 10 năm tù.

Tuy nhiên, dù chế tài pháp luật nghiêm khắc, giải pháp cốt lõi để ngăn chặn các hành vi sai trái vẫn là từ nhận thức và ý thức của mỗi người.

Từ khóa: luật pháp, lái xe uống rượu, uống rượu lái xe, lái xe gây tai nạn, nồng độ cồn

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: hoàng anh/vov-giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập