Lừa bán sản phẩm trị nám qua mạng, nhóm đối tượng chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng
Cập nhật: 15/07/2023
VOV.VN - Các đối tượng giả mạo thương hiệu “Trị nám Bà Nhàn” để bán sản phẩm, lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng của hàng nghìn người trên cả nước, trong đó có người dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).
Ngày 15/7, thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà vừa ra quyết định khởi tố 16 bị can và lệnh tạm giam đối với 8 bị can là lãnh đạo và nhân viên của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh (số 110 Trần Phú, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã huy động 80 cán bộ, chiến sĩ xuất phát trong đêm, bất ngờ đột nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh.
Quá trình bắt giữ, khám xét tại công ty, tổ công tác đã triệu tập làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong toả 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, cơ quan Công an huyện Thạch Hà phát hiện một nhóm đối tượng “núp bóng” doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy mô lớn. Công an huyện Thạch Hà đã xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh, làm rõ.
Quá trình xác minh, cơ quan công an xác định, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định) làm Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) làm Phó Tổng Giám đốc. Công ty có 8 chi nhánh, mỗi chi nhánh có từ 10 - 15 người, chuyên kinh doanh các sản phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp.
Quá trình kinh doanh, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng bằng cách: giả mạo thương hiệu “Trị nám Bà Nhàn” chạy quảng cáo trên các nền tảng mảng xã hội để tăng lượt tiếp cận của khách hàng. Sau khi khách hàng mua sản phẩm, một thời gian sau, nhân viên tư vấn của công ty sẽ liên hệ với khách hàng để hỗ trợ hoàn tiền nếu sử dụng sản phẩm không hiệu quả; đồng thời, yêu cầu khách hàng phải đóng các khoản phí làm hồ sơ để hoàn tiền vào các số tài khoản khác nhau của công ty rồi chiếm đoạt.
Với phương thức trên, tại cơ quan công an, các đối tượng thừa nhận, từ đầu năm 2022 đến nay đã lừa đảo hàng nghìn bị hại trên cả nước, trong đó có bị hại trên địa bàn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Ước tính số tiền lừa đảo công ty đã chiếm đoạt là trên 100 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà đã ra quyết định khởi tố 16 bị can và tạm giam 8 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện, công an huyện Thạch Hà đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý những người có liên quan theo quy định pháp luật.
Từ khóa: lừa đảo, lừa đảo qua mạng, lừa đảo bán hàng trên mạng, lừa bán kem trị nám
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN