Luật hóa mua bán thuốc onlnie là cần thiết
Cập nhật: 2 giờ trước
Khai trương tủ sách EVNNPC "Năng lượng từ tri thức"
Đưa điện lưới quốc gia về khu tái định cư Làng Nủ sớm hơn 45 ngày
VOV.VN - Một trong những điểm mới của Luật Dược (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là quy định về mua bán thuốc online (trực tuyến). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay việc mua bán thuốc trực tuyến đã và đang diễn ra phổ biến, vấn đề đặt ra là cần có biện pháp hữu hiệu để đưa hoạt động này vào khuôn khổ pháp luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc mua thuốc kê đơn qua mạng mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi các hiệu thuốc không phải lúc nào cũng có sẵn thuốc. Bên cạnh đó, việc mua thuốc online có thể giúp người dân tiết kiệm chi phí. Các cửa hàng thuốc trực tuyến thường có giá cả cạnh tranh hơn do giảm thiểu chi phí thuê mặt bằng, nhân viên và các chỉ phí phụ trợ khác.
Trong các phiên thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nên có những quy định cụ thể để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với thuốc chữa bệnh, chứ không theo kiểu “không quản được thì cấm”. Nếu việc bán thuốc kê đơn qua mạng được quản lý chặt chẽ, có thể giúp người tiêu dùng tiếp cận các loại thuốc chất lượng từ các nguồn đáng tin cậy.
Người dùng cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin về thuốc và các đánh giá của người dùng khác trước khi quyết định mua. Tuy vậy, cần phân biệt rõ ràng giữa việc bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động Livestream bán thuốc tự phát của các cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc luật hóa để quản lý bán thuốc online là cần thiết, nhằm tránh tình trạng bán “chui”, càng khó kiểm soát.
Ngày 15/11, Truyền hình Quốc hội Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Mua bán thuốc online - Nên hay không?”, Tọa đàm có sự tham gia thảo luận của các vị khách mời: Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Vũ Thái Hà - Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (Worldbank) về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (telemedicine) và bà Lê Thị Hà - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương).
Tại cuộc tọa đàm, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: “Kết quả khảo sát ý kiến người dân bằng khảo sát trên các phương tiện truyền thông cho thấy, đa số người dân đều đồng tình với việc mua thuốc online. Đây là xu hướng tất yếu. Việc mua bán thuốc online đã diễn ra rất phổ biến.
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, vì vậy quản lý chất lượng và quản lý việc mua bán để đảm bảo an toàn cho người sử dụng là hết sức quan trọng. Việc đưa nội dung mua bán online vào Luật Dược sửa đổi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hiện nay”.
Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, Bộ Y tế đã ban hành danh mục thuốc kê đơn và không kê đơn; trong đó có tới hơn 80% là thuốc phải kê đơn. Số lượng các thuốc kê đơn rất lớn, nên nếu không quy định chặt chẽ sẽ có nhiều khó khăn khi người dân mong muốn mua được thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử.
“Dự thảo Luật sửa đổi lần này của Luật dược đã quy định việc bán lẻ trên sàn thương mại điện tử chỉ có thuốc không kê đơn, còn thuốc bán buôn mới được áp dụng với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc. Như vậy, trên sàn thương mại điện tử sẽ có hai hình thức kinh doanh thuốc bán lẻ và bán buôn. Thuốc được bán lẻ là thuốc bán trực tiếp cho người tiêu dùng; thuốc bán buôn là thuốc được bán cho cơ sở kinh doanh hợp pháp để kinh doanh dược phẩm”- bà Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm.
Theo ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, Thành viên Nhóm Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về Ứng dụng Khám chữa bệnh từ xa (Telemedicine), việc kinh doanh thuốc online cũng là đồng bộ với việc ứng dụng công nghệ trong y tế, nhất là khám chữa bệnh từ xa. Người bệnh không thể đang “online” khi khám bệnh lại “offline” để mua thuốc. Xét về góc nhìn ứng dụng công nghệ, ngay cả thuốc kê đơn cũng cần từng bước được cho phép kinh doanh trực tuyến. Vấn đề nằm ở chỗ cần có giải pháp để liên thông hệ thống kê đơn thuốc điện tử quốc gia để kiểm soát. Khi đó sẽ không làm bó hẹp khả năng tiếp cận thuốc của người dân.
Cũng có ý kiến cho rằng để công tác quản lý kinh doanh thương mại điện tử dược có hiệu quả và đáp ứng được thực tế khám chữa bệnh hiện nay, Luật Dược mới không nên chốt cứng các quy định về những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ thuộc nhóm không được bán trực tuyến, chỉ được bán thuốc thuộc danh mục không kê đơn.
Bởi lẽ, mỗi lần ban hành Luật sẽ áp dụng trong thời gian dài, rất khó sửa đổi bổ sung, có thể không đáp ứng được tình hình thực tế, không thể kịp thời phục vụ tốt cho đời sống người dân. Những vấn quy định chi tiết có thể đưa vào nghị định, thông tư dưới luật và cơ quan chức năng sẽ ban hành danh mục hoạt chất nào được phép bán hoặc cấm bán. Khi đó, bất cứ thuốc dù có tên thương mại nào nhưng nằm trong danh mục hoạt chất cấm bán thì vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật.
Từ khóa: mua bán thuốc onlnie, mua bán thuốc onlnie, mua bán thuốc, Luật Dược sửa đổi, Luật Dược, Kỳ họp quốc hội thứ 8
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: ctv an nhi/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN