Lo ngại chiến tranh từ việc Mỹ dọa rút nhân viên ngoại giao khỏi Iraq
Cập nhật: 29/09/2020
Việc Mỹ chỉ định Houthi là khủng bố đánh dấu “sự kết thúc” của lực lượng này?
Tổng thống Nga Putin sẵn sàng đàm phán với ông Trump về Ukraine
VOV.VN - Mỹ đã chuẩn bị rút các nhân viên ngoại giao khỏi Iraq sau khi cảnh báo có thể đóng cửa sứ quán Mỹ tại Baghdad.
Bất kỳ động thái nào từ Mỹ nhằm giảm hiện diện ngoại giao ở một nước nơi có tới 5.000 binh sỹ Mỹ đồn trú sẽ được nhìn nhận ở khu vực như một sự leo thang đối đầu với Iran, nước mà Mỹ đổ lỗi cho các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom.
Động thái của Mỹ cũng mở ra khả năng về một hành động quân sự, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử ở Mỹ, sự kiện mà Tổng thống Donald Trump đang tái tranh cử với một chính sách cứng rắn đối với Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.
Hai nguồn tin từ chính phủ Iraq cho biết Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dọa sẽ đóng cửa sứ quán Mỹ trong cuộc điện đàm một tuần trước đây với Tổng thống Iraq Barham Salih.
Cũng các nguồn tin này cũng với hai nhà ngoại giao phương Tây cho biết Washington đã bắt đầu các bước chuẩn bị rút các nhân viên ngoại giao khỏi Iraq nếu việc đóng cửa sứ quán được quyết định.
Giới chức Iraq lo ngại rằng sau việc rút các nhân viên ngoại giao có thể sẽ là một hành động quân sự chống lại các lực lượng mà Washington cáo buộc đã tiến hành các cuộc tấn công.
Một trong các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng chính phủ Mỹ không muốn bị giới hạn trong các lựa chọn nhằm làm suy yếu Iran hoặc các lực lượng dân quân thân Iran ở Iraq. Quan chức ngoại giao này cũng cho rắng Washington sẽ tấn công Iran.
Trong khi đó, khi được hỏi về kế hoạch rút nhân viên khỏi Iraq, bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về các cuộc nói chuyện của Ngoại trưởng Pompeo với lãnh đạo nước ngoài. Tuy nhiên, bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh việc các nhóm do Iran hậu thuẫn bắn rocket vào sứ quán Mỹ là mối nguy hiểm không chỉ đối với Mỹ mà cả chính phủ Iraq. Mỹ hồi đầu tháng thông báo sẽ giảm hiện diện quân sự tại Iraq từ 5.200 xuống 3.000 binh sỹ.
Lầu Năm Góc ngày 28/09 nhấn mạnh cam kết ủng hộ an ninh, ổn định và thịnh vượng lâu dài ở Iraq và các chiến dịch quân sự của Mỹ chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo sẽ vẫn tiếp tục.
Rủi ro lâu năm
Trong một khu vực phân cực giữa các đồng minh của Iran và Mỹ, Iraq là một ngoại lệ hiếm có: Một quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả đôi bên. Tuy nhiên, điều này cũng khiến Iraq có thể trở thành một chiến trường của các lực lượng ủy nhiệm.
Minh chứng cụ thể cho điều này đó là hồi tháng 1 năm nay, Mỹ đã sát hại một trong những chỉ huy quân sự quan trọng nhất của Iran, Tướng Qasem Soleimani, trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở sân bay Baghdad. Iran đã trả đũa bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq.
Kể từ đó, một Thủ tướng mới đã nhậm chức ở Iraq với sự ủng hộ từ phía Mỹ trong khi Iran vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các phong trào vũ trang Shi’ite. Rocket thường được bắn qua khu vực Tigris vào khu ngoại giao được bảo vệ chặt chẽ của Mỹ, nơi được coi là sứ quán Mỹ lớn nhất trên thế giới, tại Vùng Xanh ở trung tâm thủ đô Baghdad, trong thời gian quan đội Mỹ ở Iraq sau cuộc tấn công năm 2003.
Trong những tuần vừa qua, các cuộc tấn công bằng rocket gần sứ quán Mỹ đã gia tăng và các vụ đánh bom ven đường thường nhắm tới các đoàn xe chở thiết bị tới liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu. Một vụ đánh bom ven đường đã nhắm tới một đoàn xe của Anh tại Baghdad, vụ tấn công đầu tiên nhắm tới các nhân viên ngoại giao phương Tây ở Iraq trong vòng nhiều năm.
Quân đội Iraq ngày 28/09 thông báo 3 trẻ em và 2 phụ nữa đã bị sát hại khi rocket của các lực lượng dân quân bắn vào một ngôi nhà của dân thường. Các nguồn tin cảnh sát cho biết sân bay Baghdad mới là mục tiêu chính của vụ tấn công này.
Hai nguồn tin tình báo Iraq cho rằng các kế hoạch rút nhân viên ngoại giao Mỹ vẫn chưa được triển khai và sẽ phụ thuộc vào việc liệu các lực lượng an ninh Iraq có khă năng ngừng các cuộc tấn công hay không. Các nguồn tin này cũng cho biết đã nhận được lệnh ngăn ngừa các cuộc tấn công nhắm tới các cơ sở của Mỹ và được thông báo rằng việc sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ chỉ bắt đầu khi nỗ lực này thất bại.
Dao hai lưỡi
Người dân Iraq lo ngại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới sẽ ảnh hưởng tới việc ra quyết định của chính quyền Tổng thống Trump.
Trong khi ông Trump nhấn mạnh chính sách cứng rắn đối với Iran, ông cũng hứa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi các cuộc chiến ở Trung Đông. Mỹ hiện đã bắt đầu giảm số quân nước này từng triển khai nhằm giúp đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq từ 2014 tới 2017.
Một số quan chức Iraq đã bác bỏ lời đe dọa rút nhân viên ngoại giao của Ngoại trưởng Pompeo, được cho là nhằm đe dọa dọa và buộc các nhóm vũ trang phải ngừng các cuộc tấn công. Tuy nhiên, động thái này, theo các quan chức Iraq, có thể phản tác dụng khi có thể kích động các nhóm dân quân nếu các nhóm này nhận thấy cơ hội buộc Washington phải rút lui.
Gati Rikabi, một thành viên của Ủy ban an ninh quốc hội Iraq cho rằng “lời đe dọa đóng cửa sứ quán Mỹ chỉ là một chiến thuật gây sức ép những cũng là con dao hai lưỡi.” Ông Rikabi và một thành viên ủy ban khác cho rằng các động thái của Mỹ nhằm dọa giới lãnh đạo Iraq buộc họ phải ủng hộ Thủ tướng Mustafa al-Kadhimi, người từng thử sức mạnh của các nhóm dân quan ủng hộ Iran nhưng không thành công.
Giới diều hâu từ cả hai phía
Các nhóm dân quân đang phải chịu sức ép từ công chúng nhằm hạn chế các cá nhân có thể khiêu khích Mỹ. Kể từ năm ngoái, dư luận ở Iraq đã quay sang chống lại các nhóm chính trị được cho là đã thay mặt Iran gia tăng bạo lực. Về mặt công khai, các nhóm dân quân Shi’ite do Iran hậu thuẫn, kiểm soát các đảng phái lớn trong quốc hội, đã tìm cách tránh xa các cuộc tấn công nhắm tới các mục tiêu phương Tây.
Giới chức Mỹ cho biết họ cho rằng các lực lượng dân quân Shi’ite hoặc các lực lượng Iran ủng hộ các nhóm này đã tạo ra các nhánh để tiến hành các cuộc tấn công và điều này sẽ tránh cho các tổ chức chính bị đổ lỗi. Một quan chức cao cấp trong đảng chính trị Hồi giáo Shi’ite cho rằng Tổng thống Trump có thể muốn rút nhân viên ngoại giao nhằm giữ an toàn cho họ và tránh một sự việc đáng xấu hổ trước bầu cử. Quan chức này cũng cho rằng các cuộc tấn công của các lực lượng dân quân có thể không do Iran kiểm soát và nhấn mạnh bộ Ngoại giao Iran đã công khai kêu gọi ngừng các cuộc tấn công đối với các phái bộ ngoại giao ở Iraq.
Quan chức này cho rằng “Iran muốn đẩy Mỹ ra khỏi Iraq nhưng không phải bằng mọi giá. Iran không muốn bất ổn ở biên giới phía Tây nước này. Cũng như giới diều hâu ở Mỹ, Iran cũng có các quan chức theo quan điểm diều hâu, những người có liên kết với các nhóm tiến hành tấn công và những người này không nhất thiết phải tuân theo chính sách nhà nước”./.
Từ khóa:
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN