Lo ngại nhiều người sẵn sàng bỏ phương tiện cũ khi tăng mức phạt vi phạm ATGT

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Về việc nâng nhiều mức xử phạt hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ, nhiều người dân cho rằng sẽ có tác dụng răn đe, góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông, song cũng có lo ngại khi giá trị xe thấp hơn số tiền nộp phạt nhiều người sẵn sàng bỏ lại phương tiện.

Theo phản ánh của PV Thanh Nga/VOV-Đông Bắc, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực từ 01/01/2025) nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ của người dân.

Anh Cao Huy Toàn ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng nêu ý kiến: "Luật Đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025 có nhiều tác động tới người dân, nâng cao an toàn giao thông, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và khuyến khích các hành vi văn minh. Và để thực hiện tốt nhưng việc này người dân như chúng tôi cũng phải thay đổi tư duy, thay đổi quan điểm tham gia giao thông và nâng cao tính tuân thủ, tự giác trong hành vi giao thông của mình. Song song với đó là công tác truyền thông cũng như tuyên truyền giáo dục của chính quyền để người dân hiểu và thông suốt Luật.

Thực tế cho thấy, sau khi quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, việc tham gia giao thông của người dân đã có ý thức hơn. Tuy nhiên, một số người dân cũng băn khoăn về mức phạt đối với một số lỗi vi phạm của xe máy ở mức khá cao.

Chị Bùi Thị Hoạt ở xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng cho rằng: "Nghị định 168 có tính chất răn đe cao để yêu cầu người dân chấp hành tốt hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, mức phạt đối với xe máy, bản thân tôi thấy rằng, chúng tôi luôn luôn có ý thức chấp hành quy định giao thông nhưng nhiều khi vô tình vi phạm quy định đèn giao thông mà mức phạt lên đến 6 triệu thì khá cao so với thu nhập hiện nay".

Còn tại Bắc Kạn, PV Công Luận/VOV-Đông Bắc phản ánh, bà Đào Thị Thành, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: “Tôi thấy mức phạt vi phạm này khá nặng nhưng cũng cần thiết và giao công an cấp xã xử lý vi phạm giao thông cũng rất hợp lý. Hiện nay ở các tuyến đường xã, thôn người dân nhiều khi vẫn còn chủ quan, đi làm nương rẫy cũng chưa đội mũ bảo hiểm vì nghĩ là khu vực này không có Cảnh sát giao thông làm việc. Tuy nhiên, cũng mong là lực lượng chức năng trước hết là nhắc nhở, tuyên truyền thêm để bà con nắm rõ. Hơn nữa là nhiều xe máy cũ, không đáng tiền, nếu người vi phạm bỏ xe không nộp phạt thì cũng cần có cách xử lý sao cho công bằng".

Theo PV Vũ Miền/VOV-Đông Bắc, phần lớn người tham gia giao thông tại Quảng Ninh đồng tình với mức xử phạt được nêu trong Nghị định 168/2024/ND-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Việc tăng mức xử phạt vi phạm gấp nhiều lần so với quy định cũ, thậm chí tịch thu phương tiện giao thông nhận được nhiều ý kiến đồng thuận bởi có sức răn đe lớn đối với những người không có ý thức khi tham gia giao thông, hoặc cố tình vi phạm. Dù vậy, cũng có một số ý kiến băn khoăn về mức xử phạt cao sẽ tạo áp lực cho lực lượng chức năng trong việc tạm giữ các phương tiện vi phạm. Bởi, có nhiều người sẵn sàng bỏ phương tiện cũ, giá trị thấp thay vì nộp phạt.

Ông Nguyễn Văn Long (69 tuổi), người dân thành phố Hạ Long cho rằng: “Xe trị giá khi bán đi tầm 5 triệu, nhưng bị nộp phạt đến 7 triệu, như vậy thì chắc chắn 10 người thì cả 10 đều bỏ xe".

Cũng có một số ý kiến cho rằng, sau bão, hệ thống đèn giao thông ở nhiều đô thị tại Quảng Ninh hoạt động chưa ổn định dẫn tới nguy cơ chủ phương tiện có thể bị phạt "oan".

Ông Bùi Huy Hùng, lái xe dịch vụ tại thành phố Cẩm Phả nêu quan điểm: “Khi áp dụng những quy định mới thì cần phải rõ ràng và minh bạch hơn nữa. Ví dụ như những đèn tín hiệu giao thông đôi lúc nhảy số không chuẩn, khi đang đi đèn xanh lại nhảy sang đèn đỏ, khi lỡ đi vào đến vạch lại nhảy sang đèn đỏ thì có vi phạm không? có những nút giao thông hiện tượng này rất lâu rồi".

Đại úy Vũ Hồng Thái, Đội CSGTTT, Công an thành phố Hạ Long cho biết, trong thời gian này, lực lượng chức năng sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt các quy định mới: “Trước khi có Nghị định 168 thì người dân đã chấp hành tốt hơn rất là nhiều rồi. Giờ đây Nghi định 168 có hiệu lực, người dân đã nắm được cơ bản các điểm mới của Luật ATGT đường bộ. Tuy nhiên còn một số người dân chưa nắm được hết các điểm mới và các mức phạt tăng. Đội CSGT đã tăng cường tuyên truyền đến với người dân để thực hiện tốt hơn Luật ATGT đường bộ".

Điện Biên tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Nghị định 168

Theo PV Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc, Nghị định 168 năm 2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, thay thế Nghị định 100 năm 2019. Với nhiều mức phạt tăng cao, Nghị định thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh.

Đại úy Lù Anh Trung, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết, thực hiện Nghị định 168, Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã chủ động triển khai các biện pháp tuyên truyền, trong đó có việc gắn biển thông báo mức phạt lỗi vượt đèn tín hiệu tại tất cả các ngã tư có đèn giao thông trên địa bàn. Hoạt động này nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định mới ngay những ngày đầu năm.

Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng là những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do đó việc tăng mức xử phạt đối với những lỗi này là rất cần thiết. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là tuyên truyền để người dân hiểu, cập nhật kịp thời các quy định của luật và tự giác chấp hành. 

"Đội Cảnh sát giao thông trật tự, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã bố trí cán bộ, chiến sĩ sử dụng pano, áp phích dán tại các khu vực ngã ba, ngã tư đèn đỏ nhằm giúp người dân tìm hiểu, tránh được các vi phạm đáng tiếc xảy ra. Ngoài ra kết hợp tuần tra kiểm soát, bố trí con người ngoài xử lý vi phạm sẽ tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân áp dụng thực hiện theo nghị định mới", Đại úy Lù Anh Trung thông tin.

Từ tháng 10/2024, tỉnh Điện Biên cũng đã đưa vào hoạt động hệ thống camera giám sát giao thông. Sau 1 tháng đưa vào sử dụng, hệ thống này đã phát hiện gần 7.500 hành vi vi phạm an toàn giao thông.

Với mức xử phạt tăng mạnh theo Nghị định 168, như: Mức phạt đối với lỗi vượt đèn đỏ của ô tô  từ 4 - 6 triệu đồng tăng lên 18 - 20 triệu đồng; xe máy từ 800.000 - 1 triệu đồng tăng lên 4 - 6 triệu đồng; Lỗi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, hoặc dùng chân điều khiển vô lăng bị phạt từ 40 - 50 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trước đây; hành vi mở cửa xe ô tô không quan sát gây nguy hiểm có mức phạt tăng từ 400.000 - 600.000 đồng lên 20 - 22 triệu đồng, gấp 42 lần… kỳ vọng người điều kiện phương tiện tham gia giao thông sẽ nâng cao hơn ý thức chấp hành pháp luật, qua đó góp phần làm giảm các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Từ khóa: giao thông, giao thông, vi phạm an toàn giao thông, tăng mức phạt, quy định xử phạt mới, vượt đè đỏ,phạt,vi phạm

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nhóm phóng viên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập