Lỗi sơ đẳng trong tin nhắn lừa đảo qua ngân hàng, lưu ý ngay để bảo toàn tài khoản
Cập nhật: 14/03/2021
Thời gian gần đây xuất hiện một số hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng, qua đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là thông qua việc mạo danh ngân hàng/nhân viên ngân hàng để yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng.
Ngân hàng Vietcombank vừa gửi thông báo các hình thức lừa đảo cùng các khuyến cáo đến các khách hàng của mình. Trong đó, Vietcombank nhấn mạnh việc đối tượng lừa đảo thực hiện gửi nội dung thông báo kèm theo đường link lừa đảo qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat…, thậm chí giả mạo tin nhắn SMS thương hiệu Vietcombank, để lừa khách hàng bấm vào link và cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP), từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Nếu quan sát kỹ, tin nhắn của các đối tượng lừa đảo thường có những lỗi sơ đẳng. Chẳng hạn như trong tin nhắn được gửi đến các khách hàng dùng thẻ Vietcombank, dấu chấm câu (.) không được đặt liền sau chữ cuối của câu mà lại đặt sát chữ cái đầu của câu tiếp theo (ảnh). Kèm theo đó là đường link một website gần giống với website của ngân hàng khiến khách hàng lầm tưởng là tin nhắn do chính ngân hàng gửi tới. Chỉ cần bấm vào đường link này và đăng nhập theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo, coi như khách hàng đã “dâng” toàn bộ thông tin về tài khoản (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP) cho đối tượng lừa đảo.
Các ngân hàng đều đã nhấn mạnh về việc họ không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào các đường link này.
Trường hợp đã lỡ bấm vào đường link, tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP), dịch vụ thẻ (số thẻ, mã OTP), thông tin tài khoản hay bất cứ thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng, thông tin cá nhân nào khác.
Ngoài ra, đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỏi khách hàng hay thông báo cho khách hàng về việc: Có phải khách hàng đang chờ tiền về không; Khách hàng đang gặp trục trặc khi đang sử dụng dịch vụ ngân hàng; Xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện; Khách hàng bị lộ thông tin thẻ; Thông báo cho khách hàng về việc tra soát giao dịch ngân hàng…
Các ngân hàng cũng đều khẳng định không gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ. Do đó, người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật khi nhận được các cuộc gọi này.
Đằng sau những cái click vào đường link hay những cuộc gọi điện luôn là những yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP), từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Một lưu ý quan trọng dành cho chủ tài khoản ngân hàng là không chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin dịch vụ ngân hàng, thông tin giao dịch ngân hàng… lên mạng xã hội để tránh bị đối tượng lừa đảo lợi dụng mạo danh ngân hàng/cán bộ ngân hàng liên hệ, yêu cầu được hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng.
Nếu nhận được yêu cầu cung cấp thông tin theo các hình thức như trên, người dùng nên gọi đến số hotline của ngân hàng để phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra tội phạm./.
Từ khóa: lỗi sơ đẳng, tin nhắn lừa đảo, ngân hàng, bảo toàn tài khoản ngân hàng
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN