Luật Đất đai 2024 tạo cơ sở pháp lý phát triển kinh tế dưới tán rừng Tây Nguyên
Cập nhật: 12/11/2024
VOV.VN - Nhiều năm qua, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng ở Tây Nguyên rất hạn chế vì vướng các quy định pháp luật, dù khu vực này có diện tích gần 2,6 triệu ha rừng. Luật Đất đai 2024 với các điều khoản tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương tháo gỡ khó khăn, mở ra hướng khai thác phát triển kinh tế bền vững dưới tán rừng.
Tỉnh Kon Tum quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh gần 32.000ha ở hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (khoảng 17.000ha vùng trồng chính và 15.000ha vùng đệm). Ông Hồ Công Vũ, Phó trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, trước đây, việc phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguyên nhân là vì hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh nằm trong khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, không cho phép tác động theo các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, lâm nghiệp.
Theo ông Hồ Công Vũ, vướng mắc này đã được Luật Đất đai 2024 tháo gỡ, tạo cơ sở pháp lý để người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh.
“Tỉnh Kon Tum đã nhiều lần kiến nghị với Trung ương thì vừa rồi, Điều 248 Luật Đất đai 2024 đã cho phép trồng dược liệu dưới tán rừng đặc dụng. Chính phủ đang dự kiến ban hành Nghị định về phát triển dược liệu dưới tán rừng, Nghị định này đã sửa đổi, lấy ý kiến lần thứ 3. Cơ sở pháp lý để người dân trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng nói chung, rừng đặc dụng nói riêng là đủ cơ sở” - ông Vũ cho biết.
Tại tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Luật Đất đai 2024 đã tạo cơ sở pháp lý, mở ra cơ hội để tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế trên diện tích 254.000ha rừng, chiếm gần 40% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Những quy định mới về định giá và cho thuê rừng sẽ giúp quản lý hiệu quả tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên và rừng phòng hộ khi phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Tỉnh Đắk Nông đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các huyện triển khai quyết liệt các nhiệm vụ để sớm đưa Luật Đất đai 2024 vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách cũng như lâu dài của địa phương.
“Luật Đất đai là sự mong đợi rất lớn của người dân cả nước trong đó có Đắk Nông. Luật có những sửa đổi rất hay, đi vào cuộc sống thực tế. Đây là cơ hội cho Đắk Nông, Tây Nguyên, người dân phát triển kinh tế nhất là liên quan đất đai nông lâm nghiệp” - ông Hồ Văn Mười cho biết.
5 tỉnh Tây Nguyên có gần 2,6 triệu ha rừng, trong đó khoảng 2,2 triệu ha là rừng tự nhiên. Luật Đất đai 2024 được người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương đánh giá rất cao trong việc tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển kinh tế trên đất lâm nghiệp, nhất là phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên, rừng đặc dụng. Hàng triệu ha được khơi thông sẽ nguồn lực rất lớn để các tỉnh Tây Nguyên phát triển.
Từ khóa: sâm ngọc linh, Luật Đất đai 2024, phát triển kinh tế dưới tán rừng Tây Nguyên, phát triển kinh tế rừng, tây nguyên, sâm ngọc linh
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: công bắc/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN