Lời tri ân Tháng Bảy
Cập nhật: 28/07/2022
(VOV5) -Chiến tranh đã dần lùi xa, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam vẫn làm xúc động thế hệ trẻ hôm nay.
Những ngày tháng Bảy, người dân trên khắp đất nước Việt Nam lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân những người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
Chiến tranh đã dần lùi xa, nhưng nỗi đau thì vẫn còn đó. Những trang sử hào hùng và bi tráng của dân tộc Việt Nam vẫn làm xúc động thế hệ trẻ hôm nay – những người không đi qua chiến tranh, như câu chuyện của nhạc sĩ trẻ Phạm Trường: "Trong những ngày tháng 7, cả nước hướng về tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho Tổ quốc được bình yên. Trong lòng tôi cũng rưng rưng xúc động tưởng nhớ về một thời hoa lửa bi tráng và hào hùng của dân tộc, khi có biết bao anh hùng đã ngã xuống mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt, để cho những người cha người mẹ mòn mỏi ngóng trông. Tôi đã đọc được bài thơ Lời mẹ dặn của nhà thơ Vũ Tuấn, đó như một tâm nguyện của các bà mẹ VN trước khi nhắm mắt xuôi tay muốn tìm được những người con của mình đã nằm lại nơi chiến trường. Trong dòng cảm xúc ấy, tôi đã tập trung phổ nhạc cho bài thơ để làm nên ca khúc Lời mẹ dặn".
Qua sự thể hiện của giọng hát ngọt ngào, nội lực và đầy cảm xúc của ca sĩ Minh Hòa, Lời mẹ dặn mà nhạc sĩ Phạm Trường đã phổ nhạc từ bài thơ của tác giả Vũ Tuấn thực sự như một lời tri ân của lớp trẻ đối với thế hệ cha ông đi trước.
Chiến tranh đã khiến hàng hàng lớp lớp những người con đất Việt ra đi không bao giờ trở lại, có những cuộc chia ly đã trở thành một phần của lịch sử, không ít trong số ấy vẫn chưa tìm thấy hài cốt.Và trong những câu chuyện chiến tranh, hình ảnh những người mẹ đã được khắc họa thật rõ nét. Ca khúc 9 ngọn nến trong đêm của nhạc sỹ Tô Văn, ý thơ Đặng Minh Nhiệm là một câu chuyện như thế.
Nhạc sĩ Tô Văn chia sẻ: "Với tôi, ca khúc 9 ngọn nến trong đêm là một ca khúc rất đặc biệt và rất nhiều cảm xúc, vì đó chính là người mẹ đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân của mình vì sự hi sinh, mất mát to lớn. 9 người con của mẹ đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến, vì Tổ quốc thân yêu. Ca khúc 9 ngọn nến trong đêm, ý thơ Đặng Minh Nhiệm đã được tôi viết thành ca khúc giàu cảm xúc, đồng thời cũng rất nhẹ nhàng, nhưng cũng rất trân trọng tỏ lòng thành kính với người mẹ".
Giọng hát trầm ấm của ca sĩ Phạm Hữu trong ca khúc 9 ngọn nến trong đêm như một lời tri ân sự hi sinh của mẹ Thứ - Bà mẹ VN anh hùng đất Quảng. Mẹ Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái) thì 9 con trai hy sinh. Con đầu và cũng là con gái duy nhất - bà Lê Thị Trị là thương binh, cũng được trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi có chồng và 2 con gái là liệt sĩ. Như vậy gia đình mẹ Thứ có 12 liệt sĩ.
Để đất nước được giải phóng, non sông được thống nhất như ngày hôm nay, rất nhiều người đã anh dũng hy sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường. Họ sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “tất cả vì Tổ quốc thống nhất ”. Những người còn sống dẫu mang trong mình những mảnh đạn, mảnh bom nhưng họ không hề gục ngã trước nỗi đau thể xác mà vẫn bền lòng góp công sức xây dựng quê hương. Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Hồng đã viết ca khúc Ngày về với những tình cảm như thế.
Từ khóa:
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5