Lựa chọn nhân sự của ông Trump sẽ tác động đến quan hệ Mỹ - Trung như thế nào?

Cập nhật: 15/11/2024

VOV.VN - Hai trong số ba lựa chọn cho những vị trí chủ chốt nhất tại chính quyền tương lai của Tổng thống đắc cử Donald Trump đều là những chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, khiến các nhà quan sát không khỏi lo ngại về mối quan hệ Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ tới của ông Trump.

Mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của nhóm chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Giới quan sát đang lo ngại về sự trở lại của một cuộc chiến tranh thương mại khi ông Trump vừa đe dọa đánh thuế 60% cho hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, tăng hơn 2 lần so với thời kỳ tại nhiệm đầu tiên tại Nhà Trắng.

Mối lo ngại này là có cơ sở khi Tổng thống đắc cử đang bắt tay vào xây dựng chính quyền mới với những cái cái tên được có quan điểm khá cứng rắn với Trung Quốc. Theo tờ New York Times và CNN, ông Trump có kế hoạch bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Florida Marco Rubio làm ngoại trưởng, đồng thời lựa chọn ông Michael Waltz, một sĩ quan Vệ binh Quốc gia đã nghỉ hưu và là cựu chiến binh cũng đến từ Florida, làm cố vấn an ninh quốc gia.

Những quyết định bổ nhiệm sẽ định hình chính sách của Mỹ với Trung Quốc

Ông Marco Rubio nổi tiếng nổi tiếng vì quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Tháng trước, Bắc Kinh đã cấm Thượng nghị sĩ này nhập cảnh sau khi Mỹ trừng phạt một số quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Trước đó, hồi tháng 8/2020, ông Rubio cũng bị Trung Quốc trừng phạt vì "các hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực trong các vấn đề liên quan đến Hongkong". Đây được xem là một động thái đáp trả một quyết định tương tự của Washington với người đứng đầu đặc khu hành chính khi đó là bà Carrie Lam cũng như 10 quan chức Trung Quốc và Hongkong khác.

Những lệnh trừng phạt lúc bấy giờ của Bắc Kinh phần lớn chỉ mang tính biểu tượng, nhưng giờ đây có thể trở thành một rắc rối ngoại giao mới khi ông Rubio có thể trở thành người kế nhiệm Ngoại trưởng Blinken.

Vị trí ngoại trưởng trong chính quyền Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quan hệ đối ngoại của Washington với các quốc gia trên thế giới. Từ năm 2023 đến năm 2024, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Trung Quốc hai lần trong vòng chưa đầy một năm. Nhiều nhà quan sát đang lo ngại ông Rubio sẽ khó nối dài những chuyến thăm như vậy trong nhiệm kỳ sắp tới của mình.

Cố vấn an ninh quốc gia – vị trí đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cũng là một vị trí quan trọng trong chính quyền Mỹ và không cần Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Sắp tới ông Waltz sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin cho ông Trump về các vấn đề an ninh quốc gia quan trọng và phối hợp với nhiều cơ quan khác nhau.

Chuyên gia Lyle Morris từ Trung tâm Phân tích Trung Quốc thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhận định: "cố vấn an ninh quốc gia cũng là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với chính quyền đương nhiệm, bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng. Trong nhiều trường hợp, quan điểm của người này chính là quan điểm của Tổng thống trong mọi vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia”.

Người vừa được đề cử vào vị trí này, ông Michael Waltz là một cựu quân nhân từng phục vụ 27 năm trong quân ngũ, trong đó có thời gian chiến đấu ở Afghanistan và Trung Đông. Ông cũng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc và làm việc tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng dưới quyền hai đời Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld và Robert Gates.

Quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc của ông Waltz cũng được thể hiện qua số tiền tài trợ lớn dành cho các dự luật nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các khoáng sản quan trọng của Trung Quốc - một vấn đề ngày càng quan trọng đối với cả chính phủ Trung Quốc và Mỹ. Nghị sĩ này chỉ trích các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và cho rằng Mỹ cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra xung đột ở khu vực này.

"Những quyết định bổ nhiệm nhân sự đầu tiên trong chính quyền mới cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ có quan điểm cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”, ông Morris nhận định.

Không có gì chắc chắn

Ngay cả khi lựa chọn những nhân vật có quan điểm chính trị cứng rắn với Bắc Kinh, không có gì đảm bảo chắc chắn chính sách Trung Quốc sẽ đi theo chiều hướng như vậy.

Ông Rubio từng cạnh tranh với ông Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016 nhưng cho đến thời điểm nước rút trong đường đua Tổng thống năm nay, hai người được cho là đã bắt tay làm hòa. Thượng nghị sĩ Florida đã tham gia vận động tranh cử cho Tổng thống đắc cử Donald Trump một tuần trước ngày bỏ phiếu 5/11.

Tuy nhiên, sự ủng hộ này không thể đảm bảo khả năng ông Rubio có thể ở lại chính quyền ông Trump đến hết nhiệm kỳ. Tổng thống đắc cử vốn nổi tiếng với phong cách lãnh đạo đầy ngẫu hứng và nhiệm kỳ đầu tiên của ông ở Nhà Trắng ghi dấu ấn với nhiều vụ sa thải nhân sự do bất đồng ý kiến. Nổi tiếng nhất là quyết định sa thải đột ngột Ngoại trưởng Rex Tillerson thông qua một bài đăng trên mạng xã hội hồi năm 2018.

Bà Bethany Allen Bethany Allen, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định: "Những gì chúng ta cũng thấy trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump là sự thay đổi lớn ở các vị trí cấp cao của chính quyền và rất nhiều cuộc xung đột nội bộ, đặc biệt là trong một hoặc hai năm đầu tiên về chính sách đối ngoại với Trung Quốc".

Tuy nhiên, những quyết định mang tính bất biến của chính trị gia nổi tiếng hay thay đổi này thường liên quan đến các lợi ích kinh tế. Lợi ích về kinh tế cũng có thể khiến ông chủ tương lai của Nhà Trắng bỏ qua ý kiến của ông Waltz và ông Rubio để ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Việc tăng thuế ít nhất 10% trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cũng không thay đổi vị thế của Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ vào thời điểm lúc bấy giờ.

Rất khó để biết Trung Quốc đang thực sự nghĩ gì về về những lựa chọn bổ nhiệm mới nhất của ông Trump.

Khi được hỏi về các quyết định bổ nhiệm được báo cáo trong cuộc họp báo hàng ngày của Bộ Ngoại giao tại Bắc Kinh, người phát ngôn Lâm Kiếm cho biết Bắc Kinh không có bình luận gì về việc lựa chọn các quan chức ở Mỹ và chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ không thay đổi.

Ông Lâm Kiếm cũng cho biết thêm, hiện chưa có thông tin về việc liệu Bắc Kinh có dỡ bỏ lệnh trừng phạt và lệnh cấm đi lại đối với người có thể làm Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hay không.

Từ khóa: Trump, Trung Quốc

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập