Luật Dầu khí sửa đổi đang dần gỡ khó cho ngành dầu khí

Cập nhật: 18/09/2022

VOV.VN - “Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản tốt hơn so với luật hiện hành. Chúng tôi hy vọng sẽ thu hút được các dự án đầu tư mới”.

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) qua nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới.

Cần “chiếc áo” rộng hơn

Luật Dầu khí hiện hành được ban hành ngày 6/7/1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí. Tuy vậy, thực tế sau thời gian dài cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ vì đây vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế biển, đóng góp cho đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Chính vì vậy, Luật Dầu khí (sửa đổi) sắp được Quốc hội khoá XV xem xét thông qua tới đây là có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Ông Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, ngành dầu khí của nước ta đến nay đã phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ đến kinh doanh và chế biến ra các cái sản phẩm có giá trị cao. Chuỗi giá trị công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh như vậy không phải nước nào cũng có.

Với nhiều yếu tố mới phát sinh, Luật hiện hành đã giảm đi phần nào tác dụng hỗ trợ khiến ngành công nghiệp dầu khí đối diện với những khó khăn, thách thức. Nhận biết được điều này, vừa qua Đảng và Nhà nước thấy cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để đảm bảo cho sự phát triển của ngành dầu khí cũng như tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ngành đang gặp phải.

Cũng theo ông Pham Minh Quốc Bình, tiềm năng dầu khí ngày càng hạn chế, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí hàng năm không đảm bảo bù cho sản lượng dầu khí khai thác. Trong khi đó, hầu hết các mỏ dầu khí khai thác ở trong nước đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng và dần cạn kiệt (Bạch Hổ, Lan Tây, Lan Đỏ,…).

“Luật Dầu khí sửa đổi đáp ứng nhiều điều kiện quan trọng với mục tiêu tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp phat triển, đóng góp sự phát triển của đất nước” – ông Bình nói, đồng thời dẫn chứng hiện nay nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đang có những cơ chế, chính sách tạo sự thu hút đầu tư hiệu quả.

Cơ sở pháp lý dần rõ ràng hơn

Cho rằng còn thiếu cơ sở pháp lý cho các hình thức vận hành, điều hành Lô dầu khí tận thu, mỏ nhỏ, mỏ cận biên, ông Lê Đắc Hoá - Giám đốc dự án Lô 01, 02 (Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác Dầu khí) cũng cho rằng, thực tế đặt ra yêu cầu bổ sung các quy định để đa dạng hóa hình thức hợp đồng dầu khí theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi cho Nhà nước và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, theo ông Hoá, trong 5 năm qua, có những thời điểm giá dầu thế giới xuống thấp kỷ lục (Q2-2020) gây khó khăn rất lớn cho ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Trong giai đoạn thế giới rất nhiều biến động như hiện nay và những thập kỷ tới cùng với xu hướng chuyển dịch nguồn năng lượng từ hóa thạch sang “xanh” đang ngày càng hiện rõ, luật cũng cần cân nhắc đến các cơ chế, nguyên tắc, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư, nhất là ở những thời điểm giá dầu sụt giảm, để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên cùng vượt qua khó khăn, nhằm tới mục tiêu khai thác kịp thời và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.

“Thực sự dự thảo luật đã tốt hơn nhiều, mà cái tốt nhất với chúng tôi là đã rõ hơn thủ tục hành chính, vì hiện nhiều dự án không thể triển khai” – ông Hoàng Ngọc Trung, Phó TGĐ Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) cho biết, vì có dự án triển khai hiệu quả nhưng thủ tục hoàn thiện hồ sơ thì phức tạp.

Cũng theo ông Trung, yếu tố thu hút nhà đầu tư dựa trên đánh giá về tiềm năng dầu khí và sự khuyến khích từ hệ thống quy định của pháp luật. Trong bối cảnh chúng ta cần khai thác hiệu quả tài nguyên hiện có cũng như tìm kiếm, thăm dò để phát hiện tiềm năng mới vì sản lượng khai thác đang trong xu hướng giảm thì rõ ràng cần cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

“Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành. Chúng tôi có niềm tin những dự án đang làm có thể tiến hành được, các dự án tận thu cũng có cơ sở triển khai, và hy vọng rằng làn sóng đầu tư mới sẽ thu hút được các dự án đầu tư mới” – ông Hoàng Ngọc Trung bày tỏ, đồng thời cho rằng việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành dầu khí Việt Nam nói riêng và an ninh năng lượng nói chung./.

Từ khóa: Luật Dầu khí sửa đổi, điểm mới của Luật dầu khí, chính sách mới trong Luật Dầu khí, Quốc hội thông qua Luật Dầu khí sửa đổi, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập