Lựa chọn đại biểu vào cơ quan dân cử: Sàng lọc từ hội nghị cử tri
Cập nhật: 03/04/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Cử tri lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình vào cơ quan dân cử không chỉ trong ngày bỏ phiếu mà cần bắt đầu từ chính trong hội nghị lấy ý kiến cử tri.
Để đảm bảo thực hiện tốt Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba, dân chủ, đúng quy định pháp luật về bầu cử, sau Hội nghị hiệp thương lần hai, hiện nay Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đang phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cú trú đối với các ứng viên Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đây là một việc làm rất quan trọng để lựa chọn được những đại biểu đủ tiêu chuẩn và thực sự tiêu biểu.
Để đảm bảo việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có tính khách quan, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã yêu cầu Mặt trận các cấp lập kế hoạch với những hoạt động cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người ứng cử về khu dân cư, lắng nghe ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Thông qua Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người được giới thiệu ứng cử để hiệp thương, lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại Hội nghị Hiệp thương lần ba.
Theo Nghị quyết liên tịch hướng dẫn quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, người được dự kiến giới thiệu ứng cử mà có tỷ lệ tín nhiệm của cử tri không đạt hơn 50% thì không đưa vào danh sách ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định: Tất cả các ứng cử viên có trong danh sách sơ bộ sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai đều bình đẳng trong việc lấy ý kiến cử tri. Do đó, việc tổ chức hội nghị phải bình đẳng, công bằng, đúng quy định pháp luật.
“Tổ chức lấy ý kiến của cử tri rất quan trọng để lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn, thực sự tiêu biểu. Luật quy định những người được giới thiệu bắt buộc phải được thông qua hội nghị cử tri, quy trình, trình tự, thủ tục giới thiệu nhận xét ý kiến như thế nào, quy định rất chặt chẽ để sàng lọc”- ông Thực cho hay.
Thực tế qua các hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú cũng như nơi công tác cho thấy, những ai có quan hệ gần gũi với nhân dân, với đồng nghiệp, những ai biết chăm lo đến nhân dân sẽ được nhân dân ủng hộ. Còn những ai xa rời nhân dân thì rõ ràng người dân không thể tin tưởng để giao trọng trách cho những người đó làm đại biểu của mình.
Vậy làm thế nào để lựa chọn được những đại biểu Quốc hội xứng đáng, đủ năng lực, tài đức, thực hiện trọn vẹn vai trò đại diện dân cử trong nhiệm kỳ mới?
Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thì việc cử tri thể hiện quyền và trách nhiệm của mình ngay trong hội nghị lấy ý kiến cử tri về các ứng cử viên có ý nghĩa quan trọng. Để các hội nghị này đạt được hiệu quả, cử tri cần nắm được những thông tin cần thiết về ứng cử viên, những ý kiến nhận xét dù thuận chiều hay ngược chiều đều cần được tôn trọng.
“Tôi nghĩ rằng cần phải tăng tính tranh luận, tính thảo luận, tính cung cấp thông tin, thậm chí là sẵn sàng giải đáp những thông tin mà có thể cử tri có những thông tin không chính thống để họ nắm được. Cần có sự trao đi đổi lại giữa ứng cử viên với cử tri. Ứng viên phải sắn sàng trả lời chất vấn đề cử tri thấy được năng lực trình độ của mình dù đây chưa phải là dịp để vận động bầu cử”.
Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, Đoàn đại biểu Quốc Hội Tỉnh Bình Phước cho rằng: Cử tri nơi cư trú và nơi công tác là những người sâu sát với các ứng cử viên nên họ thường là những người có nhận xét rất xác đáng, đặc biệt là trong thời đại công nghệ thông tin, trong điều kiện dân trí nâng lên, thông tin về các ứng cử viên cũng được cử tri tiếp cận một cách đa chiều hơn.
Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh, để tránh tình trạng cử tri cảm tính khi nhận xét về các ứng cử viên, công tác tuyên truyền cần được lưu tâm.
“Điều kiện tiếp cận với các kênh thông tin, các cơ quan mà giới thiệu người ra ứng cử hoặc là đại biểu tự ứng cử thì phải có những thông tin đầy đủ về đại biểu rồi tuyên truyền rộng rãi những ứng cử viên trong nhân dân”- Đại biểu Hạnh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu một thực tế: Cử tri ở thành thị thường ít có sự quan tâm sâu sát lẫn nhau, còn cử tri nông thôn lại nặng yếu tố dòng họ, gia đình. Từ đặc trưng này, để cử tri bày tỏ một cách công tâm, khách quan chính kiến của họ về các ứng cử viên trong khâu tổ chức các hội nghị lấy ý kiến cử tri cũng cần có phương pháp phù hợp.
Cử tri lựa chọn những người đại diện xứng đáng cho mình vào cơ quan dân cử không chỉ trong ngày bỏ phiếu mà cần bắt đầu từ chính trong hội nghị lấy ý kiến cử tri. Những đánh giá nhận xét khách quan, có lý, có tình, mang tính xây dựng là cơ sở quan trọng để chắt lọc những ứng cử viên xứng đáng. Những hội nghị lấy ý kiến cử tri được tổ chức khoa học, dân chủ, thân tình, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến, dù thuận chiều hay ngược chiều của cử tri cũng sẽ là những hội nghị thành công và có chất lượng./.
Từ khóa: đại biểu Quốc hội, lựa chọn đại biểu Quốc hội, cử tri, bầu cử Quốc hội XV, hội nghị cử tri
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN