Long An mở đường cho trái chanh xuất khẩu trực tiếp sang Trung Đông (30/06/2024)

Cập nhật: 2 ngày trước

Thời gian qua, việc xuất khẩu chanh ở Long An phải thông qua 5 doanh nghiệp lớn tại TP.HCM và Cần Thơ. Các doanh nghiệp này quyết định giá cả xuất khẩu khiến người trồng chanh bị nhiều thiệt thòi. Cho nên việc một hợp tác xã của địa phương táo bạo cử người sang Trung Đông tìm hiểu chợ đầu mối, mở văn phòng và trực tiếp ký hợp đồng cung ứng chanh cho nhiều quốc gia khu vực Trung Đông đã tạo ra bước đi ổn định, mang lại giá trị cao cho mặt hàng nông sản này.

Sau hơn 1 năm thâm nhập thị trường Trung Đông, đến nay văn phòng giao dịch của HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, Long An tại chợ đầu mối Dubai được hình thành.

Anh Phan Thanh Liêm được HTX cử sang Dubai (Tiểu vương quốc Arap Thống Nhất - UAE) để phụ trách văn phòng đại diện này. Công việc chính của anh là mỗi sáng có mặt tại chợ đầu mối Dubai để cập nhật, thăm dò nhu cầu tiêu thụ nông sản, gia vị của Trung Đông.

Theo anh Liêm, chợ đầu mối này là nơi tập kết hầu hết các loại nông sản nhập khẩu, trong đó có sản phẩm chanh từ các quốc gia để trung chuyển đi các địa phương UAE lẫn quốc gia lân cận. Việc có mặt tại chợ giúp anh kịp thời nắm bắt thông tin, từ đó linh hoạt, chủ động thương lượng giá cả với đối tác rồi báo cáo về cho HTX.

Chanh Long An đã có những bước đi ổn định mang lại giá trị cao với những hợp đồng xuất khẩu trực tiếp sang nhiều quốc gia khu vực Trung Đông (ảnh Thanh Liêm)

Thông qua đầu mối là anh Liêm và một số cộng sự người bản xứ, nhiều lô hàng chanh và nông sản khác từ Long An đã thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông: “ Không chỉ riêng chanh mà còn linh hoạt đưa sang những nông sản khác mà bản xứ có nhu cầu. Thời điểm giá chanh tốt thì mình đưa nhiều chanh sang, lúc giá, sản lượng thấp thì kết hợp cả thanh long, dừa, ổi… thông qua một công ty thương mại tại Dubai để đưa trực tiếp đến khách hàng. Việc này tăng được phần lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh hơn, hạn chế được rất nhiều tình trạng lừa đảo, ép giá. Tại chợ đầu mối bên này thực tế tình trạng lừa đảo cũng có nhiều”.

Từ ngày đặt văn phòng vào đầu năm 2024 đến nay, hợp tác xã Bến Lức đã trực tiếp giao dịch xuất sang chợ đầu mối Dubai mỗi tháng từ 8 đến 10 container, mỗi container 24 tấn chanh. Theo ông Trần Duy Thuận - Giám đốc HTX, mặc dù thời gian qua, những biến động từ thị trường, tình hình chiến sự tại Trung Đông khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vận chuyển logistics… nhưng HTX luôn trong thế chủ động. Việc hiệp thương trực tiếp với bạn hàng ngay từ Trung Đông, sản lượng và giá cả luôn ổn định. Ông Thuận chia sẻ: “Nếu không có chiến sự xảy ra thì nhu cầu từ Trung Đông là một trong những thị trường rất quan trọng cho trái chanh của HTX. Bởi thị trường này chiếm tới 70-80% sản lượng chanh xuất khẩu của Bến Lức. Hàng được xuất sang nhập vào Dubai sau đó sẽ tỏa đi các nước Oman, Qatar… tiêu thụ chủ yếu vẫn tập trung ở Dubai.”

Mở cửa thị trường tiềm năng

Hiện diện tích chanh Việt Nam tập trung chủ yếu tại Long An, với hơn 11.300 ha, trong đó nhiều nhất tại huyện Bến Lức với hơn 7.100ha, trên 5.000ha đang cho trái. Phần diện tích chanh còn lại tập trung ở các huyện Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ… Giá chanh có hạt thời điểm này 19.000 đ/kg và chanh không hạt là 11.000-14.000 đ/kg.

Sản phẩm chanh của Long An không chỉ phục vụ thị trường nội địa và Trung Quốc mà cả những thị trường khó tính như: EU, Anh, Nga, New Zealand, Hà Lan và Trung Đông…(ảnh Quang Anh)

Theo ông Lê Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng chanh tại Bến Lức ước đạt 36.000 tấn. Các cơ quan nhà nước đang tiếp tục tiếp sức cho doanh nghiệp, HTX trên địa bàn trong việc hướng dẫn nông hộ, HTX sản xuất chanh theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ hiệu quả.

Khó khăn nhất đối với cây chanh và các loại cây trồng khác lúc này không phải là đầu ra mà là tình trạng biến đổi khí hậu, hạn mặn diễn biến phức tạp…

Trên địa bàn Bến Lức có khoảng 780ha chanh bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, việc điều tiết lượng nước tưới tiêu vào ban đêm là một trong những giải pháp hiệu quả để duy trì sản lượng chanh cho các thị trường. Ông Lê Văn Nam nói: “Khi nắm được hiện tượng El Nino năm 2023 -2024 từ trước nên địa phương cũng chủ động ban hành những kế hoạch, qua đó cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân chủ động trữ nước để tưới tiết kiệm trong mùa hạn mặn. Rồi áp dụng các biện pháp tổng hợp như bón phân hữu cơ truớc 2-3 tháng, rồi chấp nhận giữ cỏ quanh gốc, không làm cỏ quanh gốc chanh để giữ ẩm…”

Bước đầu Hợp tác xã Bến Lức đã trực tiếp giao dịch xuất sang chợ đầu mối DuBai mỗi tháng từ 8 đến 10 container, mỗi container 24 tấn chanh (ảnh Thanh Liêm)

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến năm 2025 cây chanh được xác định là một trong 4 cây trồng mang lại sự đột phá cho ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến thời điểm này, vùng nguyên liệu chanh Long An đã hình thành 3.000ha sản xuất công nghệ cao với 165,5 ha VietGAP và 220 ha GlobalGAP. Trong đó Long An đã có 41 mã số vùng trồng và 31 mã số đóng gói.

Người nông dân trồng chanh dần được huấn luyện sản xuất chuyên nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa, Trung Quốc mà còn những thị trường khó tính như: EU, Anh, Nga, New Zealand, Hà Lan và Trung Đông… Việc nông hộ, HTX liên kết chủ động sự hiện diện của mình tại các chợ đầu mối bên ngoài lãnh thổ Việt Nam được chính quyền địa phương hết sức khuyến khích và hỗ trợ. Tỉnh Long An cũng đã nhiều lần kết nối, tìm kiếm sự hỗ trợ của tham tán thương mại ở nước ngoài, của Bộ Công Thương nhằm giúp hoạt động giao thương nông sản được thuận lợi và đúng quy định. “Các tham tán thương mại cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp Long An khi mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tỉnh cũng tiếp tục là cầu nối để hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được sự ủng hộ, hỗ trợ của các tham tán. Nhất là được sự tư vấn pháp lý, cũng như có được sự hỗ trợ nhiều điều kiện khác đảm bảo hoạt động đúng pháp luật Việt Nam và các quốc gia”

Chanh tươi Long An được HTX Bến Lức đưa sang Trung Đông thông qua đầu mối văn phòng đặt tại chợ đầu mối Dubai (ảnh Thanh Liêm)

Long An đã dần khẳng định thương hiệu sản phẩm chanh tại các thị trường khó tính. Ngành Công Thương và nông nghiệp tỉnh Long An đang đẩy mạnh các hoạt động dự báo về thị trường, liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ, nâng giá trị nông sản cũng như luôn tạo động lực mới để nông dân và doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn cho sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

NGUYỄN QUANG/VOV TPHCM

Từ khóa: #Long An #trái chanh #xuất khẩu #Trung Đông (30/06/2024)

Thể loại: Thời sự

Tác giả:

Nguồn tin: VOV1

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập