Lối đi nào để doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững?
Cập nhật: 25/09/2019
Trà Vinh chuẩn bị gần 290 tỷ đồng trữ hàng phục vụ tết Ất Tỵ
Ngân hàng UOB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7% năm 2025
VOV.VN - Ngoài việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vẫn cần có cơ chế chính sách cụ thể hơn để thúc đẩy doanh nghiệp xã hội.
Doanh nghiệp xã hội (DNXH) có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Song DNXH đang bị bó hẹp trong vô số rào cản về cơ chế, chính sách.
Có nhiều tiềm năng
DNXH là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. DNXH tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức và địa vị pháp lý khác nhau như tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện, hợp tác xã, và hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ, truyền thông cộng đồng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường…
Qua đó, các DNXH đã góp phần hỗ trợ Chính phủ trong giải quyết các vấn đề xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nhóm yếu thế, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các DNXH cũng hoạt động khá hiệu quả trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội.
Hiện nay, ở nước ta có khoảng 200 tổ chức được xem là có đầy đủ các đặc điểm của DNXH. |
Đánh giá về DNXH ở Việt Nam, bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Việt Nam cho biết, Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng và phát triển nhanh chóng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB).
Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra, đầu tư theo cách bảo vệ môi trường và thúc đẩy hiệu quả xã hội không chỉ là một hành động nhân ái, từ thiện mà còn thể hiện sự hiểu biết kinh doanh tốt. Những doanh nghiệp cân bằng nhiệm vụ xã hội với lợi nhuận có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến cộng đồng nơi họ hoạt động và có thể tạo ra giá trị cần thiết để phát triển công việc kinh doanh, đồng thời tăng cường tác động xã hội của họ.
Những nghiên cứu của UNDP cũng chỉ ra, mặc dù có quy mô nhỏ, nhưng 70% doanh nghiệp SIB vẫn tạo ra được lợi nhuận. Do đó, ngay cả khi quy mô doanh nghiệp nhỏ nhưng DNXH vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển bền vững. 40% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được thành lập từ năm 2015; 2016 là năm bùng nổ - 72% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được đăng ký doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tạo tác động xã hội chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.
Vướng nhiều rào cản
Bà Catherine Phương cũng chỉ ra, hầu hết các doanh nghiệp SIB có quy mô nhân lực nhỏ: 70% doanh nghiệp SIB có dưới 20 nhân viên với nhiều tầng lớp xã hội, 74% công nhân đến từ nhóm người thiệt thòi trong xã hội và 90% là người dân địa phương.
Thực tế là các DNXH hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực. Ngay cả truyền thông và phát triển thương hiệu cho các DNXH cũng gặp nhiều khó khăn do nhận thức của cộng đồng về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế...
Tại Việt Nam, sau gần 5 năm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các DNXH đã có nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, khu vực DNXH đang phát triển ở mức độ còn rất khiêm tốn bởi vướng nhiều rào cản.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp 2014 đã chính thức hóa DNXH. Luật này đã có những quy định khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng.
Đồng thời, DNXH được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Tuy nhiên, hiện nay các biện pháp, công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển DNXH vẫn còn nhiều khó khăn.
Để DNXH phát triển bền vững, các chuyên gia cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính khác, bao gồm tăng cường những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ hơn sử dụng thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp để phát triển khu vực DNXH; đồng thời thiết lập các tiêu chí cụ thể để xác định các doanh nghiệp xã hội, qua đó cho phép ưu tiên tài chính hướng đến mục tiêu cụ thể hơn.
Hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội: Hỗ trợ các DNXH tham gia vào các quy trình mua sắm công; Tăng cường kết nối giữa các DNXH và khu vực tư nhân rộng hơn; Nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của khu vực DNXH. Cuối cùng là cần phải tăng cường điều phối để thúc đẩy đào tạo về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội thông qua các cơ sở giáo dục.
Nếu có thể, Việt Nam nên thành lập một cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp xã hội và mạng lưới đại diện cho khu vực DNXH. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp quản lý, doanh nghiệp, người lao động về trách nhiệm trong việc thực hiện an sinh xã hội gắn với phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Với vai trò là một trong những người chủ trì soạn thảo Luật DN 2014, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần có chính sách để thúc đẩy DNXH, như việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận giữ lại của những khoản tài trợ cho DNXH được tính vào chi phí doanh nghiệp cho tài trợ./.
Văn hóa doanh nghiệp là nam châm thu hút nhân tài
Từ khóa: doanh nghiệp xã hội, vướng mắc cơ chế, chính sách chồng chéo, vốn cho doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN