Lừa đảo chuyển tiền: Thủ đoạn cũ nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy

Cập nhật: 03/08/2023

VOV.VN - Lừa đảo chuyển tiền qua số tài khoản ngân hàng là thủ đoạn không mới nhưng rất nhiều người đã trở thành nạn nhân. Nhiều vụ được nhân viên ngân hàng phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Nhắm tới người vùng nông thôn

Các đối tượng lừa đảo nhắm vào người lớn tuổi, những người ở vùng nông thôn, nhẹ dạ cả tin để lừa chuyển tiền hòng chiếm đoạt tài sản. Thông qua giao dịch chuyển tiền, nhiều cán bộ, giao dịch viên ngân hàng đã kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý.

Giữa tháng 5 vừa qua, ông Trần Văn A, ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đến Phòng Giao dịch Chợ Trạm, Chi nhánh Agribank huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để rút 50 triệu đồng từ sổ tiết kiệm. Sau đó ông A. đề nghị chuyển tiền cho người nhận tên Nguyễn Hồng Minh, có số tài khoản mở tại thành phố Hà Nội.

Giao dịch viên tại đây nhận thấy sự việc có dấu hiệu khách hàng bị lừa đảo chuyển tiền. Giao dịch viên đã hỏi khách hàng nhiều câu hỏi như "Bác chuyển tiền cho ai, bác có quen không...", ông A. trả lời ấp úng rằng "chuyển tiền cho người ở Hà Nội để giải quyết việc liên quan...".

Các cán bộ, nhân viên ở Phòng giao dịch đã giải thích, phân tích rõ và khẳng định rằng khách hàng bị lừa đảo... Mặt khác, cán bộ ngân hàng cũng đề nghị ông A. liên lạc với đầu bên kia để xác thực. Tuy nhiên, nhận thấy hành vi lừa đảo bị bại lộ, đối tượng ở đầu dây bên kia đã chặn số điện thoại liên lạc. Lúc này, ông A. mới hốt hoảng, suýt nữa thì số tiền mà ông tích cóp, dành dụm bao nhiêu năm bị kẻ gian lấy mất.

Trong bức thư gửi lời cảm ơn đến cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Agribank Chợ Trạm, ông Trần Văn A. nói rằng, “may mắn các cô, các chú ngân hàng giúp đỡ kịp thời, chứ nếu mất số tiền này, tôi không biết sống sao nữa. Đây là số tiền cả đời 2 vợ chồng làm nông lam lũ tích cóp được, có thể đối với nhiều người là không lớn nhưng đối với tôi đây là cả gia tài có được.”

Anh Nguyễn Thanh Toàn, cán bộ Phòng Giao dịch Chợ Trạm, Chi nhánh Agirbank huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, lừa đảo dưới hình thức dụ dỗ khách hàng chuyển tiền vào tài khoản khá phổ biến. Các đối tượng thường dùng cách này để chiếm đoạt tiền của khách hàng, nhất là khách hàng lớn tuổi, có tâm lý cả tin hoặc ở vùng nông thôn ít hiểu biết về mạng xã hội. Nhiều vụ lừa đảo được cán bộ, giao dịch viên cẩn trọng, nhắc nhở khách hàng và kịp thời ngăn chặn.

“Khi khách hàng vào, thấy nhiều dấu hiệu như họ hồi hộp, lo lắng và thường hối thúc các giao dịch viên làm nhanh với những lý do dễ phát hiện ra nghi ngờ, ví dụ như con cháu bị đau ốm, cần chuyển tiền. Sau khi phát hiện lý do, chúng tôi sẽ xem khách hàng sử dụng hình thức liên lạc với con cháu như thế nào, yêu cầu khách hàng gọi điện xác minh lại các giao dịch viên chắc chắn tin cậy thì mới bắt đầu giao dịch chuyển tiền” - anh Nguyễn Thanh Toàn chia sẻ.

Giao dịch viên cũng có trách nhiệm giúp người dân

Thời gian gần đây tại Quảng Bình, xuất hiện một số đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát…gọi điện đe dọa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Dù đã được cảnh báo nhưng vẫn có người "sập bẫy".

Gần đây nhất, 2 người dân ở xã Sen Thủy và xã Phú Thủy nhận cuộc gọi của một người tự xưng là công an. Đối tượng này thông báo sim điện thoại của ông bà bị khóa 2 chiều vì liên quan nội dung “nhắn tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. Người này yêu cầu nạn nhân muốn chứng minh mình trong sạch phải mở tài khoản mới rồi chuyển tiền vào tài khoản đó. Các đối tượng còn hứa, nếu nạn nhân không liên quan sẽ trả lại tiền.

Khi 2 người dân này đến thực hiện các giao dịch chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng tại Ngân hàng Agribank Lệ Thủy thì giao dịch viên đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Chị Võ Thị Nga, ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy cho rằng, bà con nông dân để có vài triệu đồng trong tay thì phải vất vả chắt chiu từng đồng. Các đối tượng nhắm vào bà con ở nông thôn, người già để lừa đảo cần phải được xử lý nghiêm.

Chị Võ Thị Nga cho biết: “Hình thức lừa đảo chuyển tiền qua mạng hiện nay rất nhiều, số tiền mất rất lớn. Những cụ già neo đơn, tích góp cả đời để được số tiền đó giờ mà mất đi nữa thì rất đáng thương. Khi mà kịp thời ngăn chặn thì đó sẽ là niềm vui lớn đối với người già, những người có hoàn cảnh khó khăn đã tích góp biết bao mồ hôi, nước mắt để có những đồng tiền gửi ngân hàng. Chính vì thế việc giao dịch viên tư vấn càng kỹ thì càng tốt, tận tình chu đáo chứng tỏ làm việc rất có trách nhiệm.”

Ông Mai Văn Kỷ, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, từ năm 2022 đến nay, cán bộ, giao dịch viên của đơn vị đã phát hiện 7 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo qua mạng, dụ dỗ khách hàng chuyển tiền vào tài khoản đối tượng lừa đảo.

Có nhiều người dân do thiếu hiểu biết đã quá tin vào các cuộc gọi của đối tượng lừa đảo, thực hiện chuyển tiền. Giao dịch viên phải mất nhiều thời gian để giải thích rõ về các chiêu trò để chiếm đoạt tiền. Theo ông Mai Văn Kỷ, đơn vị đề nghị các giao dịch viên làm việc có trách nhiệm, chú ý các biểu hiện của khách hàng giúp bà con phòng tránh bị lừa đảo:

“Dù có thể hơi phiền khách hàng, nhưng giao dịch viên vẫn phải tìm hiểu thông tin trước khi thực hiện tác nghiệp giao dịch. Giao dịch viên nào để khách hàng bị lừa đảo khi chuyển tiền thì đó cũng là 1 trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại cuối năm. Lãnh đạo đơn vị quán triệt cán bộ, giao dịch viên trong quá trình giao dịch cần có trách nhiệm, giao dịch ở địa bàn nông thôn cần biết rõ, nếu không có trách nhiệm thì sẽ tạo ra mảnh đất màu mỡ cho bọn lừa đảo” - ông Mai Văn Kỷ nhấn mạnh

Từ khóa: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chuyển tiền, lừa đảo trực tuyến, lừa đảo online, giao dịch viên, tin pháp luật 24h, tin vụ án mới, lừa đảo người nông thôn, lừa đảo chuyển tiền qua mạng

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thanh hiếu/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan