Lo viêm phổi lạ xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế chống dịch từ sân bay
Cập nhật: 21/01/2020
Lưu học sinh Việt Nam tại Campuchia tưng bừng chào đón Tết Ất Tỵ 2025
Xuân Quê hương 2025 – gắn kết cộng đồng người Việt tại Slovakia
VOV.VN -Hiện đã có 4 người Trung Quốc tử vong vì bệnh viêm phổi lạ do virus corona gây ra. Bộ Y tế lo nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Sáng 21/1, đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã kiểm tra tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Tại đây chưa ghi nhận hành khách có thân nhiệt cao nhập cảnh.
Được biết, trung bình mỗi ngày, sân bay Nội Bài có khoảng 115-120 chuyến bay quốc tế nhập cảnh. Riêng các chuyến bay từ Trung Quốc là khoảng 11-13 chuyến, có những ngày cao điểm lên đến 15-16 chuyến, không có đường bay trực tiếp từ Vũ Hán.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. |
BS Nguyễn Hải Nam, Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, công tác kiểm dịch tại của khẩu là công tác đầu tiên trong quy trình phòng chống dịch bệnh.
Theo BS Nguyễn Hải Nam, hiện không có đường bay trực tiếp từ sân bay Vũ Hán về Nội Bài nhưng công tác kiểm dịch tại sân bay luôn luôn được chú trọng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tập trung giám sát chặt chẽ tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc và các quốc gia lân cận. Đồng thời giám sát chặt thêm những nước đã ghi nhận có ca mắc như Thái Lan, Nhật Bản.
“Những ngày Tết sắp tới, lượng hành khách về quê, đi du lịch tăng cao. Vì vậy, công tác kiểm dịch tập trung tăng cường. Chúng tôi trực thông Tết, trực 24/24h, giám sát tất cả các chuyến bay đến Việt Nam qua cửa khẩu Nội Bài nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập”- BS Nguyễn Hải Nam cho biết.
Được biết, hiện nay ngoài 4 máy đo thân nhiệt tại khu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế thì hiện có 2 máy đo thân nhiệt dự phòng.
Tại buổi kiểm tra, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua hệ thống giám sát từ tháng 12/2019 đến ngày 19/01/2020, nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona.
Bộ Y tế nhận định, trong những ngày tới, lưu lượng hành khách, khách du lịch trở về từ Trung Quốc hoặc đến thăm Việt Nam từ Trung Quốc sẽ rất nhiều. Vì vậy, nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể.
Máy đo thân nhiệt cho hành khách được đặt tạikhu vực nhập cảnh và xuất cảnh quốc tế. |
Ông Đặng Quang Tấn đề nghị rà soát lại quy trình kiểm định về y tế, đồng thời phổ biến, cập nhật quy trình kiểm định dịch cho cán bộ làm công tác kiểm dịch. Rà soát cơ số thuốc, trang thiết bị cần thiết, tối thiểu để phục vụ cho công tác sẵn sàng thu dung, sẵn sàng đáp ứng với dịch bệnh nếu ghi nhận nghi ngờ những trường hợp đầu tiên tại Việt Nam. Đồng thời bố trí vận hành các máy đo thân nhiệt hợp lý để đảm bảo chính xác nhất. Chuẩn bị sẵn các phòng cách ly để theo dõi các bệnh nhân trong thời gian ngắn.
Liên quan đến kế hoạch phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp, Bộ Y tế đề nghị cần có kế hoạch cụ thể đối với các tình huống. “Ban Chỉ đạo cần phối hợp với Bộ Y tế để có phối hợp giữa các ban ngành, đặc biệt các hãng hàng không, các cơ quan khác đảm bảo an ninh, cách ly. Đồng thời thường xuyên cập nhật những thông tin cho các thành viên Ban Chỉ đạo để có những chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ”- TS Đặng Quang Tấn cho biết.
BS Nguyễn Hải Nam, Trưởng Khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội. |
Liên quan đến đường dây nóng, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thường trực đường dây nóng sẵn sàng cung cấp thông tin cho người dân, đồng thời có hướng dẫn hành khách một cách cụ thể, trong thời gian 24/24h.
Trong thời gian nghỉ Tết, Bộ Y tế cũng đề nghị cần thành lập các đội trực, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Trung tâm kiểm soát bệnh tật, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xử lý các trường hợp trong trường hợp khẩn thiết. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các cửa khẩu, cộng đồng. “Có thể những hành khách khi vào trong cộng đồng mới biểu hiện bệnh. Vì vậy, cần giám sát chặt những trường hợp có tiền sử trở về từ vùng có dịch. Nếu có sốt hoặc nếu có biểu hiện nghi ngờ thì cũng phải có những thông báo để xử lý kịp thời, tránh lây lan nếu có”- ông Tấn cho biết.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động có những biện pháp phòng chống. Đối với những người đi du lịch về từ vùng có dịch, có những triệu chứng như sốt, nhiễm phổi thì cũng cần thông báo ngay cho các cơ sở y tế, bệnh viện để có những hướng dẫn, điều trị bệnh kịp thời./.
Bộ Y tế vừa ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona. Mục tiêu phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Theo đó phân theo 3 tình huống cụ thể:
- Tình huống thứ 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Việt Nam
Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona về Việt Nam từ vùng có dịch.
- Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam
Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.
- Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng
Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.
Một trường hợp bị nghi nhiễm bệnh viêm phổi lạ ở Australia
Trung Quốc quyết liệt ngăn chặn bùng phát dịch bệnh viêm phổi lạ
Từ khóa: viêm phổi lạ, Trung Quốc, Vũ Hán, virus corona
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN