Loạn giá máy xét nghiệm Covid-19: Luật Đấu thầu cần thay đổi
Cập nhật: 08/05/2020
Bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em - nguyên nhân, hậu quả và giải pháp phòng ngừa (25/11/2024)
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản - trụ cột của phát triển ngành thủy sản bền vững (24/11/2024)
VOV.VN -Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Luật Đấu thầu năm 2013 thực hiện được gần 10 năm nay và có nhiều vấn đề không còn phù hợp nữa.
Sau vụ việc “thổi giá” chênh gần 5 tỷ đồng khi mua hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bị phanh phui, nhiều tỉnh thành đã đưa ra những con số rất khác nhau về giá mua trang thiết bị này.
Vấn đề đặt ra là tại sao lại có tình trạng loạn giá trong việc mua trang thiết bị y tế như vậy? Phải chăng quy định của pháp luật về việc đấu thầu trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh còn có khoảng trống? Phải chăng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng khoảng trống này để mưu lợi, gây thất thoát nhiều tỷ đồng của nhà nước? Về vấn đề này, PV VOV trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Máy xét nghiệm Realtime PCRcó giá chênh lệch nhau rất lớn là điều bất thường. |
PV: Thưa Luật sư, thời gian qua, tại nhiều tỉnh xuất hiện tình trạng loạn giá trong việc mua thiết bị y tế, mà cụ thể ở đây là máy xét nghiệm Covid 19. Theo Luật sư, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Việc loạn giá máy móc xuất phát từ một số nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, có thể là do tính năng sử dụng của nhiều máy khác nhau, thứ hai là nguồn gốc xuất xứ khác nhau nên giá cũng khác nhau. Cùng với đó, là chính sách bán hàng của mỗi đơn vị khác nhau họ có thể đưa ra giá cạnh tranh khác nhau.
Tuy nhiên, một loại máy như máy xét nghiệm Realtime PCR có tính năng tác dụng trong việc xét nghiệm Covid-19 mà có giá chênh lệch nhau rất lớn là điều bất thường. Dư luận đã đặt nhiều câu hỏi và thực tế cơ quan điều tra đã vào cuộc xác minh. Kết quả bước đầu cho thấy, sự chênh lệch giá ở đây không phải vì tính năng, tác dụng, nguồn gốc xuất xứ... mà lại có nguyên nhân từ việc trục lợi.
PV: Điều này đặt ra nghi vấn là có hay không việc “bắt tay” giữa chủ đầu tư với nhà thầu, trong đó có vai trò không nhỏ của đơn vị thẩm định giá để “thổi giá” nhằm trục lợi bất chính. Luật sư có bình luận gì về điều này?
LS Đặng Văn Cường: Vụ việc xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội không chỉ riêng cá nhân tôi, mà tôi thấy phần lớn dư luận xã hội rất bức xúc với việc này.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo cảu Chính phủ ngày 5/5, Trung tướng Lương Tam Quan, Thứ trưởng Bộ Công an đã khẳng định, đến thời điểm hiện nay, kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng đã thành khẩn khai nhận hành vi là tự thổi giá, nâng giá máy móc thiết bị lên để trục lợi. Số tiền các bị can chiếm đoạt trong vụ án này gần 5 tỷ đồng. Có nghĩa là nâng giá gấp 3 lần giá trị thực tế. Đồng thời, các bị can cũng có ý định nộp lại tiền thu lợi bất chính. Như vậy, có thể thấy rằng dấu hiệu phạm tội rất rõ ràng.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật là nơi đưa ra kế hoạch, tổ chức thực hiện các kế hoạch về chuyên môn nghiệp vụ để kiểm soát dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, khi dịch bệnh xảy ra như thế thì vai trò và trách nhiệm của trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh là rất quan trọng và phải là tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, nguồn kinh phí của Việt Nam trong công tác chống dịch so với các nước trên thế giới khó khăn hơn rất nhiều lần. Các cơ quan chức năng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đã có những chỉ đạo rất quyết liệt trong việc thực hiện các giải pháp, trong đó có cả tiết kiệm các nguồn kinh phí.
PV: Vậy thưa Luật sư, phải chăng các quy định của pháp luật về đấu thầu hiện nay còn nhiều kẽ hở để dẫn đến sự việc đáng tiếc vừa nêu?
LS Đặng Văn Cường: Tôi nghĩ, pháp luật luôn lạc hậu so với xã hội mà xã hội thì luôn phát triển. Mà xã hội phát triển như vậy thì pháp luật cần có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Hiện nay, việc mua sắm thiết bị vật tư y tế theo quy định của Điều 1/2013 bắt buộc phải tổ chức Đấu thầu.
Đấu thầu ở đây là hình thức để lựa chọn người thầu, lựa chọn dịch vụ cung cấp dịch vụ hàng hóa. Vậy theo luật Đấu thầu năm 2013 thì có các hình thức, lựa chọn nhà thầu bao gồm:
Thứ nhất là đấu thầu rộng rãi, hai là đấu thầu hạn chế, ba là chào hàng cạnh tranh, bốn là mua sắm trực tiếp, thứ năm là thực hiện chỉ định thầu
Theo quy định điều 22 của Luật đấu thầu thì những trường hợp là gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để thực hiện quy tắc phòng chống bệnh dịch trong trường hợp dịch bệnh cấp bách thì được phép chỉ định thầu. Như vậy, với trường hợp các trung tâm kiểm soát dịch bệnh này được phép căn cứ điều 22 để chỉ định thầu.
Tuy nhiên, chỉ định thầu này phải tuân thủ các quy định, từ điều 54 cho đến điều 56 của Nghị định 63/2014 về việc lựa chọn nhà thầu, trong đó việc lựa chọn nhà thầu phải xem xét những nhà thầu đó phải có trong danh sách mà các nhà thầu có thể tham gia để thực hiện việc đấu thầu.
Thứ hai là phải đủ năng lực, điều kiện máy móc thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn và có Hội đồng để xét duyệt và xem xét việc chào giá. Ở đây, có thể nói rằng, chúng ta đang bàn đến câu chuyện loạn giá thị trường, nhưng thị trường thì luôn có giá của nó.
Nếu giá loạn lên trên thị trường thì chứng tỏ hoạt động quản lý cũng như vấn đề kinh doanh trong lĩnh vực này đang có vấn đề. Bởi, thị trường là nơi chọn lọc các đơn vị bán máy móc thiết bị luôn mong muốn bán được giá cao. Còn người mua luôn mong muốn bán được giá thấp.
Về vai trò quản lý nhà nước, nhà nước luôn luôn có những quy định về kiểm soát, tránh trường hợp tùy tiện trong trường hợp áp dụng giá.
Bởi vậy, khi mà chỉ định thầu cũng phải lựa chọn các đơn vị cung cấp hàng hóa này xem đơn vị nào có giá hợp lý, máy móc hiệu quả thì sẽ mua và có cả một Ban để quyết định việc này. Cùng với đó, toàn bộ máy móc nhập khẩu từ nước ngoài về sẽ có tờ khai hải quan nên không thể có giá đột biến.
PV: Vậy thì theo Luật sư, cần bịt những lỗ hổng về pháp luật trong đấu thầu như thế nào để không còn xảy ra tình trạng “loạn giá” mua sắm trang thiết bị cũng như không để các đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi bất chính?
LS Đặng Văn Cường: Tôi nghĩ rằng, những quy định của pháp luật ví dụ như Luật Đấu thầu năm 2013 thì qua quá trình chúng ta thực hiện cũng gần 10 năm nay và cũng có nhiều vấn đề không còn phù hợp nữa. Cho nên, với thời điểm kinh tế xã hội thay đổi như thế này, việc phát triển công nghệ và kết nối toàn cầu thì luật Đấu thầu cần phải thay đổi.
Đặc biệt, sửa đổi liên quan chỉ định thầu. Trong vụ việc này thì những sai phạm không liên quan đến tổ chức đấu thầu mà liên quan đến chỉ định thầu. Vì vậy phải sửa đổi luật đấu thầu cũng như sửa đổi quy định của Nghị định hướng dẫn trực tiếp. Ở đây là Nghị định về Quy định về chỉ định đấu thầu và chúng ta cần phải có những sửa đổi, đặc biệt là Nghị định 63/2014 sửa đổi làm sao để việc chỉ định thầu phải diễn ra theo đúng quy trình có sự kiểm soát và gắn trách nhiệm với người đứng đầu.
Trong việc chỉ định thầu mà có sai phạm thì những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm
PV: Việc thổi giá trong mua thiết bị xét nghiệm Covid 19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội không phải là vấn đề mới, bởi hiện tượng “luật ngầm” trong các dự án đấu thầu, chỉ định thầu cũng đã và đang diễn ra. Điều này khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính nếu muốn tồn tại phải chấp nhận những “luật ngầm” trong đấu thầu. Hậu quả là chất lượng đầu tư bị suy giảm, ngân sách nhà nước cũng không được đảm bảo. Thưa Luật sư, đây là vấn đề đáng lo ngại?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thực ra chúng ta gọi là “chi phí ngầm”, “luật ngầm”, “luật bôi trơn” đấy là những “mỹ từ” mà chúng ta sử dụng thường xuyên trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý thì đó là những khoản tiền bất chính, nguồn tiền từ vi phạm pháp luật.
Những doanh nghiệp cá nhân phải chi tiền cho các cơ quan nhà nước, các đơn vị có chức năng nhiệm vụ để thực hiện yêu cầu công việc thì đó là hành vi đưa hối lộ. Còn những người nhận khoản tiền vật chất từ doanh nghiệp, từ cá nhân để thực hiện công vụ thì đó là nhận hối lộ.
Và công việc đưa, nhận hối lộ nó xảy ra ở nhiều lĩnh vực với nhiều nguyên nhân khác nhau. Ở đây, thứ nhất là do hệ thống pháp luật của chúng ta còn nhiều quy định chồng chéo chưa đồng bộ dẫn đến việc cồng kềnh về thủ tục.
Thứ hai, đời sống của cán bộ công chức, mức lương đãi ngộ của nhà nước đối với đội ngũ này còn hạn chế. Cùng với đó, việc phát hiện xử lý còn chưa kịp thời, chưa nghiêm minh. Cho nên, nếu để kiểm soát tốt vấn đề này làm sao để cho những đối tượng không muốn vi phạm pháp luật, không dám thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và không có cơ hội vi phạm.
PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư./.
Từ khóa: máy xét nghiệm Covid-19, Luật Đấu thầu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN