Lớp học tình thương cho trẻ khuyết tật
Cập nhật: 5 giờ trước
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo điều tra vụ tai nạn làm 6 người tử vong
Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam đặt ra một cách hiệu quả
VOV.VN - Thầy Trần Đình Vương (70 tuổi) và rất nhiều các thầy cô giáo khác đã nghỉ hưu tại Quảng Ngãi, dù tóc điểm bạc màu, nhưng trái tim vẫn tràn đầy nhiệt huyết soi sáng hi vọng cho những cô cậu học trò đặc biệt. Đó là những bạn nhỏ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn.
12 năm qua, tại xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh - Quảng Ngãi lớp học mang tên “Tình thương” dành riêng cho trẻ khuyết tật do Hội Cựu giáo chức xã thành lập, tổ chức giảng dạy. Vì đối với bác Vương hay các thầy cô khác sau khi nghỉ hưu vẫn còn nặng lòng muốn mang con chữ đến cho các học trò bị khuyết tật.
Vậy là từ đó cứ mỗi sáng thứ 2-4-6 hàng tuần từ căn phòng nhỏ của Trung tâm hoạt động cộng đồng xã lại vang tiếng của thầy và trò. Đội ngũ giảng dạy hiện có 8 giáo viên thay phiên nhau đứng lớp. Những thầy cô giáo này từng là giáo viên của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn huyện Sơn Tịnh nay đã nghỉ hưu tình nguyện để dạy miễn phí cho các em.
Cũng như thầy Vương nặng lòng với các thế hệ học trò, cô Bích Ngọc chia sẻ về cơ duyên đến với lớp học này: "Khi mà mình đã làm bên giáo dục, dù đã về hưu thấy các em trẻ khuyết tật, nên các thầy cô đồng tình thành lập để hỗ trợ, giúp các em có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống được đến trường"
Ban đầu lớp học với16 học sinh, và đến nay vẫn duy trì con số này. Tuy sĩ số lớp không đông, nhưng khối lượng công việc giảng dạy lại gấp 3 lần so với các lớp học bình thường khác, vì các học trò ở đều gặp khó từ việc tự sinh hoạt cá nhân, có em dị tật bẩm sinh, có em thiểu năng, và cũng có những em chân tay dị tật,..
Để đưa được các em nhỏ đến trường, các thầy cô phải rà soát danh sách những trẻ khuyết tật trên địa bàn, đến tận từng gia đình thuyết phục phụ huynh đưa các em đến lớp chỉ với mong muốn giúp các em được hòa nhập, biết đọc, biết viết và tự lo được sinh hoạt cá nhân.
"Các đối tượng này khó khăn lắm, đối tượng bình thường thì dễ chứ như các cháu này để dạy cho nhớ được mặt chữ phải dạy đi dạy lại, tạo thành thói quen cho nhớ được mặt chữ. Mấy cháu đó phần lớn không biết trường, biết lớp, không biết thầy cô giáo thế nào. Khi vận động được các em đến lớp dần dần cũng biết tiếp thu, ngoan ngoãn thấy cũng dễ thương. Thấy cũng phấn khởi khi thấy các em tự biết vệ sinh cá nhân, lau bàn ghế, quét sân, quét nhà….tập cho các cháu làm quen dần", thầy Vương tâm sự.
Không chỉ dạy các kỹ năng sống, ở lớp học này các em còn được hai môn chính là Toán và Tiếng Việt. Bên cạnh đó các thầy cô thiết kế bài giảng xen lẫn rất nhiều hoạt đông vui chơi để giúp các em được phát triển tư duy và linh hoạt hơn. Thành viên của lớp nhỏ nhất 13 tuổi, lớn nhất gần 30 tuổi đều là người khuyết tật.
Do đó, để dạy được cho những đối tượng đặc thù này, thầy, cô giáo phải chuẩn bị bài giảng riêng phù hợp cho từng em. Nếu như ban đầu các em đều bỡ ngỡ, chưa biết gì thì sau khi tham gia vào lớp học đã thấy sự thay đổi rõ rệt tích cực hơn. Điều giúp cho các thầy cô cố gắng hơn là khi thấy các em thay vì sợ tới lớp thì lại rất thích đi học, nên các bậc phụ huynh cũng yên tâm gửi con đi làm.
Đến lớp ai cũng vui và phấn khởi hơn, dù chẳng dám mong đào tạo ra các học sinh học lực khá giỏi, chỉ cần các em tự lo được sinh hoạt cá nhân, biết đánh vần, rồi đọc được mặt chữ, biết viết đã là niềm hạnh phúc của các thầy cô và cha mẹ các em.
Thầy Lên chia sẻ thêm về lớp: "Sáng là 7h cũng dạy như phổ thông, dạy cho các em 2 tiếng, mỗi tiếng 45 phút, đến 9h cho các em về, cho các em vui chơi. Nhưng khó khăn là các em đứa thì ngọng, đứa thì câm, tuổi tác không bằng nhau, nhưng khi lên lớp các em rất vui vẻ, phấn khởi, rồi biết đọc biết viết, thầy cô giáo rất mừng".
Thời gian đầu mới mở lớp, các thầy cô giáo tự bỏ tiền lương hưu túi để duy trì hoạt động lớp “ Tình thương”. Nhưng chỉ một thời ngắn lớp học được lan tỏa đến các mạnh thường quân nên đã có nhiều nhà hảo tâm ghé thăm, chia sẻ với khó khăn của lớp học, người thì ủng hộ cái bàn, cái ghế, có người lại mang sách bút tới cho các em có đồ dùng học tập…
Để giúp con em vui hơn khi tới lớp các thầy cô không chỉ mang giáo án lên bục giảng mà còn mang theo nào bánh, nào kẹo để thưởng cho những bài tập được điểm tốt. Nhờ những bông hoa điểm 10 đó mà nhiều em “ tốt nghiệp” lớp đã có thể lập gia đình, có em tìm được việc làm, và đa số các học sinh đã biết chào bố mẹ, tự vệ sinh cá nhân, biết đọc, và còn biết hát nữa.
Đối với bác Vương hay các thầy cô chính nhờ sự mạnh mẽ của các em vượt qua chính số phận là động lực để các thầy cô dù tuổi đã cao nhưng không quản ngại khó khăn, mỗi ngày đều tiếp tục dành công sức và tâm huyết để cống hiến cho sự nghiệp “ trồng người”: "Tuổi bác đến giờ phút này đủ bệnh tật rồi, nhưng do yêu nghề, mến trẻ thành thói quen rồi. Nên dạy các em khuyết tật thấy các cháu vui vẻ, phấn khởi mình mừng lắm, động viên mình khắc phục khó khăn để tiếp cận các cháu lâu dài giúp các cháu hòa nhập cộng đồng"
Nói đến đây chỉ mong sao các thầy cô sẽ luôn được mạnh khỏe để tiếp tục viết nên những câu chuyện đẹp cho đời và vẫn luôn là những tấm gương đáng kính để các thế hệ sau noi theo, từ đó có thêm nhiều lớp học mang đến những yêu thương dành cho các em nhỏ yếu thế trong xã hội, để các em bớt đi những thiệt thòi, được ngắm nhìn thế giới nhiều màu sắc hơn.
Từ khóa: lớp học tình thương, trẻ khuyết tật,thầy giáo nghỉ hưu,thầy Trần Đình Vương
Thể loại: Xã hội
Tác giả: hồng nhung/vov giao thông
Nguồn tin: VOVVN