Lợi thế nông nghiệp ĐBSCL được Campuchia quan tâm đặc biệt
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Việt Nam nằm trong top 10 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia.
Với lợi thế có đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia và cửa khẩu phụ, cùng với cả nước, các địa phương vùng ĐBSCL… có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển kinh tế biên giới và mở rộng quan hệ thương mại với thị trường Campuchia.
Trong đó, khu vực này với 4/13 tỉnh, thành chung biên giới với Campuchia là Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang với nhiều tiềm năng hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin.
Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên – An Giang năm 2019 thu hút khoảng 18.000 lượt khách đến từ Vương quốc Campuchia. |
An Giang là một trong những địa phương trong vùng có hoạt động biên mậu sôi động với Campuchia. Với hệ thống các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phân bố đều 100 km đường bộ lẫn đường thủy cùng 2 cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Vĩnh Xương, 2 cửa khẩu quốc gia là Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông cùng nhiều cửa khẩu phụ, đường tiểu ngạch… đã giúp việc giao thương giữa 2 bên gặp nhiều thuận lợi.
Trong đó nổi bật là việc duy trì tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Tịnh Biên từ năm 2007 đến nay đã góp phần thúc đẩy kinh tế biên giới giữa 3 địa phương giáp biên: An Giang-Takeo-Kandal. Qua đó tạo động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Đồng thời, tạo điều kiện cho hàng hóa, doanh nghiệp của cả vùng và TPHCM tiếp cận với thị trường Campuchia và các nước ASEAN.
Ông Lê Minh Điển, Tham tán đầu tư Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam có hơn 200 dự án đầu tư sang Campuchia trong lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, lâm nghiệp. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3 tỷ USD, đưa Việt Nam nằm trong top 10 nước có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất tại Campuchia. Các dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 25.000 lao động địa phương.
“Tôi rất quan tâm đến tiềm năng lĩnh vực nông nghiệp của vùng. Đây quả thật là thế mạnh của ĐBSCL. Chúng tôi cũng mong muốn các tỉnh tìm hiểu và đầu tư sang Campuchia, nhất là sản xuất cây ăn quả. Hiện nay việc sản xuất cây ăn quả của Campuchia chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu về số lượng”, ông Điển cho hay.
VCCI Cần Thơ làm việc với Đại sứ Vũ Quang Minh về các chương trình hợp tác và xúc tiến đầu tư giữa doanh nghiệp ĐBSCL và Campuchia. |
Theo bà Sok Channda, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VBCC) hiện trong câu lạc bộ có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Campuchia. Một trong những cơ hội mới để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, mở rộng sang thị trường này là việc tiếp cận với các khách hàng đến từ Trung Quốc.
Những năm gần đây, số lượng các công ty Trung Quốc đến đầu tư tại Campuchia ngày càng nhiều, cùng với đó là một lượng lớn lao động người Trung Quốc sang. Do đó, việc mang hàng hóa sang Campuchia để bán cho các bếp ăn của người Trung Quốc cũng là một trong những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, nhất là ĐBSCL muốn mở rộng thị trường tại đây.
Bà Sok Channda còn cho biết thêm, các doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ phân khúc khách hàng để từ đó đưa ra các sản phẩm phù hợp cho thị trường Campuchia. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, có bao bì, mẫu mã đẹp để tạo sức cạnh tranh với các mặt hàng Thái Lan, Trung Quốc...
“Về thực phẩm tươi sống, Việt Nam có thế mạnh cạnh tranh tốt. Ở đây có những khu rất đông người lao động với nhiều bếp ăn tập thể. Các doanh nghiệp ở các tỉnh của Việt Nam có thể cung cấp thực phẩm tươi sống, thay vì phải qua trung gian”, bà Sok Channda nói.
Còn ông Oknha Leng Rithy, Tổng Giám đốc Công ty Rithy Granith của Campuchia, Cố vấn VBCC cho biết hiện nay, quỹ đất của Campuchia còn rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là vùng ĐBSCL có thể đến thuê đất để mở rộng đầu tư với các ngành nghề: trồng trọt, chăn nuôi bò, nông nghiệp công nghệ cao…
“Thương mại, hợp tác ở đây có 2 việc đáng quan tâm. Hàng hóa mua bán qua lại thì đã diễn ra thường xuyên, tốt rồi. Vì vậy, giờ thế mạnh của Cần Thơ và các tỉnh cần tập trung vào dịch vụ ẩm thực, nhà hàng”, ông Oknha cho hay.
“Phải có một nhà hàng lớn, ẩm thực Việt Nam, kèm với dịch vụ cung cấp thủy hải sản, nhất là tôm. Lượng tiêu thụ của Campuchia rất lớn. Chăn nuôi và chế biến cũng là thế mạnh của ĐBSCL. Trong khi đó Campuchia giờ quỹ đất còn rất nhiều, môi trường còn rất tốt”, ông Oknha nêu rõ.
Đoàn công tác của Đại sứ quán và CLB Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia tìm hiểu cách nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu tháng 8/2019. |
ĐBSCL và các địa phương, doanh nghiệp của Vương Quốc Campuchia còn rất nhiều tiềm năng hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, đặc biệt là hợp tác thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển du lịch, công nghệ thông tin...
Tại buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp Campuchia sang tìm hiểu cơ hội và phối hợp đầu tư với các doanh nghiệp vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, trong thời gian tới, nhằm kết nối doanh nghiệp vùng ĐBSCL với doanh nghiệp Campuchia, VCCI Cần Thơ phối hợp với CLB Trung tâm xúc tiến khu vực ĐBSCL (Mekong PC) cùng với VBCC tổ chức chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư, tham gia hội chợ tại Campuchia. Hai bên cũng đang có kế hoạch thành lập tổ công tác chung nhằm thúc đẩy sự hợp tác ngày càng sâu hơn.
“Lĩnh vực mà chúng tôi nghĩ có sự hợp tác tốt giữa doanh nghiệp 2 nước cũng như các địa phương là lĩnh vực công nghệ, nhất là ICT. Hiện VCCI Cần Thơ có 1 CLB các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Lĩnh vực nông nghiệp chính là nơi ứng dụng công nghệ tốt nhất. Hiện ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ khá tốt, có thể hợp tác với nhau được”, ông Lam khẳng định.
Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam nhiều năm qua được Chính phủ Campuchia đánh giá cao; đóng góp tích cực vào an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của quốc gia này.
Đây là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường giao lưu, hợp tác thương mại và đầu tư; thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển; tạo điều kiện phát triển giao thương giữa 2 nước, góp phần mang lại sự ổn định kinh tế - xã hội vùng biên giới Tây Nam./. Ngân hàng Việt Nam và Campuchia hợp tác song phương
Từ khóa: nông nghiệp, ĐBSCL, Campuchia, Việt Nam Campuchia, quan hệ Việt Nam Campuchia
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN