Lừa đảo thương mại có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh

Cập nhật: 18/01/2024

VOV.VN - Tình trạng lừa đảo thương mại tạo nên rủi ro trong giao dịch quốc tế không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín và mức độ rủi ro thấp.

Hành vi lừa đảo thương mại thời gian qua đã được Bộ Công Thương nhiều lần cảnh báo các DN Việt Nam, nhất là khi giao dịch với các đối tác nước ngoài cần thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán. Tuy nhiên, vẫn có không ít DN xuất, nhập khẩu của Việt Nam đã phải đối diện với tình trạng bị lừa gạt, chịu thiệt hại về tài sản, hàng hóa.

Xuất khẩu và nhập khẩu đều là nạn nhân

Lừa đảo thương mại không chỉ diễn ra ở khu vực Trung Đông, châu Phi mà ngày càng phổ biến và diễn ra ngay cả tại các thị trường lớn, có uy tín, mức độ rủi ro thấp như Mỹ, châu Âu... Đơn cử như một số DN Việt Nam trong năm 2023 xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang UAE gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều. Tuy nhiên, các công ty này cho biết các giao dịch có dấu hiệu gian lận thương mại từ cùng 1 người mua hàng và cùng 1 ngân hàng có trụ sở tại Dubai, UAE. Trước đó cùng năm, đã từng có 4 container hoa hồi xuất khẩu trị giá 400.000 USD bị mất trắng tại cảng Jebel Ali của UAE.

Đánh giá về rủi ro trong các giao dịch thương mại quốc tế, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada - bà Trần Thu Quỳnh cho biết, thời gian qua, các vụ lừa đảo thương mại thường có quy mô nhỏ nhưng mật độ tăng rất nhanh. Mặc dù Thương vụ đã không ít lần cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam qua nhiều kênh thông tin khác nhau, nhưng số vụ lừa đảo vẫn không hề giảm.

“Trung bình mỗi tháng Thương vụ tiếp nhận khoảng 10 vụ việc. Theo quan sát, do đang "khát" đơn hàng nên khi nhận được lời đề nghị từ nước ngoài, nhất là từ thị trường tin cậy như Canada, các DN Việt Nam có xu hướng chủ quan, dẫn tới sơ hở khi tiếp cận cũng như soạn thảo hợp đồng”, bà Quỳnh nhìn nhận.

Thông tin từ bà Dương Phương Thảo, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Italy cho thấy, tình trạng lừa đảo thương mại diễn ra nhiều hình thức cả xuất khẩu và nhập khẩu. Song hình thức phổ biến nhất là người mua phối hợp với đối tượng lừa đảo làm giả chứng từ, chiếm đoạt giấy tờ gốc để chiếm đoạt hàng. Hoặc DN Việt Nam mua hàng đã đặt cọc nhưng đối tác không giao hàng; công ty đối tác không giao hàng hoặc giao hàng không đạt tiêu chuẩn; hợp đồng ký cực kỳ sơ sài, đối tác không tuân thủ điều khoản…

Phân tích thực trạng gia tăng hành vi lừa đảo trong giao dịch với đối tác nước ngoài, ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các vụ lừa đảo và tranh chấp giao dịch DN thường phải đối mặt là do không có điều kiện kiểm tra kỹ lưỡng về đối tác. Điều đáng ngại hơn là các DN Việt Nam đã lựa chọn phương thức thanh toán chưa phù hợp, xuất phát từ những gài cắm đầy tính toán từ đối tác trong hợp đồng, trong khi DN Việt Nam vốn chưa có nhiều kinh nghiệm để có thể phát hiện ra.

Bên cạnh đó, dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đứng hàng đầu thế giới, nhưng đa phần các DN Việt Nam lại là các DN nhỏ và vừa, rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Hơn nữa, DN Việt Nam đã quá tin tưởng vào người môi giới.

“Nhiều hợp đồng do người môi giới soạn thảo rất đơn giản, thiếu nhiều điều khoản quan trọng nhưng DN Việt Nam vẫn chấp nhận. Đáng e ngại hơn, các DN cũng đã bỏ qua khâu kiểm tra đối tác, trong khi đây là một yêu cầu bắt buộc khi giao dịch với đối tác mới nên DN không nhận biết được những dấu hiệu rủi ro”, ông Chiến nêu.

Chú trọng nhận thức pháp lý trong giao dịch thương mại quốc tế

Để hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhiều lần cảnh báo các DN Việt Nam khi giao dịch với các đối tác nước ngoài cần phải thận trọng và đàm phán kỹ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất. Các DN nên trao đổi với đơn vị tư vấn để hiểu rõ, nắm vững nội dung các điều khoản của hợp đồng, nghĩa vụ của mỗi bên, những trường hợp miễn trừ trách nhiệm, quy định về xử lý tranh chấp, bồi thường...

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt, cập nhật, chia sẻ các tình huống gian lận, lừa đảo thương mại. Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường và các đơn vị liên quan để cung cấp hiệp hội, DN tham khảo, đúc rút kinh nghiệm.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Thị trường ngoài nước, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với hệ thống thương vụ hướng dẫn và hỗ trợ tối đa các hiệp hội, DN trong xử lý các vấn đề tranh chấp thương mại, lừa đảo.

Đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cũng khuyến nghị các DN khi soạn thảo hợp đồng thương mại cần chặt chẽ; cân nhắc sử dụng công ty tư vấn chuyên ngành để bảo đảm an toàn trong giao dịch. Liên quan đến hoạt động môi giới, khi DN ký hợp đồng với môi giới cần làm rõ điều khoản về chi phí thu hồi tiền hàng, trách nhiệm xác định danh tính của người mua. Tuyệt đối không nên sử dụng hợp đồng môi giới soạn sẵn hoặc do bên môi giới cung cấp.

Từ khóa: lừa đảo thương mại, lừa đảo thương mại

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập