Luật Lao động sửa đổi: Tăng giờ làm thêm, tiền lương cũng cần tăng lũy tiến

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Nhiều ý kiến cho rằng, trả lương làm thêm cần tăng lũy tiến theo số giờ làm thêm nhằm hạn chế người sử dụng lao động khai thác cạn kiệt sức lao động.

Nên “siết chặt” hay “nới lỏng” giờ làm thêm của người lao động trong khi mức lương không đủ đảm bảo nhu cầu cuộc sống? Khống chế giờ làm thêm như thế nào để doanh nghiệp không bóc lột sức lao động của công nhân? Đó là một trong những nội dung trọng tâm được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) trong sáng 16/7. Chương trình do Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức.

luat lao dong sua doi: tang gio lam them, tien luong cung can tang luy tien hinh 1
Việc tăng giờ làm thêm đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận. (Ảnh mnh họa, nguồn: KT)

Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn, Công ty TNHH Hansae Việt Nam (huyện Củ Chi), hầu hết người lao động đều muốn tăng giờ làm thêm để đảm bảo thu nhập cho cuộc sống. Tuy nhiên, việc sửa đổi theo hướng tăng giờ làm thêm tối đa 400 giờ/năm, (tăng 100 giờ so với Bộ luật hiện hành) là không hợp lý. Bởi vì nhiều doanh nghiệp sẽ dồn thời gian làm thêm vào thời điểm nhất định trong năm, khiến cho sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy không cần quan tâm làm thêm tối đa trong năm mà cần giới hạn thời gian làm thêm tối đa trong tuần, cụ thể là dao động từ 10 – 12 tiếng mỗi tuần.

Nội dung này cũng nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của các chủ tịch công đoàn, đại diện cho người lao động ở các doanh nghiệp khác nhau. Các đại biểu nhận định, làm tăng ca là nhu cầu từ các doanh nghiệp do đơn hàng không thực hiện kịp để đáp ứng yêu cầu của đối tác, chứ không xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Vì vậy mà cần khống chế thời gian làm thêm trong tuần để đảm bảo hồi phục năng lượng, đảm bảo ổn định sức khỏe cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Phê, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Domex, Khu chế xuất Linh Trung 1, quận Thủ Đức cho rằng, việc quy định giờ làm thêm tối đa trong năm sẽ bất lợi vì cả người lao động và tổ chức công đoàn không thể giám sát được. Vì vậy, cần phải quy định theo giờ 12 tiếng mỗi tuần để có thể theo dõi quá trình làm thêm của công nhân.

Đồng quan điểm quy định giờ làm thêm trong tuần, ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam cho rằng việc trả lương làm thêm phải tăng theo lũy tiến, nhằm hạn chế người sử dụng lao động tận dụng khai thác sức lao động tối đa, cạn kiệt sức của người lao động. Từ đó người lao động có tăng thêm thu nhập, mới có đủ điều kiện về tiền để trang trải vật chất, tái tạo sức lao động được.

"Tăng giờ làm thêm thì người lao động cần phải được tăng tiền lũy tiến. Ví dụ người lao động làm thêm 2 giờ trong ngày thường thì tăng lên 150%, còn nếu làm thêm 4 giờ thì 2 giờ sau đó phải tăng thêm 200% trong ngày làm thường, và những ngày nghỉ lễ, tết thì cũng tăng mức độ như vậy", ông Đạt đề xuất./.

Từ khóa: luật lao động sửa đổi, giờ làm thêm, siết chặt hay nới lỏng giờ làm thêm, doanh nghiệp,

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập