Lũ dữ vùng cao Mù Cang Chải và phản ứng của cấp uỷ, chính quyền cơ sở
Cập nhật: 22/08/2023
Giải pháp thúc đẩy hợp tác xã phát triển trong giai đoạn mới (28/11/2024)
Kết nối chuỗi cung ứng nông sản Việt Nam – Nhật Bản (27/11/2024)
VOV.VN - Cơn lũ quét qua rất nhanh nhưng gây thiệt hại vô cùng nặng nề cho vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) những ngày đầu tháng 8 vừa qua. Nhưng cũng rất nhanh, công tác ứng cứu đã được triển khai kịp thời, hiệu quả theo đúng "phương châm 4 tại chỗ".
Cấp ủy hành động, chính quyền và ngành chức năng phản ứng nhanh trước mất mát của nhân dân và sự vào cuộc của cả cộng đồng đã tạo nên một nhịp "kết đoàn" ngay giữa tâm lũ, nhanh chóng xoa dịu những mất mát, đau thương.
Người dân nói về lũ ống lũ quét đêm 5, sáng 6/8: "Thời điểm xảy ra lũ, gia đình đang ăn cơm, thấy hàng xóm hô hào, cả gia đình không kịp mang gì ngoài việc bế con cháu chạy lên trên cao và rất may mắn 7 thành viên trong gia đình đều an toàn".
"Nhà em bị san bằng hết, giống như kiểu chưa hề tồn tại, thất vọng nhưng vẫn cảm thấy may mắn vì sau lũ không phải tìm một người chỗ này một người chỗ kia".
"Tài sản bây giờ mất hết rồi, xót xa lắm..."
Cơn lũ bất ngờ, ầm ào kéo đến chỉ vài tiếng đồng hồ, nhưng đến giờ vẫn còn ám ảnh tâm trí người dân các xã Hồ Bốn, Khao Mang, Lao Chải của huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
3 người chết, 250 hộ bị hư hại nhà cửa, trong đó có tới 57 hộ bị sập trôi hoàn toàn, 128 hộ hư hỏng nặng và 65 hộ phải di dời khẩn cấp. Quốc lộ 32 và hàng loạt các tuyến đường xã, đường thôn bị hư hại rất nặng với hàng nghìn điểm sạt lở, ước tính hàng trăm nghìn mét khối đất đá. Điện mất, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn. Trường học, trạm y tế chỉ còn là bãi ngổn ngang đá tảng, bùn đất, cây cối, không thể nhận ra.
Hơn 370 tỷ đồng là con số thiệt hại chưa thống kê đầy đủ, chưa kể hơn 165 ha lúa, ngô, hoa màu bị cuốn trôi, vùi lấp và hơn 4.200 con gia súc, gia cầm vật nuôi của bà con bị chết. Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - Đỗ Đức Duy cho biết, ngay khi có thông tin về cơn lữ dữ, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng của tỉnh, của huyện, của xã và các địa phương lân cận thực hiện theo đúng "phương châm 4 tại chỗ"; phân công Phó Chủ tịch thường trực UBND trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo các lực lượng.
"Vì hình thái thiên tai ở Yên Bái cũng như ở Mù Cang Chải thì chúng tôi đều đã nắm rất rõ cho nên các phương châm của chúng tôi là điều hết sức chủ động"- ông Duy nói.
Địa hình của huyện Mù Cang Chải bị chia cắt mạnh do núi cao, địa chất yếu; điều kiện thời tiết không thuận lợi; tuyến đường Quốc lộ 32 thì bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, bản cũng bị vùi lấp; đường điện bị hư hỏng... đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trên địa bàn các xã của huyện Mù Cang Chải.
Ngay trong đêm ngày 5/8, Thường trực Huyện uỷ Mù Cang Chải đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác do Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ làm trưởng đoàn lập tức đi cơ sở để nắm tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương khẩn trương tổ chức di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở khẩn trương di dời. Chính vì vậy không xảy ra thiệt hại thêm về người ngoài 3 nạn nhân bị thiệt mạng trong khi lũ và sạt lở xảy ra bất ngờ trong đêm.
Sáng 6/8, huyện Mù Cang Chải tiếp tục thành lập 3 tổ công tác tới phụ trách các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai. Các tổ công tác đã phối hợp với các xã nơi tâm lũ rà soát, nắm chắc tình hình thiệt hại trên địa bàn phụ trách để kịp thời triển khai phương án khắc phục; toàn quyền điều động, bố trí, sắp xếp máy móc, lực lượng dân quân cơ động, lực lượng tình nguyện viên để dọn dẹp đất đá, lưu thông các tuyến đường trục xã, nội bản, liên bản đảm bảo hoàn thành trong thời gian sớm nhất có thể vận chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu (nước uống, chăn màn, quần áo, thuốc y tế) đến tất cả các hộ dân hiện đang bị cô lập trên địa bàn 3 xã trên, bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân có nhà bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, đảm bảo không để một người dân nào bị đói, bị lạnh, không có chỗ ở.
UBND huyện phối hợp với MTTQ huyện huy động mọi nguồn lực, tiếp nhận, phân bổ kịp thời các nguồn hỗ trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại. Huy động lực lượng tình nguyện viên chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vận chuyển, tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ công tác hậu cần tại các bản bị cô lập giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Mặc dù có đến 250 hộ bị mất nhà hoặc nhà bị hư hỏng nặng, nhưng cho đến thời điểm này thì tất cả các hộ đều được đảm bảo an sinh ban đầu. Đặc biệt những hộ mất nhà cửa được hỗ trợ 15 kg gạo mỗi khẩu gạo trong thời gian trước mắt là 1 tháng và có thể kéo dài tới 3 tháng. Vấn đề an sinh xã hội bước đầu đảm bảo cơ bản ổn định.
Mưa lũ không những gây thiệt hại về người và tài sản mà còn làm tê liệt hệ thống giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khắc phục, cứu trợ. Hàng trăm vị trí trên tuyến QL 32 bị sạt lở taluy dương, taluy âm, trong đó có những đoạn sạt mất hết nền mặt đường hàng chục mét. Ngay sau khi ghi nhận sự cố, tỉnh Yên Bái chỉ đạo ngành giao thông vận tải tỉnh Yên Bái huy động 15 máy xúc và ô tô, cùng hàng trăm nhân công tổ chức khắc phục. Đối với các vị trí sạt lở toàn bộ mặt đường và mất một phần mặt đường, do địa hình một bên là vực, một bên là vách núi đá không thể đào chỉnh tuyến vào taluy dương, lực lượng chức năng đã phải xếp kè rọ thép nhồi đá hộc phía taluy âm, rồi rải cấp phối tạm thời. Cùng với đó là đào, hót dọn bùn, đất đá với khối lượng khoảng gần 60 nghìn mét khối. Đến ngày 10/8, Quốc lộ 32 đã thông, ô tô đi được vào trung tâm xã Hồ Bốn. Các tuyến đường vào bản bị chia cắt thì cơ bản đã tiếp cận được để phục vụ cho công tác cứu trợ hỗ trợ cho bà con.
Ông Đỗ Nhân Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho biết: "Quốc lộ 32 đã thông xe, ngay sau khi Bộ Giao thông vận tải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai thì Sở sẽ trình trình Cục Đường bộ Việt Nam ban hành xây dựng lệnh xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục thiên tai, đảm bảo giao thông bước một để khôi phục hiện trạng như ban đầu. Trên các tuyến đường huyện, đường xã thì cũng bị rất là nặng, chúng tôi cũng đã cử đoàn cán bộ tham gia hỗ trợ".
Cơn lũ quét qua, hệ thống điện lưới quốc gia từ Than Uyên (Lai Châu) về Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng bị thiệt hại do mưa lũ làm sạt lở, đứt đoạn, cuốn trôi 3 cột điện 35 KV, gây mất điện toàn bộ thị trấn và các xã khu II, III, IV của huyện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân và công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngay từ sáng 6/8, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời thiết mưa lũ, địa hình phức tạp, giao thông chia cắt... nhưng đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty Điện lực tỉnh Yên Bái, Điện lực Nghĩa Lộ đã khẩn trương triển khai lực lượng, tiến hành khảo sát, nghiên cứu phương án khôi phục đường điện phục vụ nhân dân. Sau 5 ngày nỗ lực khắc phục, không quản ngại khó khăn gian khổ, kể cả nguy hiểm, đến 21h00′ ngày 09/8, toàn bộ 11 xã, thị trấn của Mù Cang Chải đã có điện trở lại, góp phần quan trọng vào công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đưa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trở lại bình thường.
Ông Cao Bình Định, Giám đốc Công ty Điện lực Yên Bái chia sẻ: Nếu đợi đường được thông xong mới triển khai các phương án thì chưa biết đến bao giờ mới khôi phục được lưới điện, vì vậy, anh em công nhân ngành điện đã phải đi vòng từ phía huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai sang và từ huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu vào để tiếp cận các điểm cột bị gãy, đổ để xử lý. Do đó, hệ thống điện đã được khôi phục nhanh và ngành điện đã cấp được điện lưới phục vụ bà con sớm hơn so với dự kiến rất nhiều.
Vấn đề cũng rất quan trọng khi lũ quét qua là tập trung để tìm kiếm đất để lo nhà ở tái định cư cho các khu nhà cửa bị sập trôi hoàn toàn. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy nghe báo cáo, trực tiếp vượt núi đi tìm đất ở cho dân. Kết quả là chỉ vài ngày sau lũ, 57 hộ bị sập trôi hoàn toàn và hàng chục hộ phải di dời khẩn cấp cơ bản bố trí được đất tái định cư xen ghép ở các khu dân cư có sẵn hoặc của người thân, họ hàng. Ông Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: khoảng 2 tuần đến 1 tháng sau lũ, tất cả các hộ mất nhà sẽ có chỗ ở mới an toàn.
"Tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực hỗ trợ cho người dân làm và sửa chữa lại nhà cửa, đồng thời khôi phục lại sản xuất"- ông Yên nói.
Ngày 6/8, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Hồ Bốn vẫn còn ngập bùn lầy hàng mét và đất đá sừng sững do lũ cuốn về. Nhưng chỉ hơn 1 tuần sau, toàn bộ khuôn viên đã sạch sẽ như chưa từng có lũ, đảm bảo sạch đẹp chờ đến ngày 21/8 đón các cháu học sinh lớp 1 tựu trường. Trước mắt đã có đơn vị tài trợ toàn bộ sách giáo khoa cho trường để đảm bảo đủ sách cho học sinh bước vào năm học mới. Nhà trường cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khác của các cấp ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh để sớm khắc phục hậu quả thiên tai, hoạt động trở lại bình thường.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà hảo tâm và cộng đồng chung tay đóng góp cho các cháu học sinh để nhà trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất để nuôi dạy các cháu, cho các cháu yên tâm học tập".
Trạm Y tế xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị hư hỏng rất nặng về cơ sở vật chất và mất mát nhiều trang thiết bị, thuốc men, chỉ sau ít ngày dùng phòng tạm tại UBND xã để làm nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân đến nay đã được các lực lượng dọn dẹp sạch sẽ để hoạt động trở lại. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái đã trao gói trang thiết bị và thuốc men trị giá 200 triệu đồng cho Trạm Y tế này.
Đồng thời với đó, tỉnh Yên Bái đã giao cho các ngành đi rà soát lại tất cả các diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi của bà con bị thiệt hại để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Trước mắt những diện tích lúa bị đất đá, cát vùi lấp được chuyển sang trồng ngô để đảm bảo lương thực, về lâu dài địa phương sẽ hỗ trợ bà con để cải tạo lại đất, khôi phục lại sản xuất như bình thường...
Ngoài các công viện trên, tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã bố trí nhân lực làm công tác tiêu độc khử trùng, đảm bảo an ninh trật tự giúp nhân dân yên tâm khôi phục cuộc sống.... Tính đến nay, tại tâm lũ, 7.000 người đã được huy động để khắc phục hậu qủa thiên tai, một con số cho thấy sự đoàn kết, khẩn trương cao độ. Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy chia sẻ: Tỉnh phân công, phân luồng các ngành, các lực lượng để cố gắng đạt mục tiêu là đến cuối tháng 8 là phải đưa cuộc sống của bà con trở lại bình thường.
"Khôi phục các công trình thủy lợi đầu mối, các công trình thủy lợi do bà con đầu tư xây dựng, hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất nông nghiệp; khôi phục hoạt động khám chữa bệnh và quan tâm công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời triển khai ngay việc rà soát, vận động học sinh ra lớp, đảm bảo đúng kế hoạch năm học; huy động các cháu ra là phải đảm bảo mọi điều kiện còn chưa đảm bảo thì chưa huy động"- ông Duy nói.
Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã tiếp nhận hơn 2,4 tỷ đồng do các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi đến nhân dân vùng lũ. Đồng thời tiếp nhận, chuyển hơn 12 tấn gạo và rất nhiều nhu yếu phẩm đến người dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ tại các xã Khao Mang, Lao Chải, Hồ Bốn.
Những khó khăn sau lũ là rất lớn nhưng cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, xã đã có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt; từ đây khắc phục nhanh chóng hậu quả thiên tai, xoa dịu mất mát và đau thương nơi tâm lũ, từng bước đưa cuộc sống của người dân ổn định trở lại. Anh Giàng A Thông, ở Bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải xúc động cho biết: "Gia đình tôi mất nhà cửa, mất hết của cải sau lũ, nhưng được lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện và các ngành kịp thời hỗ trợ, động viên nên cũng yên tâm hơn. Gia đình tôi sẽ cố gắng khắc phục hậu quả sau lũ, sớm ổn định cuộc sống..."
"Phương châm 4 tại chỗ" từ lâu vẫn được coi là "kim chỉ nam" trong phòng chống thiên tai trong thời gian qua. Nhìn từ phản ứng của cấp uỷ, chính quyền các cấp ở Yên Bái khi cơn lũ dữ quét qua lần này, có thể khẳng định phương châm này phù hợp với thực tế, có hiệu quả cao, khơi dậy được tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng trong phòng chống thiên tai nói chung và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng cao, miền núi nói riêng, tiếp tục phải được phát huy trong thời gian tới.
Từ khóa: vùng cao mù cang chải, lũ dữ vùng cao, cấp ủy, chính quyền làm gì, lũ quét, thiệt hại nặng, bốn tại chỗ
Thể loại: Đời sống
Tác giả: đinh tuấn/vov-tây bắc
Nguồn tin: VOVVN